Mục tiêu 'phát triển nhảy vọt' của Hàn Quốc
Ủy ban chuyển tiếp của Chính phủ mới ở Hàn Quốc đã công bố 110 nhiệm vụ quan trọng trong điều hành quốc gia, theo đó hiện thực hóa sáu mục tiêu tổng quát trong chiến lược mới 'Một Đại Hàn Dân Quốc phát triển nhảy vọt, một đất nước thịnh vượng cho mọi người dân'. Chính phủ mới của Hàn Quốc đứng trước nhiệm vụ quan trọng là thúc đẩy phục hồi kinh tế trong bối cảnh bình thường mới, đồng thời củng cố vị thế quốc tế của 'xứ kim chi'.
Ủy ban chuyển tiếp của Chính phủ mới ở Hàn Quốc đã đề ra các mục tiêu điều hành quốc gia ở các lĩnh vực chính trị, hành chính công, kinh tế, xã hội, ngoại giao và an ninh, phát triển tương lai, phát triển vùng, địa phương theo 110 nhiệm vụ triển khai cụ thể.
Nhiệm vụ được ưu tiên hàng đầu là bù đắp thiệt hại do đại dịch Covid-19 gây ra cho các tiểu thương. Chính phủ Hàn Quốc hiện đang nỗ lực đẩy nhanh giải ngân gói ngân sách bổ sung lên tới 50 nghìn tỷ won (hơn 40,6 tỷ USD) để bồi thường doanh nghiệp nhỏ, giới tiểu thương và cá nhân bị ảnh hưởng nặng bởi các quy định về phòng, chống dịch.
Chính phủ cũng đang xem xét mở rộng dần việc miễn thị thực nhập cảnh cho các quốc gia nhằm kích thích du lịch và thúc đẩy kế hoạch khôi phục 50% các chuyến bay quốc tế trong năm nay. Ủy ban chuyển giao chính quyền đã đề ra các chính sách cụ thể như xúc tiến trợ cấp hoàn toàn tổn thất cho các tiểu thương, xúc tiến điều chỉnh nợ khẩn cấp.
An ninh kinh tế là chủ đề bao trùm với các nhiệm vụ như bảo đảm “vị trí dẫn đầu” trong lĩnh vực bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, pin và các ngành chiến lược khác trong tương lai, theo đó chính phủ mới đặt mục tiêu tăng xuất khẩu linh kiện bán dẫn hơn 30% từ 128 tỷ USD năm 2021 lên 170 tỷ USD vào năm 2027, năm cuối cùng của nhiệm kỳ; duy trì thị phần lớn nhất của Hàn Quốc trên thị trường pin toàn cầu và trở thành một trong ba nhà sản xuất robot hàng đầu thế giới.
Đây được cho là trọng trách đầy tự hào, song cũng không kém phần cam go, trong bối cảnh sự khôi phục đà tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn khó khăn gần đây đòi hỏi chính phủ cần có sự hỗ trợ chính sách nhiều hơn. Hàn Quốc đứng thứ hai về đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D) tính trên GDP trong số các nước phát triển trên thế giới vào năm 2020. Đầu tư của Seoul cho lĩnh vực R&D năm 2020 đạt 93,1 nghìn tỷ won (75,4 tỷ USD), tương đương 4,81% GDP. Mức chi này khiến Hàn Quốc trở thành quốc gia chi tiêu nhiều nhất cho R&D trong số 36/38 quốc gia thành viên Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD).
Liên đoàn công nghiệp Hàn Quốc (FKI) kêu gọi chính phủ có biện pháp hỗ trợ chính sách mạnh mẽ hơn cho các doanh nghiệp lớn, những doanh nghiệp có chi tiêu cho R&D chiếm hơn 50% tổng đầu tư cho R&D của doanh nghiệp. Ngoài ra, chính phủ mới cũng sẽ xúc tiến thành lập Ủy ban cải cách lương hưu công, cải cách lương hưu dựa trên thỏa hiệp lớn trong xã hội.
Trong số các nhiệm vụ quan trọng được ưu tiên có đề cập quan hệ với Triều Tiên gồm phi hạt nhân hóa “hoàn toàn và có thể kiểm chứng”, bình thường hóa quan hệ liên Triều, củng cố mối quan hệ liên minh quân sự Hàn-Mỹ… Trong vấn đề này, Bộ trưởng Quốc phòng được chỉ định của Hàn Quốc Lee Jong-sup đã cam kết nỗ lực củng cố sự gắn kết trong liên minh Hàn-Mỹ.
Ông nêu rõ sẽ tăng cường sự gắn kết trong liên minh quân sự này và mở rộng hợp tác quốc phòng cùng có lợi. Tổng thống sắp mãn nhiệm Moon Jae-in cũng đã kêu gọi chính phủ của Tổng thống kế nhiệm Yoon Suk-yeol phối hợp Mỹ tái khởi động đàm phán với Triều Tiên. Liên quan nỗ lực phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, Trung Quốc đã tuyên bố sẵn sàng tăng cường hợp tác với chính quyền mới của Hàn Quốc để đạt được tiến bộ trong giải quyết vấn đề bán đảo Triều Tiên.
Cam kết tranh cử nâng lương binh sĩ lên 2 triệu won (1.580 USD)/tháng của Tổng thống đắc cử Yoon Suk-yeol cũng được đưa vào triển khai trong các nhiệm vụ chính sách được công bố lần này, tuy nhiên việc nâng lương sẽ được tiến hành theo từng giai đoạn cho tới năm 2025.
Ủy ban chuyển tiếp của Chính phủ mới ở Hàn Quốc cho biết, dự kiến chính phủ mới của nước này sẽ cần hơn 209.000 tỷ won (165 tỷ USD) từ ngân sách trong năm nay để thực hiện các nhiệm vụ ưu tiên. Trong bối cảnh Hàn Quốc vốn chịu tác động nặng nề của đại dịch, chính phủ mới đứng trước không ít những thách thức, song cũng đầy kỳ vọng trong thực hiện mục tiêu đưa “xứ kim chi” phát triển nhảy vọt.