Mức phụ cấp của công chức, viên chức bị bãi bỏ khi cải cách chính sách tiền lương từ ngày 1/7/2024

Từ ngày 1/7/2024 sẽ triển khai thực hiện cải cách chính sách tiền lương, theo đó mức phụ cấp độc hại nguy hiểm sẽ chính thức bị bãi bỏ.

Theo đó, căn cứ điểm d khoản 3.1, mục II Nghị quyết 27/NQ-TW năm 2018 về nội dung cải cách đối với các khoản phụ cấp của cán bộ công chức viên chức, lực lượng vũ trang. Trong đó, có đề cập đến sắp xếp lại các chế độ phụ cấp hiện hành, bảo đảm tổng quỹ phụ cấp chiếm tối đa 30% tổng quỹ lương. Cụ thể, bãi bỏ phụ cấp thâm niên nghề (trừ quân đội, công an, cơ yếu để bảo đảm tương quan tiền lương với cán bộ, công chức); phụ cấp chức vụ lãnh đạo (do các chức danh lãnh đạo trong hệ thống chính trị thực hiện xếp lương chức vụ); phụ cấp công tác đảng, đoàn thể chính trị - xã hội; phụ cấp công vụ (do đã đưa vào trong mức lương cơ bản); phụ cấp độc hại, nguy hiểm (do đã đưa điều kiện lao động có yếu tố độc hại, nguy hiểm vào phụ cấp theo nghề).

Như vậy, theo nội dung trên, sau khi triển khai cải cách chính sách tiền lương từ ngày 1/7/2024, phụ cấp độc hại, nguy hiểm là một trong những phụ cấp bị bãi bỏ.

Sau khi chính sách cải cách tiền lương có hiệu lực, phụ cấp độc hại, nguy hiểm sẽ bị bãi bỏ. (Ảnh minh họa)

Sau khi chính sách cải cách tiền lương có hiệu lực, phụ cấp độc hại, nguy hiểm sẽ bị bãi bỏ. (Ảnh minh họa)

Đối tượng được áp dụng sẽ là công chức, viên chức của những nghề, công việc có yếu tố điều kiện lao động cao hơn bình thường và có chính sách ưu đãi phù hợp của Nhà nước như giáo dục và đạo tạo, y tế, tòa án kiểm sát, thi hành án dân sự, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, hải quan, kiểm lâm, quản lý thị trường,...

Sau thực hiện cải cách tiền lương 2024, các mức phụ cấp độc hại, nguy hiểm từ 0,1 đến 0,4 sẽ bị bãi bỏ. Thay vào đó, phụ cấp độc hại, nguy hiểm sẽ được cơ cấu lại chung với phụ cấp ưu đãi theo nghề, phụ cấp trách nhiệm theo nghề. Tên gọi phụ cấp độc hại, nguy hiểm sẽ thay đổi thành phụ cấp theo nghề.

Trước đó, căn cứ khoản 7 Điều 6 Nghị định 204/2004/NĐ-CP, phụ cấp độc hại, nguy hiểm được áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức làm những nghề hoặc công việc có điều kiện lao động độc hại, nguy hiểm và đặc biệt độc hại, nguy hiểm chưa được xác định trong mức lương.

Phụ cấp độc hại, nguy hiểm được quy định bao gồm 4 mức: 0,1; 0,2; 0,3 và 0,4 so với mức lương tối thiểu chung. Theo mức lương tối thiểu chung 290.000 đồng/tháng, các mức tiền phụ cấp độc hại nguy hiểm thực hiện từ ngày 1/10/2004. Phụ cấp độc hại, nguy hiểm được tính theo thời gian thực tế làm việc tại nơi có các yếu tố độc hại, nguy hiểm. Nếu làm việc dưới 4 giờ trong ngày thì được tính bằng 1/2 ngày làm việc, làm việc từ 4 giờ trở lên, sẽ tính cả ngày làm việc. Phụ cấp độc hại, nguy hiểm được trả cùng kỳ lương hàng tháng và không để dùng tính đóng, hưởng chế độ bảo hiểm xã hội.

Ngọc Anh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/muc-phu-cap-cua-cong-chuc-vien-chuc-bi-bai-bo-khi-cai-cach-chinh-sach-tien-luong-tu-ngay-172024-290944.html