Mức sống tối thiểu sẽ quyết định mức lương tối thiểu cho người lao động

Hôm nay 20/6, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo tham vấn và chia sẻ các khuyến nghị đối với Dự thảo Bộ Luật lao động sửa đổi. Có rất nhiều vấn đề liên quan đến người lao động được đề cập trong hội thảo, tuy nhiên vấn đề tiền lương vẫn thu hút quan tâm của đông đảo đại biểu tham gia.

Hội thảo tham vấn và chia sẻ các khuyến nghị đối với dự thảo bộ luật lao động sửa đổi. Ảnh: Lương Minh

Ngay từ đầu chương trình Hội thảo, vấn đề tiền lương đã được rất nhiều đại biểu quan tâm và đặt câu hỏi. Có một số bất cập đặt ra là quy định về lương tối thiểu là nhằm mục đích bảo vệ người lao động. Theo như Nghị quyết số 27 - NQ/TW của Ban chấp hành trung ương khóa XII đã nêu rõ: "Nhà nước quy định tiền lương tối thiểu là mức sàn thấp nhất để bảo vệ người lao động (NLĐ) yếu thế, đồng thời là một trong những căn cứ để thỏa thuận tiền lương và điều tiết thị trường lao động". Nghị quyết cũng nêu rõ mức lương tối thiểu phải đảm bảo mức sống tối thiểu của bản thân và gia đình họ.

Từ vấn đề tiền lương rất nhiều đại biểu tham dự hội thảo đến từ nhiều đơn vị khác nhau băn khoăn về mức sống tối thiểu. Định nghĩa như thế nào về mức sống tối thiểu để làm căn cứ xác lập mức lương tối thiểu cho người lao động đảm bảo được cuộc sống của họ.

Đại biểu phát biểu trong hội thảo. Ảnh: Lương Minh

Trên thực tế, với phương thức tính tiền lương tối thiểu hiện nay mới chỉ đáp ứng được 50 - 60% nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ. Tiền lương tối thiểu không đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu, người lao động buộc phải làm thêm giờ để trang trải các nhu cầu sống cơ bản của mình.

Do đó, mức lương tối thiểu đóng vai trò rất quan trọng trong việc ổn định cuộc sống của người lao động cũng như năng suất lao động tại các doanh nghiệp. Ngoài ra, tiền lương còn có thể được sử dụng cho các doanh nghiệp trong việc đàm phán giá đơn hàng. Hầu hết các doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp có thâm dụng lao động lớn như may mặc, da giầy, điện tử, chỉ trả lương cho người lao động bằng hoặc tăng không đáng kể so với mức lương tối thiểu.

Và khi mức lương tối thiểu không đảm bảo cuộc sống là nguyên nhân chính dẫn đến các cuộc đình công. Thực tế đã chứng minh, ngành dệt may và da giầy là hai ngành có mức lương thấp nhất và cũng chính là hai ngành có tỷ lệ đình công cao nhất. Trong năm 2018, ngành dệt may có 84 cuộc đình công (chiếm 39, 25%), ngành da giầy có 44 cuộc đình công (chiếm 20,56%) tổng số cuộc đình công trên cả nước.

Theo đó, nhiều đại biểu cho rằng, trong quy định luật lao động cần định nghĩa rõ về mức sống tối thiểu của NLĐ để có căn cứ xác lập mức lương tối thiểu áp dụng trong các doanh nghiệp Việt Nam.

Các đại biểu đã dẫn chứng theo Công ước số 105 của ILO về xóa bỏ lao động cưỡng bức đã quy định rõ ràng: "Bất kì hình thức cưỡng bức hoặc ép buộc lao động nào, như là một biện pháp huy động và sử dụng nhân công vì mục đích phát triển kinh tế, cùng với các biện pháp khác, cần phải được ngăn chặn và bãi bỏ".

Tuy nhiên, với bối cảnh thực tế tại Việt Nam hiện nay, vì mức lương tối thiểu không đủ đáp ứng nhu cầu sống của NLĐ dẫn đến chủ sử dụng lao động sử dụng làm thêm giờ như một công cụ để ép buộc NLĐ làm thêm giờ. Việc này đã góp phần dẫn đến các doanh nghiệp Việt Nam vi phạm Công ước 105 và các cam kết của Việt Nam trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP và EVFTA.

Do vậy, nguyên tắc để xác định mức lương tối thiểu phải dựa trên nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ được đưa vào định nghĩa và là nguyên tắc xuyên suốt, đảm bảo tuân thủ các nguyên tắc chung và Công ước quốc tế.

Trong khi đó, xu hướng của thế giới hiện nay đang đẩy mạnh việc tăng lương giảm giờ làm thì các định nghĩa, quy định trong Bộ Luật lao động Việt Nam cũng cần chuẩn hóa theo xu hướng tiến bộ đó. Nhìn ở góc độ tích cực đây cũng có thể coi là một thay đổi chiến lược thu hút đầu tư, chuyển từ việc thu hút đầu tư bằng lao động giá rẻ sang các giá trị khác như chất lượng lao động, nền chính trị ổn định, cơ sở hạ tầng...

Lương Minh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/muc-song-toi-thieu-se-quyet-dinh-muc-luong-toi-thieu-cho-nguoi-lao-dong-post63927.html