Mức nước hồ dâng cao, tăng công suất phát điện cho các nhà máy thủy điện
Trong những ngày qua, dù mức tiêu thụ điện tăng cao, nhưng không xảy ra thiếu điện do mực nước tại các hồ chứa thủy điện ở Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Đông Nam Bộ, Tây Nguyên tăng nhẹ.
Thông tin từ Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) cho thấy, những ngày qua, công suất và sản lượng điện tiêu thụ vẫn ở mức cao và tăng mạnh do nắng nóng gay gắt ở miền Bắc và miền Trung.
Trong đó, công suất phụ tải đỉnh cả nước ngày 26/7 lên tới hơn 44.760MW, trong đó riêng miền Bắc là gần 22.600MW (mức bình thường chỉ dao động 16.000-17.000MW).
Mặc dù mức tiêu thụ điện tăng cao, nhưng không xảy ra thiếu điện do mực nước tại các hồ chứa thủy điện ở Bắc bộ, Bắc Trung bộ, Đông Nam bộ, Tây Nguyên tăng nhẹ.
Cụ thể, ngày 27/7/2023, lưu lượng về các hồ thủy điện khu vực Bắc Bộ nhiều, giảm nhẹ; Khu vực Bắc Trung Bộ thấp, giảm nhẹ; Khu vực duyên hải Nam Trung Bộ thấp, dao động nhẹ so với ngày hôm qua.
Các hồ chứa ở lưu vực sông, suối nhỏ khu vực miền núi phía Bắc, Tây Nguyên mực nước cao (Hà Giang, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng).
Trong đó, các hồ ở khu vực Tây Nguyên (Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng) đang ở mức cao. Hiện các hồ thủy điện lớn ở miền Bắc vận hành theo lệnh huy động phát điện của cơ quan điều hành.
Đối với khu vực Đông Nam bộ, Tây Nguyên, ưu tiên tích nước nâng cao mực nước hồ chứa. Cơ cấu huy động ngày 26/7, thủy điện chiếm tới 33%, nhiệt điện giảm còn 34,9%…
Trao đổi về vấn đề này, Giám đốc nhà máy thủy điện Hòa Bình Phạm Văn Vương cho biết, những ngày qua lượng nước thượng nguồn đổ về nhiều đã nâng cao mực nước hồ chứa, giúp nhà máy tăng công suất phát điện.
Riêng sáng 27/7, lượng nước đổ về đạt 2.986 m3/s, vượt mực nước chết hơn 20 m. Hiện thủy điện Hòa Bình không còn phải phát điện cầm chừng và có thể khai thác 100% công suất.
Nhà máy thủy điện Hòa Bình là bậc thang cuối sông Đà, với tổng công suất lắp đặt 1.920MW, bao gồm 8 tổ máy (mỗi tổ máy công suất 240MW), có vai trò quan trọng về năng lượng quốc gia.
Ngoài cung cấp điện thường xuyên, nhà máy còn phải thực hiện nhiệm vụ điều tần, điều áp hệ thống và đảm bảo chất lượng điện năng của hệ thống điện Việt Nam.
Tương tự, khu vực miền Trung, Tây Nguyên những tháng qua đã không phải hạn chế phát điện vì lượng nước không còn thiếu.
Ông Đỗ Trung Đông, Giám đốc Công ty phát triển thủy điện Sê San (Gia Lai) cho biết, nhà máy thủy điện Sê San có 3 tổ máy, mỗi tổ máy 120MW, tổng công suất 360 MW.
Hiện nhà máy đang phát 100% công suất để phục vụ cho nhu cầu sử dụng điện của người dân địa phương và đấu nối vào đường truyền tải quốc gia, góp phần giảm thiểu tình trạng thiếu điện ở miền Bắc trong thời gian qua.
Cũng theo số liệu công bố của Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN), trong tháng 7, lượng điện nhập của Việt Nam đã giảm, tính từ ngày 24/7, sản lượng điện nhập khẩu từ Trung Quốc và Lào đạt hơn 278 triệu kWh, trung bình Việt Nam nhập gần 13,2 triệu kWh điện/ ngày, xu hướng giảm dần so với tháng 6.
Trong tháng 7, ngày Việt Nam nhập khẩu điện nhiều nhất là 11/7 với 19,4 triệu kWh, ngày thấp nhất là ngày 4/7 chỉ 0,4 triệu kWh. Trong tháng 6, ngày Việt Nam nhập khẩu điện nhiều nhất là 21/6 với hơn 20 triệu kWh, trong đó các ngày từ 12-20/6, Việt Nam thường xuyên phải nhập khẩu từ 16 đến 19 triệu kWh điện từ nước ngoài.
Theo tính toán của EVN và Bộ Công Thương, sản lượng điện nhập khẩu về Việt Nam hiện chỉ chiếm khoảng 1% -1,5% tổng sản lượng điện tiêu thụ trong tháng. Bằng chứng là trong tháng 7, tổng sản lượng điện tiêu thụ cả nước đạt gần 17,6 tỷ kWh điện, lượng điện nhập khẩu hơn 278 triệu kWh, tương đương chỉ 1,5%, lượng điện tiêu thụ.
Trong 6 tháng đầu năm 20223, nhu cầu điện phục vụ hoạt động sản xuất và tiêu dùng của người dân tăng so với cùng kỳ năm 2022. Cụ thể, tổng điện năng sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống điện quốc gia tháng 6/2023 ước đạt 25,323 tỷ kWh, cao hơn 3,4% so với cùng kỳ năm 2022.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, tổng điện năng sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống điện quốc gia ước đạt 136,090 tỷ kWh (bao gồm sản lượng điện mặt trời mái nhà bán vào hệ thống), cao hơn 2,2% so với cùng kỳ năm 2022.