Mục tiêu, lý tưởng của Đảng như các yếu tố hợp thành Văn hóa Đảng
Từ khi ra đời và trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn kiên trì mục tiêu, lý tưởng hướng tới những giá trị văn hóa. Những mục tiêu, lý tưởng mang đậm tính văn hóa mà Đảng lãnh đạo nhân dân đấu tranh để đạt tới làm nên những nét văn hóa của Đảng.
Từ khi ra đời và trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn kiên trì mục tiêu, lý tưởng hướng tới những giá trị văn hóa. Những mục tiêu, lý tưởng mang đậm tính văn hóa mà Đảng lãnh đạo nhân dân đấu tranh để đạt tới làm nên những nét văn hóa của Đảng.
Giành lại độc lập dân tộc, giải phóng con người
Từ nửa cuối thế kỷ XIX, trong cơn lốc chạy đua mở rộng khu vực ảnh hưởng, tranh giành thị trường của các nước tư bản chủ nghĩa đang chuyển sang giai đoạn phát triển đế quốc chủ nghĩa, hầu hết các nước phương Đông (trừ Nhật Bản) từ những nước phong kiến độc lập lần lượt trở thành thuộc địa. Là một người dân mất nước, Nguyễn Tất Thành đã trải nghiệm những nỗi đau văn hóa mà chủ nghĩa thực dân Pháp đã gây ra cho dân tộc Việt Nam. Hành trình tìm con đường cứu nước của Người mang bầu nhiệt huyết đấu tranh chống lại những điều phản văn hóa đó.
Có thể dễ dàng gặp những điều này trong tác phẩm nổi tiếng Bản án chế độ thực dân Pháp của Nguyễn Ái Quốc từ năm 20 của thế kỷ trước. Người lên án mạnh mẽ sự áp bức, nô dịch, đầu độc nhân dân các dân tộc thuộc địa của các nước tư bản chủ nghĩa - bằng rượu cồn và thuốc phiện, bằng chính sách ngu dân tàn bạo, bằng những cuộc đàn áp dã man, “không có quyền hội họp”, “không có quyền tự do báo chí và ngôn luận”, “không có lấy một tờ báo tiếng mẹ đẻ”... Chủ nghĩa thực dân như một vết nhơ trong lịch sử và văn hóa nhân loại. Hồ Chí Minh đã mang hết tinh thần và sức lực đấu tranh/và cùng với Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo nhân dân Việt Nam đấu tranh để xóa đi vết nhơ đó.
Với tinh thần đem sức ta mà giải phóng cho ta, để biến mục tiêu, lý tưởng cách mạng thành hiện thực, Nguyễn Ái Quốc đã nỗ lực không ngừng xúc tiến công việc chuẩn bị về mọi mặt để thành lập một Đảng Cộng sản chân chính, trang bị cho Đảng lý luận cách mạng tiên tiến để Đảng có thể đảm nhận vị trí lãnh đạo nhân dân Việt Nam đấu tranh giải phóng dân tộc. Tất cả những chủ trương, đường lối, chiến lược, sách lược, mọi hành động của Đảng trong thời kỳ đấu tranh giành chính quyền đều nhằm thực hiện khát vọng cháy bỏng nhất của toàn thể nhân dân - độc lập dân tộc. Do có đường lối đúng đắn, Đảng đã huy động được lực lượng đông đảo của toàn dân tộc, kết hợp được sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại để đưa cách mạng tới thắng lợi.
Chương trình nghệ thuật "Khát vọng - Tỏa sáng" chào mừng thành công Đại hội XIII của Đảng. Ảnh: TTXVN
Đại diện cho lợi ích của dân tộc, của đông đảo quần chúng lao động
Nhờ xây dựng được một đảng cách mạng tiên phong biết vận dụng sáng tạo lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin phù hợp với thực tiễn cách mạng Việt Nam; một đảng cách mạng có tư tưởng, cương lĩnh, đường lối đúng đắn; có tổ chức chặt chẽ, đoàn kết thống nhất; gắn bó với nhân dân, trung thành với lợi ích của dân tộc, một lòng một dạ phụng sự Tổ quốc, phụng sự dân tộc, phụng sự nhân dân nên Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và lãnh đạo đã được nhân dân Việt Nam, dân tộc Việt Nam thừa nhận là đội tiên phong của mình, đại diện cho lợi ích, tiêu biểu cho lương tri, danh dự và trí tuệ của dân tộc.
Đảng không tồn tại, không tổ chức nên vì những mục đích của chính mình. Đảng ra đời trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội. Đảng lãnh đạo nhân dân đấu tranh vì những quyền lợi của nhân dân. Mục tiêu đó cũng là “chất gắn kết” để Đảng tập hợp, đoàn kết toàn dân tạo nên sức mạnh tổng hợp cho cách mạng Việt Nam - từ những ngày đấu tranh gian khổ đầu tiên và trong suốt những chặng đường cách mạng tiếp theo của dân tộc.
Đảng bao gồm những người ưu tú nhất, cách mạng nhất, cũng là những người gắn bó mật thiết với quần chúng, được quần chúng tin tưởng, ủng hộ, bảo vệ. Những điều này nêu bật tính nhân dân của Đảng, cũng như nhấn mạnh cội nguồn sức mạnh của Đảng. Đảng đại diện cho lợi ích của những người lao động, đấu tranh nhằm đạt mục tiêu mang lại lợi ích cho số đông quần chúng chứ không phải chỉ cho một nhóm nhỏ.
Khi đã giành được chính quyền, Đảng trở thành Đảng cầm quyền, lãnh đạo nhân dân xây dựng và bảo vệ đất nước. Mục đích lý tưởng của Đảng là giải phóng nhân dân khỏi áp bức bóc lột, xây dựng cuộc sống ấm no hạnh phúc cho nhân dân hoàn toàn không thay đổi nhưng có sự thay đổi về yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng cụ thể; thay đổi trong hệ thống chính trị do Đảng lãnh đạo; thay đổi về phương pháp lãnh đạo của Đảng...
Quyền lực lãnh đạo của Đảng dựa trên sự tín nhiệm của nhân dân. Quyền lực của Đảng được nhân dân trao cho mà có, là sự ủy thác của nhân dân. Đảng không xác định cho mình một khu vực lợi quyền riêng mà mọi hành động của Đảng đều tuân theo và nhằm thực hiện những ý nguyện của toàn dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài. Nó phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng”.
Trước lúc đi xa Người còn nhấn mạnh: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”. Đảng là một bộ phận của nhân dân, phân biệt ở tính cách mạng, tính tiên phong, tính tổ chức của mình. Đảng lãnh đạo nhân dân đấu tranh giành lấy những quyền lợi và là người bảo vệ kiên quyết nhất những lợi ích của nhân dân. Khi được nhân dân trao cho trách nhiệm, chức quyền, mọi cán bộ, đảng viên là người đại diện cho nhân dân, “như người lính vâng lệnh quốc dân ra mặt trận” (Chủ tịch Hồ Chí Minh).
Lãnh đạo toàn dân xây dựng đất nước phát triển, tiến bộ về mọi mặt
Sau khi giành lại được độc lập cho dân tộc, chính quyền cách mạng đã là của nhân dân, nhiệm vụ vinh quang nhưng cũng rất nặng nề và đầy thử thách của Đảng Cộng sản Việt Nam là: Phát triển kinh tế và văn hóa, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, thúc đẩy sự phát triển của xã hội, nhằm đến mục tiêu cụ thể là vì hạnh phúc của con người.
Đảng có rất nhiều nhiệm vụ phải hoàn thành: Phát triển sản xuất, đưa Việt Nam trở thành một nước có công nghiệp và nông nghiệp hiện đại, khoa học tiên tiến. Gắn phát triển kinh tế với sự phát triển xã hội, công bằng xã hội. Bảo đảm sự phát triển bình đẳng của mọi dân tộc. Phát triển kinh tế gắn với sự phát triển văn hóa, khoa học, giáo dục, tiếp thu những giá trị tinh hoa văn hóa nhân loại để trở thành một nước có trình độ phát triển văn hóa cao.
Cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, cũng là cuộc đấu tranh giành tự do cho nhân dân, xây dựng một xã hội tốt đẹp cho con người, vì con người. Con người là yếu tố cần có trước, là chủ thể của sự nghiệp xây dựng đất nước. Chăm lo, phát triển con người với vai trò chủ thể sáng tạo của nền dân chủ nhân dân, là động lực đồng thời là mục tiêu của những nhiệm vụ cách mạng.
Xây dựng một nền văn hóa mới là nội dung quan trọng trong sự nghiệp cách mạng ở Việt Nam do Đảng lãnh đạo. Yếu tố văn hóa có ý nghĩa to lớn thúc đẩy sản xuất vật chất và bản thân nó mang một sức mạnh to lớn. Văn hóa, giáo dục góp phần trực tiếp nâng cao dân trí làm giàu tri thức xã hội - đó là những nguồn vốn quý báu.
Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa
Chính quyền nhân dân do Đảng lãnh đạo xây dựng là một Nhà nước của dân, do dân và vì dân. Chúng ta đã xác định rõ là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Nhà nước đó đảm nhiệm vai trò thực hiện và bảo vệ những quyền lợi của nhân dân. Nội dung đó, tinh thần đó từ Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đến nay vẫn không hề thay đổi.
Khái niệm Nhà nước pháp quyền có thể nói đơn giản và cụ thể là Nhà nước phục tùng pháp luật, nhấn mạnh chủ thể tuân theo luật pháp trước hết là Nhà nước - các cơ quan thuộc bộ máy Nhà nước và mỗi viên chức Nhà nước. Đó là Nhà nước tuân theo pháp luật và quản lý bằng pháp luật, coi pháp luật có vị trí chi phối mỗi thành viên của xã hội; chống lại sự chuyên quyền độc đoán, tùy tiện trong các hoạt động của bộ máy Nhà nước... Nguyên tắc Quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân là nguyên tắc xuyên suốt trong việc tổ chức nhà nước pháp quyền, là bản chất dân chủ của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Khi xây dựng bộ máy nhà nước dân chủ, khi lập pháp và hành pháp, trong các hoạt động của hệ thống chính trị, vấn đề đem lại và bảo vệ lợi ích của nhân dân được Đảng đặt lên hàng đầu. Mục đích đó, lý tưởng đó, mang tính nhân văn sâu sắc.
*
* *
Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã xác định mục tiêu tổng quát lãnh đạo toàn dân phát triển đất nước trong giai đoạn tới: “Nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa” (Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII). Những mục tiêu này cũng đồng thời hàm chứa và thể hiện tính văn hóa của một tổ chức đóng vai trò dẫn dắt toàn dân xây dựng một xã hội tốt đẹp, mang bản chất tiến bộ, mang đậm tính nhân văn.