Mục tiêu không có điểm dừng

Nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân luôn là mục tiêu xuyên suốt và không có điểm dừng của Đảng và Nhà nước ta. 'Kim chỉ nam' đó được thực hiện nhất quán, rõ nét, đặc biệt là trong giai đoạn 2015-2020.

Theo đó, trong thành tựu tăng trưởng kinh tế 5 năm qua luôn có kết quả tăng chất lượng cuộc sống người dân. Trong đó, công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân luôn được chú trọng, tỷ lệ bác sĩ/số dân tăng dần qua từng năm, từ 8,2 bác sĩ/vạn dân năm 2016, đến năm 2020 đã tăng 9 bác sĩ/vạn dân. Tuổi thọ, chiều cao của người Việt Nam ngày càng tăng... Tương tự, trong lĩnh vực giáo dục, sử dụng nước sạch, vệ sinh môi trường... cũng có nhiều bước chuyển lớn.

Là Thủ đô, Hà Nội càng đề cao việc nâng cao chất lượng sống người dân. Hết năm 2020, gần 100% dân số khu vực nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh, 100% hộ dân ở khu vực đô thị được cấp nước sạch. Trong khi đó, hệ thống trường học, cơ sở y tế được đầu tư ngày càng khang trang, đồng bộ. Nhiều tiêu chí của thành phố được nâng cao hơn mức trung bình của cả nước, giúp mở rộng đối tượng được thụ hưởng chính sách an sinh xã hội như tiêu chí về hộ nghèo, tuổi thọ... Nối tiếp chính sách nhân văn, vì con người, hiện Hà Nội đang trong quá trình xây dựng Chương trình số 08 của Thành ủy về "Phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021-2025".

Dù còn nhiều khó khăn, song việc nâng cao chất lượng cuộc sống người dân trong thời gian tới vẫn luôn được Đảng, Nhà nước ta đặt ra với yêu cầu cao hơn. Như dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã nêu: “Phải luôn quán triệt sâu sắc, thực hiện nghiêm túc quan điểm "dân là gốc"; nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân; lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu...”.

Thực hiện được mục tiêu đó, tinh thần trên cần được thấm nhuần hơn nữa đến mỗi cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị, để ý thức hơn về trách nhiệm đặt lợi ích của nhân dân lên hàng đầu trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Tinh thần “hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân”, “vì hạnh phúc của nhân dân” phải ngấm vào hành động, nghĩ suy, để mỗi công bộc của dân phục vụ người dân tốt hơn. Ngược lại, mỗi người dân cũng cần thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ mà pháp luật đã quy định.

Hiện nay, các giải pháp, định hướng để nâng cao chất lượng cuộc sống người dân đã được đề cập ở hầu hết văn bản pháp luật, chương trình hành động của mỗi cấp, mỗi ngành. Song để phù hợp với yêu cầu, đòi hỏi, mục tiêu trong giai đoạn mới, các đơn vị cần rà soát, điều chỉnh, giải pháp nào phù hợp thì tiếp tục phát huy, cái gì là lực cản thì kiên quyết loại bỏ...

Song song đó, từng ngành, từng địa phương phải nhìn lại giai đoạn đã qua xem ngành mình, địa phương mình còn vấn đề gì làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người dân để khắc phục. Với cách làm đó, mọi lợi ích thiết thực của người dân sẽ được quan tâm, và đó chính là sự bảo đảm để nhân dân được thụ hưởng thành quả phát triển của đất nước.

Thực tế đã khẳng định, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân là nền tảng để xây dựng một xã hội phát triển bền vững. Phấn đấu vì mục tiêu không có điểm dừng này, chúng ta sẽ xây dựng được xã hội hạnh phúc, đất nước phồn vinh.

Thiện Mỹ

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/luan-ban-hanh-dong/989842/muc-tieu-khong-co-diem-dung