Mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp năm 2020 liệu có đạt được?

Việt Nam nếu duy trì tốc độ tăng trưởng như 3 năm qua thì rất khó đạt được mục tiêu mà Chính phủ đề ra là 1 triệu doanh nghiệp trong năm 2020.

Sáng nay (17/12) tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức Hội thảo công bố Báo cáo Thực hiện Nghị quyết 02 của năm 2019 và Nghị quyết 35 năm 2016 – Góc nhìn từ doanh nghiệp. Hoạt động được thực hiện trong khuôn khổ Dự án Tăng cường tiếng nói của doanh nghiệp trong việc giám sát và thực hiện tái cơ cấu kinh tế thuộc Chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam.

Theo Nghị quyết 35 của Chính phủ, vào năm 2016 đặt mục tiêu cả nước có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp hoạt động vào năm 2020. Nhưng theo tính toán, nếu có thể duy trì được tốc độ tăng trưởng số doanh nghiệp trong giai đoạn 2015-2018 là 17,3% thì đến ngày 31/12/2020, cả nước sẽ có 984.000 doanh nghiệp, đạt 98,4% so với mục tiêu đề ra.

Việt Nam nếu duy trì tốc độ tăng trưởng như 3 năm qua thì rất khó đạt được mục tiêu mà Chính phủ đề ra là 1 triệu doanh nghiệp trong năm 2020.

Việt Nam nếu duy trì tốc độ tăng trưởng như 3 năm qua thì rất khó đạt được mục tiêu mà Chính phủ đề ra là 1 triệu doanh nghiệp trong năm 2020.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, nếu duy trì tốc độ tăng trưởng như 3 năm qua thì rất khó đạt được mục tiêu mà Chính phủ đề ra.

“Nếu duy trì tốc độ như trước đây, rõ ràng mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp có thể không đạt được. Do vậy, năm 2020 là thời điểm tăng tốc về chuyển động của Chính phủ và địa phương. Đây là mục tiêu mà Việt Nam nên có chương trình mạnh mẽ hơn trong khoảng thời gian còn lại, cần có những biện pháp cải cách mạnh mẽ hơn rất nhiều, không chỉ về gia nhập thị trường mà còn cả các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp thì mới có thể đạt được mục tiêu đề ra” - ông Tuấn nói.

Trước đó theo báo cáo tại hội thảo, Nghị quyết 02 và 35 của Chính phủ là các Nghị quyết về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Cụ thể trong 13 báo cáo về sự thuận lợi trong kinh doanh (Doing Business) của Ngân hàng Thế giới từ năm 2020, Việt Nam có 33 cải cách được ghi nhận.

Tuy nhiên, báo cáo cũng cho thấy, đang có sự cải cách không đồng đều giữa các lĩnh vực, vẫn còn tình trạng một số cơ quan cải cách một cách đối phó, hình thức. Cụ thể là hiện tượng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục hành chính không có sự chuyển biến. Đặc biệt, tình trạng điều kiện doanh được đưa vào luật rất chung chung gây khó khăn cho việc đảm bảo tính minh bạch, hợp lý, khả thi của quy định. Các điều kiện đầu tư kinh doanh ở cấp luật vẫn chưa được đơn giản hóa nhiều như ở cấp Nghị định./.

Nguyễn Hằng/VOV1

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/muc-tieu-1-trieu-doanh-nghiep-nam-2020-lieu-co-dat-duoc-990855.vov