Mục tiêu kìm hãm mức tăng nhiệt toàn cầu dưới 2 độ C là bất khả thi

Các nhà khoa học cảnh báo rằng kìm hãm mức tăng nhiệt độ Trái Đất không quá 2 độ C là bất khả thi do khí hậu ngày càng nhạy cảm hơn với lượng khí thải nhà kính.

Người dân tắm biển tránh nóng. (Ảnh: THX/TTXVN)

Người dân tắm biển tránh nóng. (Ảnh: THX/TTXVN)

Một phân tích mới đây cho thấy việc đạt được mục tiêu tham vọng kìm hãm mức tăng nhiệt độ của Trái Đất không quá 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp là điều "bất khả thi," do khí hậu của hành tinh chúng ta đang ngày càng nhạy cảm hơn nhiều với lượng khí thải nhà kính gia tăng.

Trong báo cáo khoa học được công bố trên tạp chí Môi trường: Khoa học và chính sách vì sự phát triển bền vững, nhà khí hậu học nổi tiếng James Hansen, đồng thời là trưởng nhóm nghiên cứu, lưu ý một yếu tố chính làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng là sự suy giảm gần đây của ô nhiễm aerosol - các hạt vật chất lơ lửng trong không khí có khả năng phản xạ ánh sáng Mặt Trời trở lại không gian, giúp làm mát Trái Đất.

Sự suy giảm này chủ yếu là do các quy định mới trong ngành vận tải biển nhằm giảm thiểu ô nhiễm không khí.

Trong bối cảnh đó, ông Hansen, người được biết đến khi cảnh báo Quốc hội Mỹ về sự nóng lên toàn cầu vào năm 1988, cho rằng kịch bản khí hậu đầy tham vọng do Hội đồng Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC) của Liên hợp quốc đề xuất, trong đó đưa ra 50% khả năng khống chế mức tăng nhiệt toàn cầu không quá 2 độ C từ nay đến năm 2100 là điều không thể.

Thay vào đó là lượng khí nhà kính được thải vào bầu khí quyển do việc đốt nhiên liệu hóa thạch đang khiến tình trạng nóng lên toàn cầu ngày càng trở nên nghiêm trọng và không thể tránh khỏi.

Các nhà khoa học dự báo rằng mức tăng nhiệt toàn cầu sẽ duy trì ở mức bằng hoặc hơn 1,5 độ C trong những năm tới, điều này sẽ tàn phá các rạn san hô và dẫn đến những cơn bão dữ dội hơn. Đến năm 2045, nhiệt độ dự kiến sẽ tăng khoảng 2 độ C.

Theo dự đoán, băng ở hai cực tan chảy và dòng nước ngọt đổ vào Bắc Đại Tây Dương sẽ khiến hệ thống dòng hải lưu huyết mạch Atlantic Meridional Overturning Current (AMOC) có thể ngừng lưu thông trong vòng 20-30 năm tới.

AMOC là một hệ thống phức tạp bao gồm nhiều dòng hải lưu, hoạt động giống như một băng chuyền toàn cầu khổng lồ. Hệ thống này vận chuyển nước ấm từ vùng nhiệt đới về Bắc Đại Tây Dương, nơi nước được làm mát, trở nên mặn hơn và chìm sâu xuống dưới đại dương trước khi chảy về phía Nam.

AMOC dòng hải lưu này đóng một vai trò quan trọng trong hệ thống khí hậu, giúp điều hòa các hình thái thời tiết toàn cầu. Một khi hệ thống này sụp đổ sẽ gây tác động lớn, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng như mực nước biển dâng cao vài mét.

Nghiên cứu cũng nhấn mạnh đến việc thế giới không đạt được mục tiêu giữ mức tăng nhiệt của Trái Đất không quá 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp mà Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015 đã đặt ra.

Hệ thống giám sát khí hậu Copernicus của Liên minh châu Âu (EU) cho thấy trong 2 năm qua, mục tiêu này cũng đã không đạt được mặc dù Hiệp định Paris đề cập đến một xu hướng dài hạn trong nhiều thập kỷ.

Nếu nhiệt độ Trái Đất tăng 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, hậu quả sẽ còn thảm khốc hơn, trong đó có tổn thất không thể phục hồi đối với các tảng băng, sông băng, tuyết, và lớp băng vĩnh cửu của Trái Đất.

Mặc dù thừa nhận tình hình có vẻ u ám, song nhóm nghiên cứu lập luận rằng sự trung thực là một yếu tố cần thiết cho sự thay đổi thực sự. Họ tin rằng nếu thế giới dám đối mặt và hành động một cách quyết liệt để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, viễn cảnh ảm đạm trên có thể thay đổi./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/muc-tieu-kim-ham-muc-tang-nhiet-toan-cau-duoi-2-do-c-la-bat-kha-thi-post1010685.vnp