Mực nước nhiều sông ở Hải Dương sẽ đạt đỉnh vào chiều và đêm 12/9

Đài Khí tượng thủy văn Hải Dương dự báo, mực nước các sông Thái Bình, sông Kinh Thầy nhiều khả năng đạt đỉnh vào chiều hôm nay (12/9) và có khả năng lên cao tiếp vào đêm cùng ngày.

Theo số liệu từ Đài Khí tượng thủy văn Hải Dương, mực nước vào lúc 9 giờ ngày 12/9 trên sông Thái Bình tại Phả Lại là 6,19m, trên báo động 3 (BĐ3): 0,19m; tại Cát Khê 5,56m, trên BĐ3: 0,56m; tăng 1-2cm so với mực nước các điểm trên đo lúc 7 giờ sáng cùng ngày.

Trong khi đó, mực nước vào lúc 9 giờ ngày 12/9 trên sông Kinh Thầy tại Bến Bình là 4,78m, trên BĐ3: 0,28m; sông Gùa tại Bá Nha là 2,91m, trên BĐ3: 0,21m; trên sông Kinh Môn tại An Phụ là 3,37m, trên BĐ3: 0,47m; sông Rạng tại Quảng Đạt là 3,10m, trên BĐ3: 0,20m; tăng 1-10cm so với mực nước các điểm trên đo lúc 7 giờ cùng ngày.

Một số tuyến phố tại TP Hải Dương ngập do nước sông dâng cao. Ảnh: Vĩnh Quân

Một số tuyến phố tại TP Hải Dương ngập do nước sông dâng cao. Ảnh: Vĩnh Quân

Mực nước trên sông Luộc tại La Tiến lúc 9 giờ ngày 12/9/2024 là 4,70m (ở mức BĐ2) so với thời điểm đo vào lúc 7 giờ sáng đã xuống 10cm.

Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn Hải Dương, mực nước trên sông Thái Bình (tại Phả Lại, Cát Khê), sông Kinh Thầy (tại Bến Bình) ít biến đổi và có khả năng đạt đỉnh vào chiều hôm nay (12/9) sau xuống chậm.

Mực nước trên các sông Kinh Môn (tại An Phụ), sông Gùa (tại Bá Nha), sông Rạng (tại Quảng Đạt), sông Luộc (tại La Tiến) tiếp tục lên sau xuống theo ảnh hưởng của thủy triều, mưa lũ thượng nguồn.

Trước đó, chiều 11/9, UBND tỉnh Hải Dương đã tổ chức cuộc họp về công tác ứng phó với mưa lũ sau bão số 3 trên địa bàn.

Sau khi nghe các địa phương báo cáo về tình hình ứng phó với mưa lũ trên địa bàn, lãnh đạo UBND tỉnh yêu cầu huyện Thanh Hà và TP Chí Linh chủ động, sẵn sàng ở mức cao nhất để ứng phó với mọi tình huống thiên tai. Trong đó, phải quyết liệt, chủ động ứng phó trong tình huống xấu nhất có thể xảy ra.

Lãnh đạo UBND tỉnh Hải Dương cũng yêu cầu 2 địa phương trên khẩn trương rà soát, khoanh vùng, xác định khu vực bị ảnh hưởng nếu xảy ra sự cố đê điều. Trên cơ sở đánh giá tình hình, các địa phương chủ động phương án di dân, quan tâm tới những trường hợp yếu thế. Trong đó, cần lưu ý trong công tác phòng chống mưa lũ phải ưu tiên bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe của người dân. Các địa phương sẵn sàng lên phương án thành lập Ban chỉ đạo để thực hiện công tác hậu cần hiệu quả, kịp thời trong trường hợp phải di dời dân.

Vĩnh Quân

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/muc-nuoc-nhieu-song-o-hai-duong-se-dat-dinh-vao-chieu-va-dem-12-9.html