Mục tiêu của Ngoại trưởng Mỹ trong chuyến công du Trung Đông

Chuyến công du kéo dài 5 ngày tới Trung Đông của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nhằm thực hiện một nhiệm vụ rất quan trọng: Thúc đẩy tham vọng hòa bình giữa Israel với các nước Arab, qua đó 'đánh bóng' thành tựu trong chính sách đối ngoại của chính quyền Tổng thống Donald Trump trước thềm cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 tới.

Tại chuyến công du này, Ngoại trưởng Pompeo sẽ dừng chân tại Israel, Sudan, Bahrain, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và có thể là cả Oman và Qatar.

Dự kiến, tại Khartoum, Ngoại trưởng Pompeo sẽ gặp Thủ tướng Sudan Abdalla Hamdok, thảo luận việc duy trì sự ủng hộ của Mỹ đối với chính quyền chuyển tiếp dân sự, cũng như sự ủng hộ đối với việc làm sâu sắc hơn mối quan hệ Sudan-Israel. Giới phân tích cho rằng, Sudan đang rất mong muốn được Mỹ dỡ bỏ khỏi danh sách các nước bảo trợ khủng bố và việc bình thường hóa quan hệ với Israel sẽ là một bước đi hướng tới mục tiêu này. Tuy nhiên, để dỡ bỏ Sudan khỏi danh sách các nước bảo trợ khủng bố còn phụ thuộc vào việc hoàn tất thỏa thuận bồi thường cho các nạn nhân trong vụ đánh bom các Đại sứ quán Mỹ ở Kenya và Tanzania năm 1998. Cũng trong chuyến công du này, ông Pompeo dự kiến sẽ gặp Thái tử Bahrain Hamad Al-Khalifa trước khi gặp Ngoại trưởng UAE Abdullah bin Zayed Al-Nahyan bàn về thỏa thuận với Israel.

 Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo phát biểu nhân chuyến thăm Israel ngày 24-8.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo phát biểu nhân chuyến thăm Israel ngày 24-8.

Chuyến công du của Ngoại trưởng Mỹ diễn ra trong bối cảnh chính quyền Washington đang tìm cách tận dụng lực đẩy từ thỏa thuận bình thường hóa quan hệ mới đây giữa Israel và UAE, để thuyết phục các quốc gia Arab khác nối gót Abu Dhabi.

Với mục tiêu đầy tham vọng là “đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại” và chủ trương “Nước Mỹ trước tiên”, chính sách của Mỹ tại khu vực Trung Đông phát triển theo xu hướng tối đa hóa lợi ích của Washington và đặt lợi ích của nước này lên hàng đầu trong mọi tính toán chiến lược đối với khu vực. Bởi vậy, không lạ gì khi Mỹ mong muốn “nhân bản” thêm các Thỏa thuận Abraham (thỏa thuận về bình thường hóa quan hệ giữa Israel và UAE). Điều này chẳng những giúp Tổng thống Donald Trump "đánh bóng" thành tựu trong chính sách đối ngoại của mình trước thềm cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 tới, mà còn có thể khiến Mỹ biến mục tiêu xây dựng “trục đồng minh” tại Trung Đông thành hiện thực.

Chưa kể, việc các quốc gia Arab bắt tay với Israel cũng khiến Washington và Tel Aviv có lợi thế hơn trong việc kiềm chế ảnh hưởng của Iran tại khu vực Trung Đông, vốn đang phát triển nhanh thời gian gần đây.

Để mở rộng thêm nhiều phiên bản của Thỏa thuận Abraham, Mỹ đã sử dụng tối đa con bài lợi ích với các quốc gia Arab. Với UAE là hợp đồng bán vũ khí tối tân, trong đó có tiêm kích tàng hình F-35. Với Sudan có thể là việc dỡ bỏ nước này khỏi danh sách các quốc gia bảo trợ khủng bố.

Ngoại trưởng Mike Pompeo từng lưu ý rằng, chính sách đối ngoại của chính quyền Tổng thống Donald Trump dựa trên “chủ nghĩa hiện thực, tự kiểm soát và tôn trọng”. Theo đó, Tổng thống Donald Trump muốn “Mỹ trở thành một hình mẫu” và đây chính là mô hình ngoại giao mà chính quyền của ông xây dựng. Với việc trở thành trung gian hòa giải giữa các quốc gia Arab và Israel, Mỹ có thể chứng minh quốc gia này hoàn toàn có khả năng đi đầu trong việc thiết lập lại một trật tự an ninh mới tại khu vực “chảo lửa”, phục vụ cho các lợi ích trước nhất của Washington.

HÀ LAN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/muc-tieu-cua-ngoai-truong-my-trong-chuyen-cong-du-trung-dong-632651