Mức lương vượt trội, lĩnh vực công nghệ thông tin vẫn 'khát' nhân lực

Dự kiến, Việt Nam cần thêm ít nhất 500.000 lao động thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin. Lĩnh vực này vẫn 'khát' nhân lực dù lương vượt trội.

Sinh viên Khoa Công nghệ thông tin và Truyền thông (Học viện Quản lý giáo dục) thực hành tại phòng Studio.

Sinh viên Khoa Công nghệ thông tin và Truyền thông (Học viện Quản lý giáo dục) thực hành tại phòng Studio.

Phóng viên Báo Giáo dục và Thời đại có cuộc trao đổi với TS Đỗ Viết Tuân – Phụ trách Khoa Công nghệ thông tin và Truyền thông (Học viện Quản lý giáo dục) xung quanh chủ đề trên.

Nhu cầu tuyển dụng cao

* Ông có thể cho biết, nhu cầu lao động ngành công nghệ thông tin trong bối cảnh hiện nay?

- Hiện, các lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT) có nhu cầu tuyển dụng cao như: Trí tuệ nhân tạo (AI) và học máy; an ninh mạng; khoa học dữ liệu, phát triển phần mềm và ứng dụng di động và công nghệ Blockchain.

Tại Việt Nam, dự kiến trong một vài năm tới cần thêm ít nhất 500.000 lao động thuộc lĩnh vực CNTT. Mức lương trung bình lao động trong lĩnh vực CNTT năm 2024 từ 1.100 đến 3.000 USD. Các chuyên gia trong một số công việc cụ thể như: AI, an ninh mạng, thậm chí hưởng mức lương vượt trội lên tới 10.000 USD.

* Vậy theo ông, sinh viên cần chủ động phát triển những kỹ năng nào để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường lao động?

- Theo tôi, sinh viên cần phát triển một số kỹ năng và năng lực như:

Năng lực chuyên môn. Theo đó, sinh viên cần nắm vững các ngôn ngữ lập trình phổ biến như: Python, Java, cùng khả năng sử dụng thành thạo các công cụ phân tích dữ liệu hiện đại như Tableau và Power BI.

Kỹ năng mềm. Giao tiếp hiệu quả, làm việc nhóm linh hoạt và tư duy giải quyết vấn đề… Đây là những kỹ năng được nhà tuyển dụng đánh giá cao và đóng vai trò quan trọng trong môi trường làm việc thực tế.

Khả năng học hỏi và thích nghi. Công nghệ thông tin là lĩnh vực thay đổi không ngừng, vì vậy khả năng tự học, cập nhật kiến thức mới và thích nghi nhanh với các xu hướng công nghệ là yếu tố mang tính quyết định đối với sự phát triển nghề nghiệp.

 TS Đỗ Viết Tuân.

TS Đỗ Viết Tuân.

AI ảnh hưởng đến đào tạo ngành CNTT

* Ông nhìn nhận như thế nào về việc AI ảnh hưởng đến đào tạo ngành CNTT trong các trường Đại học hiện nay?

- AI đang tạo ra những thay đổi sâu rộng trong giáo dục đại học, đặc biệt là đối với chương trình đào tạo ngành CNTT.

Thứ nhất, AI tác động trực tiếp đến nội dung chương trình đào tạo. Sự phát triển mạnh mẽ của AI buộc các trường đại học phải cập nhật và tái cấu trúc chương trình giảng dạy để đáp ứng nhu cầu mới của thị trường lao động.

Trước đây, chương trình CNTT chủ yếu tập trung vào các nội dung truyền thống như lập trình với C, C++, Java, quản trị cơ sở dữ liệu, hay thuật toán cơ bản. Tuy nhiên, trong bối cảnh AI bùng nổ, các nội dung liên quan đến học máy (machine learning), học sâu (deep learning), kỹ thuật dữ liệu (data engineering), phát triển mô hình thông minh và xây dựng hệ thống tự động ngày càng được chú trọng.

Ngoài ra, các môn học vốn giữ vị trí trung tâm như: hệ điều hành hay mạng máy tính đang dần nhường chỗ cho các môn như: Phát triển ứng dụng AI, tích hợp AI với công nghệ đám mây (Cloud–AI Integration).

Thứ hai, AI thúc đẩy đổi mới phương pháp giảng dạy.

AI góp phần chuyển đổi cách thức giảng dạy truyền thống sang các mô hình học tập hiện đại. Học tập cá nhân hóa thông qua các nền tảng học trực tuyến tích hợp AI như Coursera, edX, hay Khan Academy đang ngày càng phổ biến.

Bên cạnh đó, công nghệ AI còn hỗ trợ tự động hóa trong đánh giá, kiểm tra cũng như tăng cường việc áp dụng phương pháp học tập qua dự án (project-based learning), giúp người học phát triển kỹ năng thực tiễn hiệu quả hơn.

Thứ ba, yêu cầu kỹ năng đầu ra cũng thay đổi.

Từ thực trạng nêu trên, sinh viên ngành CNTT ngày nay cần trang bị thêm các kỹ năng chuyên sâu liên quan đến AI để đáp ứng nhu cầu tuyển dụng mới. Nếu trước đây việc học tập chủ yếu xoay quanh quản trị cơ sở dữ liệu, thì nay kiến thức về xử lý dữ liệu lớn (big data), phân tích dữ liệu và quản lý hệ thống dữ liệu thông minh trở nên thiết yếu.

Tương tự, các kỹ năng an toàn thông tin truyền thống đang được mở rộng sang lĩnh vực bảo mật dựa trên AI, đòi hỏi sinh viên phải hiểu rõ cả về thuật toán và các mối nguy cơ bảo mật trong hệ thống thông minh.

Thứ tư, AI ảnh hưởng đến mô hình tổ chức đào tạo. Nhiều trường đại học đã chủ động mở thêm các chuyên ngành mới như: AI, Khoa học dữ liệu và AI, nhằm chuyên biệt hóa đào tạo và tăng tính thích ứng với thực tế.

Bên cạnh đó, AI cũng là chất xúc tác thúc đẩy sự hợp tác chặt chẽ giữa nhà trường và doanh nghiệp, tạo điều kiện phát triển các mô hình học tập kết hợp (blended learning), học tập qua thực tiễn và dự án thực tế, giúp sinh viên nâng cao khả năng ứng dụng trong môi trường làm việc sau này.

 Ảnh minh họa/internet.

Ảnh minh họa/internet.

* Nói là vậy nhưng ông có cho rằng, đào tạo ngành CNTT sẽ đối mặt với không ít khó khăn và thách thức mới?

- Đúng vậy! Bên cạnh những cơ hội mà AI mang lại, công tác đào tạo ngành CNTT đang đối mặt với không ít thách thức mới.

Đầu tiên phải kể đến sự chênh lệch về năng lực giảng viên. Nhiều giảng viên vốn xuất thân từ các chuyên ngành CNTT truyền thống, chưa được trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng chuyên sâu về AI. Vì thế, gây khó khăn trong việc triển khai hiệu quả các học phần chuyên ngành như: học máy, học sâu hay khoa học dữ liệu.

Kế đến là chi phí đầu tư cao. Việc xây dựng phòng thí nghiệm AI đòi hỏi trang thiết bị hiện đại, đặc biệt là hệ thống máy tính có GPU hiệu năng cao. Bên cạnh đó, các phần mềm chuyên dụng và nền tảng AI thường có chi phí bản quyền lớn, tạo áp lực đáng kể về tài chính cho nhiều cơ sở đào tạo.

Ngoài ra, có thể dẫn đến rủi ro đạo đức trong ứng dụng AI. AI không chỉ là công nghệ, mà còn liên quan đến các vấn đề xã hội, pháp lý và đạo đức. Sinh viên cần được giáo dục về việc sử dụng AI một cách có trách nhiệm, tránh những hệ lụy tiêu cực như xâm phạm quyền riêng tư, tạo nội dung sai lệch hoặc lạm dụng công nghệ vào mục đích không phù hợp.

* Theo ông, các trường đại học nên làm gì để thích nghi với nhu cầu nhân lực hiện nay và sự xâm lấn của AI?

- Tại Học viện Quản lý giáo dục, chúng tôi đã xây dựng và triển khai kế hoạch cải tiến chương trình đào tạo theo 5 nhóm hành động chiến lược, nhằm thích ứng với xu thế phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI) và nhu cầu mới của thị trường lao động.

Thứ nhất, cập nhật mục tiêu đào tạo theo hướng phát triển năng lực số.

Thứ hai, thiết kế lại chương trình đào tạo theo hướng linh hoạt và liên ngành. AI đang hội tụ với nhiều lĩnh vực như: y tế, tài chính, giáo dục, kỹ thuật và luật. Vì vậy, sinh viên cần năng lực làm việc liên ngành để thích ứng.

Thứ ba, đầu tư phát triển hạ tầng số và hệ sinh thái học tập thông minh. Theo đó, sinh viên cần được học tập trong môi trường số hóa tương đồng với môi trường làm việc thực tế của các doanh nghiệp vận hành bằng AI.

Thứ tư, đào tạo lại và nâng cao năng lực giảng viên.

Thứ năm, kết nối doanh nghiệp và xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo.

Xin cảm ơn ông!

"Tại Khoa Công nghệ Thông tin và Truyền thông của Học viện Quản lý Giáo dục cam kết triển khai mô hình đào tạo thích ứng linh hoạt với thời đại AI bằng cách thường xuyên cập nhật khung chương trình, đặc biệt là các học phần tự chọn; điều chỉnh đề cương chi tiết học phần. Mặt khác, chúng tôi và mở rộng hợp tác với doanh nghiệp trong đào tạo, thực tập. Mục tiêu cuối cùng là đảm bảo sinh viên tốt nghiệp có năng lực đáp ứng ngay yêu cầu thực tế của doanh nghiệp" - TS Đỗ Viết Tuân.

Minh Phong (thực hiện)

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/muc-luong-vuot-troi-linh-vuc-cong-nghe-thong-tin-van-khat-nhan-luc-post729520.html