Mục tiêu, đến năm 2065 Thủ đô Hà Nội 'Văn hiến– Văn minh - Hiện đại'
Chính phủ vừa có Quyết định số 1668/QĐ-TTg ngày 27/12/2024 về việc Phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến 2065.
Tầm nhìn 2065 Thủ đô “Văn hiến – Văn minh - Hiện đại”
Theo Quyết định, phạm vi, quy mô và thời hạn quy hoạch là toàn bộ địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội với 30 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 12 quận, 17 huyện và 1 thị xã.
Về tầm nhìn và mục tiêu, đến năm 2065: Thủ đô Hà Nội “Văn hiến – Văn minh - Hiện đại” là trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển Vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; là thành phố kết nối toàn cầu, có mức sống và chất lượng cuộc sống cao; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc và hài hòa; tiêu biểu cho cả nước; có trình độ phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới.
Mục tiêu đến năm 2030 là đô thị hiện đại, trung tâm hỗ trợ thúc đẩy liên kết vùng, trung tâm dịch vụ tổng hợp của cả nước, điểm đến kinh tế, văn hóa hấp dẫn của quốc tế.
Mục tiêu đến năm 2045 là Thủ đô văn hóa, đô thị thông minh, sinh thái, trung tâm tài chính, dịch vụ, khoa học công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực, trung tâm tổ chức các sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học công nghệ của châu Á và quốc tế. TP xanh và sinh thái với sông Hồng là biểu tượng phát triển.
Về tính chất đô thị, Thủ đô nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Hà Nội, là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, nơi đặt trụ sở của các cơ quan T.Ư của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan đại diện ngoại giao, tổ chức quốc tế.
Thành phố “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”; là nơi tập trung, bảo tồn và phát huy các giá trị tinh hoa văn hóa vật thể và phi vật thể; là Thủ đô có quy mô tầm cỡ thế giới với hội nhập các giá trị bản sắc văn hóa, lịch sử truyền thống đặc trưng.
Trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ và hội nhập quốc tế; đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, an ninh, an toàn, hạnh phúc; phát triển nhanh, bền vững, có sức lan tỏa để thúc đẩy vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước cùng phát triển. Có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển đô thị quốc gia; là một trong những trung tâm kinh tế - giao dịch - du lịch và thương mại của khu vực Đông Nam Á và châu Á - Thái Bình Dương.
Trung tâm liên kết vùng, có vai trò tiên phong dẫn dắt đổi mới, sáng tạo và tạo hiệu ứng lan tỏa của vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước. Có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng - an ninh khu vực vùng Thủ đô và cả nước.
Dự báo phát triển, về đân số, đến năm 2030 dự kiến là 12 triệu người (trong đó thường trú khoảng 10,5 triệu người); tỷ lệ đô thị hóa đạt 65% - 70%; đến năm 2045 là 14,6 triệu người (trong đó thường trú khoảng 13 triệu người); tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 75%.
Về sử dụng đất, đến năm 2030, đất xây dựng khoảng 148.000 - 150.000ha, trong đó đất xây dựng đô thị khoảng 89.000 - 90.000 ha (chiếm 26 - 27% diện tích toàn TP), đất xây dựng khu vực nông thôn khoảng 59.000 - 60.000ha.
Đến năm 2045, đất xây dựng khoảng 198.000 - 200.000ha, trong đó đất xây dựng đô thị khoảng 124.000 - 125.000ha (chiếm 37 - 38% diện tích toàn thành phố), đất xây dựng khu vực nông thôn khoảng 74.000 - 75.000ha.
5 vùng đô thị, 5 trục không gian
Theo Quyết định, mô hình cấu trúc phát triển, cấu trúc phát triển đô thị: vùng đô thị, đa cực, đa trung tâm, với 5 vùng đô thị gồm:
Vùng đô thị phía Nam sông Hồng gồm khu vực nội đô lịch sử; nội đô lịch sử mở rộng; khu vực mở rộng đô thị về phía Tây và Nam - Đan Phượng, Hoài Đức, Hà Đông, Thanh Trì và một phần thuộc Thanh Oai, Thường Tín.
Vùng đô thị phía Đông (Long Biên, Gia Lâm).
Vùng đô thị phía Bắc (Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn - dự kiến hình thành TP phía Bắc).
Vùng đô thị phía Tây (Sơn Tây, Ba Vì, Phúc Thọ, Quốc Oai, Thạch Thất, Chương Mỹ, trong đó có dự kiến hình thành thành phố phía Tây trong tương lai; nâng loại đô thị thành phố Sơn Tây).
Vùng đô thị phía Nam (Thanh Oai, Mỹ Đức, Ứng Hòa, Thường Tín, Phú Xuyên, có tính đến nghiên cứu thành phố phía Nam trong tương lai).
Hệ thống đô thị vệ tinh và sinh thái được phân cách bằng hành lang xanh, nêm xanh, liễn kết bằng hệ thống giao thông vành đai, hướng tâm.
Cấu trúc khung không gian theo các trục giao thông vành đai và hướng tâm: Kết nối đô thị trung tâm, các vùng đô thị và các đô thị vệ tinh thông qua các vành đai (Vành đai 1, Vành đai 2, Vành đai 2,5, Vành đai 3, Vành đai 3,5, Vành đai 4, Vành đai 5, cao tốc Tây Bắc...); các trục hướng tâm (quốc lộ 1A, quốc lộ 1B; quốc lộ 2; quốc lộ 3; quốc lộ 5; quốc lộ 6; quốc lộ 32; trục Hà Đông Xuân Mai; Đại lộ Thăng Long; trục đường Tây Thăng Long; trục đường Hồ Tây - Ba Vì; đường Lê Văn Lương - Tố Hữu - Nguyễn Thanh Bình; trục kinh tế phía Nam; trục Nhật Tân - Nội Bài (đường Võ Nguyên Giáp...).
Định hướng 5 trục không gian quan trọng, trục Sông Hồng: kết hợp với sông Đuống, phát triển là không gian xanh trung tâm của đô thị trung tâm, không gian văn hóa sáng tạo, trục phát triển kinh tế - xã hội và là không gian điểm nhấn biểu tượng của Thủ đô Hà Nội, phát triển đô thị, công viên sinh thái hai bên sông, trị thủy, khai thác giá trị cảnh quan, cảng sông, du lịch hai bên sông.
Trục Hồ Tây - Ba Vì: kết hợp đồng bộ không gian đại lộ Thăng Long, quốc lộ 6; xây dựng trục kết nối văn hóa Thăng Long - Xứ Đoài, kết nối trung tâm Thủ đô với TP phía Tây và kết nối các tỉnh lân cận phía Tây, Tây Bắc, vùng miền núi và trung du phía Bắc.
Trục Hồ Tây - Cổ Loa: là trục kết nối di sản đô thị lịch sử; kết hợp đồng bộ không gian kết nối Hồ Tây - cầu Tứ Liên - Cổ Loa. Bố trí các công trình văn hóa, triển lãm, công trình biểu tượng dọc trục, kết hợp với các làng truyền thống, cảnh quan mặt nước và khu di tích Thành Cổ Loa trở thành không gian lịch sử và văn hóa đặc sắc trong vùng đô thị phía Bắc.
Trục Nhật Tân - Nội Bài: là trục phát triển kinh tế, đô thị thông minh, hiện đại (kết hợp đồng bộ với không gian trục Bắc Thăng Long - Nội Bài), kết nối với các tỉnh phía Bắc, Tây Bắc và Đông Bắc, hành lang kinh tế Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, đường xuyên Á, gắn với Cảng hàng không cửa ngõ quốc tế Nội Bài và TP phía Bắc.
Trục Nam Hà Nội: phát triển mới trục không gian phía Nam gắn với trục văn hóa Mỹ Đình - Ba Sao - Bái Đính; kết nối di sản Thăng Long - Hoa Lư, gắn với vùng di tích Hương Sơn - Tam Chúc, Cảng hàng không thứ 2 vùng Thủ đô và đô thị Phú Xuyên, đồng bộ với trục quốc lộ 1A, 1B, đường Hồ Chí Minh, kết nối cao tốc Tây Bắc và các tỉnh phía Nam, tạo không gian và động lực phát triển mới.
Chương trình, dự án trọng tâm
Chương trình, dự án phát triển liên kết vùng: Xây dựng mạng lưới giao thông kết nối vùng gồm đường bộ, đường sắt tốc độ cao, đường sắt vùng, đường sông, sân bay; xây dựng các trung tâm động lực tại phía Bắc sông Hồng, Hòa Lạc... làm trung tâm hỗ trợ, thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ; phát triển hạ tầng đầu mối gồm các mạng lưới cấp điện, cấp nước, xử lý nước thải, xử lý chất thải rắn và cải thiện chất lượng môi trường; xây dựng cơ chế hợp tác, phối hợp liên vùng để xử lý các vấn đề phát sinh, đặc biệt vấn đề môi trường và nguồn lực thực hiện các dự án hạ tầng vùng; phát triển mạng lưới hạ tầng kết nối khu vực đô thị trung tâm và khu vực nông thôn phía Tây, phía Bắc, tạo thuận lợi cho phát triển khu vực nông thôn.
Bên cạnh đó còn có các chương trình, dự án xây dựng hệ thống các trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ và hội nhập quốc tế; Chương trình, dự án phát triển đô thị theo mô hình TOD gắn với mang lưới giao thông công cộng; Chương trình, dự án phát triển trục sông Hồng trở thành biểu tượng phát triển của Thủ đô; Xây dựng “Thành phố trong Thủ đô”: tại khu vực phía Tây (Hòa Lạc, Xuân Mai), phía Bắc (Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn) và dự kiến phía Nam (Phú Xuyên, Ứng Hòa); Cảng hàng không thứ 2 tại phía Nam: Dự trữ không gian, hạ tầng để phát triển cảng hàng không thứ 2 - Vùng Thủ đô Hà Nội tại phía Nam (khu vực huyện Ứng Hòa, Phú Xuyên)…