Mực nước của sông Amazon xuống mức thấp kỷ lục
Mới đây, mực nước của sông Amazon, mạch sống chính cho hàng trăm nghìn người dân và hệ sinh thái rừng nhiệt đới ở Brazil đã ghi nhận mức thấp kỷ lục trong hơn một thế kỷ qua.
Tình trạng này đang gây ra nhiều vấn đề lớn trong khu vực, khiến cuộc sống của người dân địa phương và động vật sinh sống tại đây đều gặp rủi ro nghiêm trọng.
Tại cảng Manaus, nơi sự giao nhau của 2 dòng sông Rio Negro và Amazon, mực nước đã giảm xuống đáng kể, chỉ còn 13,59m so với con số 17,60m cách đây 1 năm. Điều đáng chú ý, đây cũng là mức thấp nhất được ghi nhận kể từ khi bắt đầu ghi chép dữ liệu vào năm 1902, vượt qua mức thấp nhất từ trước đến nay trong năm 2010. Manaus, thủ phủ cũng như thành phố đông đúc nhất ở bang Amazonas, đang phải đối mặt với tình trạng khẩn cấp vì hạn hán.
Theo thông tin từ Trung tâm Cảnh báo Thiên tai của Chính phủ Brazil (Cemaden), không chỉ Manaus mà nhiều khu vực khác ở Amazon cũng ghi nhận lượng mưa thấp kỷ lục trong quý thời gian từ tháng 7 đến 9, là thấp nhất từ năm 1980.
Cơ quan phòng vệ dân sự của bang Amazonas cũng đã thông báo rằng hạn hán đã ảnh hưởng đến 481.000 người dân trong khu vực. Tình hình khẩn cấp đã khiến nhiều nhánh sông Amazon khô cạn, gây cản trở đáng kể đến giao thông thủy và cung cấp nguồn lương thực và nước uống cho các khu vực hẻo lánh.
Các chuyên gia từ Bộ Khoa học Brazil cảnh báo rằng hạn hán năm nay là kết quả của hiện tượng El Nino, gây ra các điều kiện thời tiết cực đoan trên toàn cầu. Theo dự báo, tình trạng khô hạn dự kiến sẽ kéo dài ít nhất đến tháng 12, khi ảnh hưởng của El Nino đạt đến đỉnh điểm.
Cuối tuần trước, các thành viên thuộc tổ chức phi chính phủ Fundacao Amazonia Sustentavel (FAS) của Brazil đã đến các khu vực khô cạn gần Manaus để cung cấp hỗ trợ về thực phẩm và hàng hóa cho các ngôi làng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Ông Nelson Mendonca, người đứng đầu một cộng đồng ở Santa Helena do Ingles, phía Tây của Manaus, tâm sự rằng việc cạn kiệt nước sông đã gây ra nhiều khó khăn trong việc vận chuyển hàng hóa. Ông cũng bày tỏ lo ngại về chất lượng nước sinh hoạt của cộng đồng sau thời gian dài hạn hán, đặc biệt là tình trạng sức khỏe của trẻ em.