Mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp số vào năm 2025 nhiều thách thức
Thị trường thương mại điện tử và kinh tế số Việt Nam được dự báo tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới. Tuy vậy, theo giới chuyên gia, dự án 1 triệu doanh nghiệp số thành công vào năm 2025 có rất nhiều thách thức.
Thương mại điện tử tăng trưởng mạnh mẽ
Theo báo cáo của Google, Temasek và Bain & Company công bố ngày 1/11, Việt Nam là nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế số nhanh nhất khu vực Đông Nam Á trong hai năm liên tiếp (2022 và 2023). Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục giữ vị trí này trong năm 2025.
Số liệu khảo sát thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam vẫn giữ tốc độ tăng trưởng 20% năm 2022.
Tại Diễn đàn TMĐT và Kinh tế số ngành Công Thương 2023 ngày 21/11 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, trong suốt những năm qua, TMĐT Việt Nam luôn giữ được tốc độ tăng trưởng từ 16-30%, dự kiến đạt 20,5 tỷ USD trong năm nay.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân.
Năm 2023 và các năm tiếp theo, với đà tăng trưởng mạnh mẽ như trên, thị trường TMĐT và kinh tế số Việt Nam sẽ còn phát triển mạnh mẽ hơn nữa và tạo bước đà cho kinh tế phát triển.
“Đây cũng chính là thời điểm để nước ta xây dựng nên những mô hình và chiến lược mới. Từ đó giúp khôi phục lại doanh nghiệp (DN) và mở rộng thị trường sau khi tình trạng khó khăn qua đi”, ông Nguyễn Sinh Nhật Tân nhìn nhận.
Trăn trở mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp số
Được biết, ngày 12/11 vừa qua, Chi hội Tiếp thị và Công nghệ số thuộc Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) cùng The Wise - Hội đồng chuyên gia cấp cao trong lĩnh vực chuyển đổi số đã ra mắt dự án xã hội 1 triệu DN số vào năm 2025.
Đánh giá về dự án này, ông Nguyễn Thế Quang - Phó Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết, đây là mục tiêu đầy thách thức.
“Chuyển đổi là công việc tất yếu của tiến trình phát triển. Nhưng liệu mục tiêu 1 triệu DN chuyển đổi số có đạt được hay không? Cơ quan quản lý có chính sách gì, hay các DN tiên phong có giải pháp nào hỗ trợ các DN đang trong lộ trình chuyển đổi số có thể triển khai thành công hay không?”, ông Quang trăn trở.
Ông Phạm Hoành Sơn - Giám đốc tăng trưởng AccessTrade - đơn vị sáng lập dự án 1 triệu DN chuyển đổi số thành công chia sẻ, khó khăn nhất của DN nhỏ và vừa khi chuyển đổi số là không biết bắt đầu từ đâu, không biết hợp tác với ai để triển khai hoạt động này.
Các diễn giả tham gia diễn đàn.
Nhận diện được khó khăn này, AccessTrade sẽ tập hợp số lượng lớn chuyên gia để tư vấn, “bắt bệnh” cho DN, từ đó hỗ trợ DN CĐS.
Theo ông Sơn, thời gian qua, khi làm việc với các địa phương, có những địa phương rất nhiều DN biết đến tham gia chương trình đào tạo, tập huấn. Song có địa phương chỉ vài chục DN tham gia. Khi đó, một chuyến đi của tổ dự án sẽ không thể giúp được nhiều người.
Do vậy, ông Sơn mong muốn Bộ Công Thương là cầu nối giúp các DN nhỏ và vừa kết nối được với các DN công nghệ, các nền tảng công nghệ.
Đồng thời đề xuất Bộ Công Thương tổ chức các chương trình hướng tới DN nhỏ và vừa nhiều hơn nữa. Chẳng hạn với chương trình Tuần lễ TMĐT quốc gia thay vì tổ chức mỗi năm một lần thì nên tổ chức hàng tháng hoặc hàng quý để các DN nhỏ và vừa biết được rằng bán hàng online không khó, tạo ra hiệu ứng lan tỏa nhiều hơn.
Kinh nghiệm hỗ trợ doanh nghiệp
Chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp hỗ trợ DN, bà Đặng Thùy Trang - Giám đốc đối ngoại Grab Việt Nam cho biết, một trong những mục tiêu của Grab là thúc đẩy chuyển đổi số cho các bên trong hệ sinh thái của đơn bị, bao gồm các hộ kinh doanh cá thể, hộ kinh doanh nhỏ lẻ, DN nhỏ, siêu nhỏ, và các hợp tác xã.
Theo đó, đơn vị này có ứng dụng dành cho đối tác thương nhân với công cụ số hỗ trợ khá tích cực hàng ngày, hàng giờ để các đối tác có thể nhìn thấy doanh số được hiển thị một cách trực quan và rõ ràng nhất. Qua đó giúp đối tác có sự điều chỉnh phù hợp.
Một biện pháp khác khá hiệu quả mà Grab triển khai nhiều năm qua thông qua việc hợp tác với các tổ chức tài chính, ngân hàng để tăng cơ hội tiếp cận tài chính số cho các đối tác thương nhân, đơn vị kinh doanh nhỏ lẻ.
“10 năm qua, Grab đã đi tiên phong trong việc hỗ trợ các hộ kinh doanh nhỏ lẻ, hợp tác xã vận tải, thậm các bác xe ôm truyền thống biết sử dụng điện thoại thông minh để gia tăng thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống, tiếp cận các dịch vụ ngân hàng, dịch vụ tài chính số”, bà Trang cho hay.
Ngoài ra, đơn vị này cũng đã làm việc với rất nhiều ngân hàng để cung cấp lịch sử sử dụng ứng dụng cho các thương nhân trên app. Qua đó có thể hỗ trợ đối tác thương nhân tiếp cận các gói tín dụng của ngân hàng dành cho DN nhỏ và vừa.
“Các công cụ này đặc biệt hữu ích với các DN nhỏ và vừa có độ hiện diện thấp và hạn chế về ngân sách. Chúng tôi cũng giúp các DN này xây dựng bộ dữ liệu về người dùng để tối ưu hóa chi phí hoạt động, chi phí về cửa hàng online hoặc chi phí vận chuyển nhờ những mạng lưới đối tác rộng khắp của Grab”, Giám đốc đối ngoại Grab Việt Nam cho biết thêm.