Gia đình bà Nguyễn Thị Dần (97 tuổi) sống tại 33 Tô Ngọc Vân, Quảng An (quận Tây Hồ, Hà Nội) có 4 đời làm trà sen truyền thống.
Bà Dần cũng chính là nghệ nhân làm trà sen lớn tuổi nhất Hà Nội. Hiện nay, do tuổi cao sức yếu, bà Dần truyền lại nghề làm trà sen cho con cháu.
Hiện nay, người tiếp quản cơ nghiệp này là cô Ngô Thị Thân (con gái bà Dần).
Trà sen Tây Hồ được chia làm 2 loại: trà sen truyền thống và trà sen ướp xổi.
Với trà sen ướp xổi, cách ướp rất đơn giản, trà được bỏ vào trong bông sen, sau đó dùng lá sen bọc chặt bên ngoài. Bông sen sau khi bọc chè sẽ được ngâm một đêm để hương sen thấm đều vào chè. Loại trà sen này thường được bán lẻ với giá khoảng 35.000 đồng/bông (pha được 2 ấm trà).
Về trà sen truyền thống, để làm ra được 1kg trà sen, nghệ nhân cần từ 1000 – 1200 bông sen. Theo đó, sen ướp trà phải là những bông sen mọc trong đầm làng Quảng Bá, sen phải được hái trước lúc mặt trời mọc sau đó mang về tách lấy gạo rồi mới đem ướp.
Trong quá trình làm ra trà sen, việc lấy gạo sen là công đoạn khó nhất, người nghệ nhân phải khéo tay, nhanh mắt để gạo không bị nát, giữ nguyên mùi thơm đặc trưng của sen.
Làm trà sen ngoài kỹ thuật còn đòi hỏi sự tỉ mỉ, tinh tế trong từng công đoạn. Ví như, việc lấy gạo sen, nếu người làm chỉ cần sơ suất một chút là hạt gạo sẽ nát, bay mất hương thơm, khi ướp trà sẽ không đảm bảo chất lượng.
Gạo sen được ví như túi hương của hoa, được nghệ nhân tách riêng dùng để ướp trà.
Ướp trà sen phải thao tác đủ 7 lần ướp, cứ một lượt gạo lại 1 lượt chè, ướp xong mang đi sấy khô, mỗi lần sấy xong lại sàng lọc và thêm vào một lượt gạo mới, cứ như vậy đến khi nào đỏ chè, chè có mùi thơm hòa quyện với sen.
Chè được chọn phải là chè Tân Cương (Thái Nguyên) cánh nhỏ, thẩm hương vừa độ. Trà sen đạt chất lượng là nước trà trong xanh, khi uống có vị chát sau đó ngọt đượm hương sen trong miệng.
Điểm đặc biệt của trà sen là tất cả các công đoạn đều được làm thủ công với toàn bộ nguyên vật liệu là thiên nhiên, không hóa chất.
Trà sen Tây Hồ truyền thống được bán với giá rất cao khoảng 700.000 đồng/lạng. Thường phục vụ cho đối tượng khách sành về các loại trà hoặc làm quà biếu, bán cho khách nước ngoài…
Ở Hà Nội, số nghệ nhân gắn bó với nghề này chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Chính vì thế, dù có giá đắt đỏ bậc nhất thị trường nhưng không phải ai có tiền cũng có “duyên” thưởng thức loại trà hảo hạng được ví như “đệ nhất trà" này.
Duy Khánh