Nga đang giải quyết một mục tiêu bí mật cực kỳ quan trọng thông qua những cuộc tấn công tên lửa nhằm vào cơ sở hạ tầng quan trọng của Ukraine. Ý kiến trên đã được chuyên gia quân sự, cựu phi công tiêm kích người Romania - ông Valentin Vasilescu đưa ra.
Chuyên gia Vasilescu lưu ý rằng vai trò quan trọng trong các sự kiện đang diễn ra ở Ukraine là do phương tiện trinh sát trên không của Mỹ, cụ thể là máy bay điều khiển chiến đấu và chỉ định mục tiêu E-8 Joint STARS.
Loại phi cơ này được trang bị radar cho phép theo dõi đồng thời 600 mục tiêu mặt đất, sẽ ghi lại chuyển động của thiết bị quân sự Nga và truyền dữ liệu cho Quân đội Ukraine về vị trí, tốc độ và hướng di chuyển của đối phương.
Mạng lưới trinh sát trên không của NATO bao gồm nhiều máy bay các loại, ngoài E-8 đã nêu còn có E-3 AWCS, EC-135, RQ-4B... liên tục tuần tra phần phía Bắc của Biển Đen và biên giới Romania với Ba Lan.
Chúng được kết hợp thành một mạng duy nhất, qua đó dữ liệu nhận được sẽ được gửi đến các trạm mặt đất đặt tại Ukraine. Chuyên gia người Romania tin rằng việc phá hủy thông tin liên lạc Ukraine và lực lượng trinh sát đường không NATO được Nga rất coi trọng.
Thậm chí có thể nhận xét đây chính là mục tiêu bí mật của các cuộc tấn công do Nga thực hiện nhằm vào cơ sở hạ tầng của Ukraine. Một thời gian trước, xuất hiện thông báo chứng tỏ rằng những hành động như vậy đã mang lại kết quả.
“Trong thông cáo báo chí ngày 18/10/2022, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga - Trung tướng Igor Konashenkov cho biết, họ đã phá hủy trạm liên lạc không gian của Trung tâm Truyền thông Chính phủ Ukraine, đặt tại khu vực Odessa”, ông Valentin cho biết.
Tiếp theo nhận định trên, một khoảnh khắc khác được biết đến. Hệ thống phòng không Ukraine chưa thể đối phó hiệu quả với các cuộc tấn công của UAV cảm tử Geran-2; chúng thực sự bị vô hiệu hóa và không thể bảo vệ mục tiêu mặt đất.
Điều này theo nhận xét là do các máy bay cảnh báo sớm của NATO không còn có thể cung cấp cho Ukraine những thông tin cần thiết theo thời gian thực, khiến Kyiv không thể đối phó với máy bay không người lái của Nga.
Quân đội Nga đã vô hiệu hóa cơ sở hạ tầng năng lượng quan trọng của Ukraine trong hai tuần qua. Do vậy mạng lưới các thiết bị đầu cuối dữ liệu mặt đất được sử dụng bởi lực lượng vũ trang Ukraine và trinh sát đường không có thể sớm trở nên không khả dụng.
Mục tiêu mà Nga theo đuổi là giành lợi thế bất ngờ về mặt chiến lược, Moskva muốn tước đi cơ hội nhận được dữ liệu trong thời gian thực của Ukraine từ phương tiện trinh sát NATO về các hoạt động của Quân đội Nga.
Nhà phân tích nói thêm: “Việc thực hiện nguyên tắc bất ngờ chiến lược trên thực tế sẽ đòi hỏi Quân đội Nga phải tiến hành chiến dịch táo bạo trong không gian cơ động rộng lớn".
Ông Valentin Vasilescu tuyên bố rằng, sau khi Quân đội Nga giành được lợi thế dưới dạng bất ngờ chiến lược, họ có thể chuyển sang giai đoạn tiếp theo - thiết lập quyền kiểm soát đối với các khu vực khác của Ukraine.
Nhà phân tích tin rằng về lý thuyết, nhiệm vụ kiểm soát Ukraine có thể đạt được thông qua hoàn thành hai mục tiêu. Đầu tiên, biên giới phía Tây của Ukraine cần được bảo đảm.
Lực lượng vũ trang Nga có thể đạt được điều này bằng cách điều động tương tự như những gì diễn ra trong những ngày đầu của chiến dịch đặc biệt. Mục tiêu khả thi bởi hiện nay 80 - 85% lực lượng của miền Tây Ukraine đã được triển khai tới mặt trận phía Nam và phía Đông.
Hoạt động này sẽ bao gồm việc khai thông sớm các đường dây liên lạc, để đảm bảo tốc độ tiến quân cao - 100 km/ngày và vượt qua các thành phố lớn có những đơn vị đồn trú trên lãnh thổ Ukraine.
Đồng thời với việc đảm bảo an ninh cho biên giới phía Tây, một cuộc tấn công theo hướng Poltava - Dnepr có thể bắt đầu. Điều này sẽ cho phép Nga cô lập Kyiv với phần còn lại của đất nước, và các nhóm quân Ukraine ở Kharkiv, Donbass, Zaporozhye và Krivoy Rog sẽ bị siết chặt.
"Trong một kịch bản phát triển các sự kiện như vậy, thành phố Odessa sẽ bị bao vây và Ukraine không còn lựa chọn nào khác ngoài đầu hàng", chuyên gia người Romania Valentin Vasilescu đưa ra nhận xét.
Việt Dũng