Mục tiêu an ninh lương thực của Trung Quốc gặp thách thức

Là quốc gia nhập khẩu nông sản lớn nhất thế giới, nhưng Trung Quốc đã đặt mục tiêu giảm đáng kể sự phụ thuộc vào hoạt động nhập khẩu nông sản từ nước ngoài trong thập kỷ tới nhằm thúc đẩy an ninh lương thực.

Với nguồn tài nguyên đất và nước hạn chế, Trung Quốc sẽ cần phải tăng mạnh năng suất nông nghiệp thông qua công nghệ, bao gồm cả cây trồng biến đổi gen và mở rộng diện tích canh tác để đáp ứng dự báo 10 năm của nước này.

Theo một tài liệu công bố vào cuối tháng 4, Chính phủ Trung Quốc đặt mục tiêu tự cung cấp 92% ngũ cốc và đậu thiết yếu vào năm 2033, tăng từ 84% so với giai đoạn từ năm 2021 - 2023, trên con đường hướng tới mục tiêu trở thành một “cường quốc nông nghiệp” vào giữa thế kỷ này.

Mặt khác, việc cắt giảm nhập khẩu của Trung Quốc sẽ là một đòn giáng mạnh vào các nhà sản xuất nông sản từ Mỹ đến Brazil và Indonesia - những nước đã mở rộng công suất để đáp ứng nhu cầu của người dân Trung Quốc, thị trường lớn nhất thế giới về đậu nành, thịt và ngũ cốc.

Đến năm 2033, Bộ Nông nghiệp Trung Quốc dự báo nhập khẩu ngô sẽ giảm 75% xuống còn 6,8 triệu tấn và nhập khẩu lúa mì giảm 60% xuống còn 4,85 triệu tấn.

Đối với đậu nành, mặt hàng nông sản lớn nhất trong chi phí nhập khẩu nông sản vào năm ngoái, Trung Quốc dự kiến nhập khẩu sẽ giảm 21% xuống còn 78,7 triệu tấn đến năm 2033.

Darin Friedrichs, đồng sáng lập của Sitonia Consulting cho biết: “Dự báo về sự đảo chiều mạnh mẽ trong 10 năm tới khi nước này sẽ nhập khẩu ít hơn hiện nay có vẻ hoài nghi”.

Một số nhà phân tích cho biết Trung Quốc sẽ gặp khó khăn để đạt được các mục tiêu của mình, chủ yếu là do thiếu đất và nước.

Trái ngược hoàn toàn với dự đoán của Trung Quốc, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo nhập khẩu ngô của Trung Quốc trong năm 2033 và 2034 sẽ gần bằng mức hiện tại và nhập khẩu lúa mì sẽ giảm 20%. Trong sự khác biệt lớn nhất, USDA dự kiến nhập khẩu đậu nành sẽ tăng 39%.

An ninh lương thực

An ninh lương thực từ lâu đã là vấn đề ưu tiên hàng đầu của Trung Quốc. Sự cấp thiết phải cắt giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu ngày càng tăng sau khi nước này phải đối mặt với sự gián đoạn chuỗi cung ứng trong đại dịch Covid-19 và xung đột Nga-Ukraine.

Cuộc chiến thương mại với Mỹ và những cú sốc về khí hậu như mưa lớn năm ngoái làm thiệt hại vụ thu hoạch lúa mì của Trung Quốc, đã làm gia tăng thêm thách thức về vấn đề an ninh lương thực.

Vào ngày 1/6, Trung Quốc sẽ thực thi luật an ninh lương thực, kêu gọi tự cung tự cấp tuyệt đối về ngũ cốc thiết yếu và yêu cầu chính quyền địa phương đưa an ninh lương thực vào các kế hoạch kinh tế và phát triển.

Điều đó sẽ bổ sung vào những nỗ lực khác nhằm thúc đẩy sản xuất lương thực, bao gồm cả việc tăng cường bảo hiểm ngũ cốc cho nông dân để bảo vệ thu nhập cho nông dân.

Tháng trước, Trung Quốc đã phát động nỗ lực tăng sản lượng ngũ cốc lên ít nhất 50 triệu tấn vào năm 2030, chú trọng nâng cấp đất nông nghiệp và đầu tư vào công nghệ hạt giống để có năng suất và chất lượng cây trồng cao hơn.

Thách thức về đất

Trung Quốc đã tăng sản lượng ngô, đậu nành, khoai tây và hạt có dầu vào năm ngoái sau khi mở rộng trồng trọt trên đất hoang hóa trước đây và khuyến khích nông dân chuyển từ cây trồng thương mại sang cây lương thực.

Tuy nhiên, ngay cả khi Trung Quốc đã thu hoạch kỷ lục 288,84 triệu tấn vào năm ngoái, nhập khẩu vẫn tăng lên gần mức kỷ lục 27,1 triệu tấn, do các công ty kinh doanh hàng hóa vẫn ưa chuộng ngô từ nước ngoài thường có chất lượng cao hơn và rẻ hơn.

Theo truyền thông đưa tin, tăng trưởng sản xuất đã gặp phải tình trạng tắc nghẽn do không đủ đất canh tác, quy mô sản xuất nhỏ và thiếu nông dân cũng như công nghệ nông nghiệp.

Dữ liệu của Ngân hàng Thế giới (WB) từ năm 2021 cho thấy, diện tích đất canh tác bình quân đầu người của Trung Quốc thấp hơn 1/3 mức ở Brazil và 1/6 mức ở Mỹ.

Bên cạnh đó, đất bị thoái hóa và ô nhiễm vì Trung Quốc có phần lớn đất đai là núi đá hoặc sa mạc khiến nước này có rất ít không gian để mở rộng.

Bắc Kinh đang ngày càng kêu gọi bảo vệ vùng đất đen màu mỡ và dự kiến hoàn thành cuộc khảo sát đất kéo dài 4 năm vào năm 2025. Cuộc khảo sát gần đây nhất vào năm 2014 cho thấy 40% đất canh tác đã bị thoái hóa do lạm dụng hóa chất và ô nhiễm kim loại nặng.

Bằng cách biến cát thành đất và nhân giống các loại cây trồng chịu mặn nhằm mục đích phát triển thêm đất nông nghiệp, đây là một chiến lược mà các nhà điều hành ngành cho biết sẽ mất thời gian và đầu tư lớn vào phân bón, thủy lợi và công nghệ sinh học.

Một trở ngại là các trang trại nhỏ của Trung Quốc chủ yếu được điều hành bởi những người cao tuổi nên có thể không đủ khả năng chi trả hoặc vận hành các máy móc hiện đại như máy phun thuốc không người lái, hạt giống và công nghệ năng suất cao hơn như dữ liệu lớn và AI.

Các trang trại ở Trung Quốc có diện tích trung bình là 0,65 ha, so với 187 ha ở Mỹ và 60 ha ở Đức. Do đó, Trung Quốc đang dần chuyển sang hợp nhất các trang trại bị chia cắt.

Sau nhiều thập kỷ do dự, Trung Quốc đang dần áp dụng các loại cây trồng biến đổi gen, phê duyệt việc trồng các giống ngô và đậu nành có năng suất cao hơn và kháng sâu bệnh, cũng như lúa mì biến đổi gen kháng bệnh với hy vọng thúc đẩy tăng trưởng sản xuất.

Năng suất đậu nành của Trung Quốc đạt 1,99 tấn/ha, thấp hơn so với năng suất 3,38 tấn và 3,4 tấn ở Brazil và Mỹ, những nước đã sử dụng đậu nành biến đổi gen.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng mục tiêu cắt giảm nhập khẩu đậu nành của Trung Quốc là không thực tế. Trong trường hợp tốt nhất, Carl Pray, giáo sư nông nghiệp tại Đại học Rutgers ở Mỹ cho biết, Trung Quốc có thể giảm bớt sự phụ thuộc vào nhập khẩu đậu nành từ hơn 80% hiện nay xuống 70%.

Hầu như tất cả đậu nành của Trung Quốc đều là loại có hàm lượng protein cao để sản xuất đậu phụ và để thay thế hàng nhập khẩu, và nước này cần phải nhanh chóng mở rộng sản xuất các loại có hàm lượng dầu cao dùng làm dầu ăn.

Hạc Hiên / Theo báo chí nước ngoài

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/muc-tieu-an-ninh-luong-thuc-cua-trung-quoc-gap-thach-thuc-post345814.html