Mục tiêu số một của Israel khi không kích Lebanon là ai?

Fuad Shukr, người mà Israel tuyên bố đã tiêu diệt trong cuộc không kích mới đây vào Lebanon, là chỉ huy quân sự cấp cao nhất của Hezbollah và được Mỹ treo giải truy nã tới 5 triệu USD.

Fuad Shukr, Chỉ huy lực lượng Hezbollah bị Israel nhắm mục tiêu trong cuộc không kích hôm 30/7. Ảnh: Hezbollah

Fuad Shukr, Chỉ huy lực lượng Hezbollah bị Israel nhắm mục tiêu trong cuộc không kích hôm 30/7. Ảnh: Hezbollah

Lực lượng phòng vệ Israel (IDF) hôm 30/7 đã tiến hành không kích thủ đô Beirut của Lebanon nhằm bắn hạ một chỉ huy của lực lượng Hezbollah, người bị cáo buộc đứng sau vụ tấn công tên lửa vào sân bóng ở làng Majdal Shams khiến 12 trẻ em thiệt mạng.

"IDF đã tấn công chính xác và bắn hạ một chỉ huy Hezbollah có liên quan tới vụ tấn công tên lửa chết người ở Cao nguyên Golan," IDF cho biết trong một thông báo, song không tiết lộ cụ thể đã sử dụng UAV hay tiêm kích trong cuộc tấn công.

Truyền thông Israel tiết lộ, tướng Hezbollah mà IDF nhắm tới là Fuad Shukr, được biết đến là chỉ huy quân sự cấp cao nhất của tổ chức này, cũng như cố vấn cấp cao của thủ lĩnh Hassan Nasrallah. Fuad Shukr còn là người chịu trách nhiệm chính trong chương trình phát triển tên lửa của Hezbollah, và là nhân vật bị Mỹ truy nã gắt gao vì liên quan tới vụ đánh bom doanh trại của lực lượng lính thủy đánh bộ nước này ở Beirut năm 1983, khiến 241 người thiệt mạng.

Sinh trưởng ở “thành trì” Hezbollah

Fuad Shukr sinh ra và lớn lên ở làng Al-Nabi Sheeth nằm giữa Thung lũng Beqa phía Đông Lebanon. Đây cũng là quê gốc của Abbas al-Musawi, tổng thư ký của Hezbollah từ năm 1991 đến khi bị Israel ám sát vào năm 1992.

Trong những năm qua, Al-Nabi Sheeth nổi lên như một thành trì của Hezbollah, và là nơi cất giữ vũ khí lực lượng này nhập từ Syria. Gia đình của Fuad Shukr còn được cho là có một số mối liên hệ ở tận khu vực Nam Mỹ, đặc biệt là tại thành phố São Paulo (Brazil), nơi bị phát hiện có mạng lưới liên quan đến Hezbollah.

Bằng chứng cho điều này là mối quan hệ của gia đình Fuad Shukr với giáo sĩ Bilal Mohsen Wahabi, một thành viên cấp cao trong đơn vị phụ trách đối ngoại của Hezbollah. Giáo sĩ Wahabi, cùng với Ali Mohammed Kazan – người được cho là chỉ huy mạng lưới của Hezbollah tại Nam Mỹ, đã tham gia các chiến dịch gây quỹ, tuyển người, và tạo “chân rết’ cho các kế hoạch quân sự của Hezbollah.

Theo chuyên gia Matthew Levitt Viện Chính sách Cận Đông Washington (Mỹ), Fuad Shukr đã có hàng thập kỷ trinh chiến và đóng vai trò quan trọng trong một số cột mốc lớn của Hezbollah. Vị tướng này từng giám sát các hoạt động quân sự của Hezbollah ở miền Nam Lebanon, và là chỉ huy các lực lượng vũ trang của tổ chức này ở Syria trước khi đảm nhận vị trí lãnh đạo quân sự cao nhất.

Mỹ cáo buộc Fuad Shukr "đóng vai trò trung tâm" trong vụ đánh bom vào một doanh trại lính thủy đánh bộ của nước này ở Beirut vào tháng 10/1983, khiến hơn 240 quân nhân thiệt mạng. Bộ Ngoại giao Mỹ đã treo giải thưởng lên tới 5 triệu USD cho bất kỳ ai có thể cung cấp thông tin đáng tin cậy nào về Fuad Shukr, đồng thời liệt tư lệnh của Hezbollah vào danh sách "khủng bố toàn cầu bị chỉ định đặc biệt" vào năm 2019.

Lệnh truy nã Fuad Shukr từ Bộ ngoại giao Mỹ. Ảnh: X

Lệnh truy nã Fuad Shukr từ Bộ ngoại giao Mỹ. Ảnh: X

Gần gũi với Iran

Ghi nhận từ các cuộc điều tra của tình báo Mỹ tiết lộ Fuad Shukr được đào tạo quân sự tại Đại học Imam Hussein ở Iran, và từng được Hezbollah cử sang Tehran để tiếp nhận kiện hàng tên lửa phòng không vác vai được Iran cung cấp cho tổ chức này.

Trong thời gian lãnh đạo các lực lượng ở Syria, Fuad Shukr cùng tướng Mustafa Badreddine – một chỉ huy khác của Hezbollah, đã phối hợp với Lực lượng Quds tinh nhuệ của lực lượng Vệ binh Cách mạng hồi giáo Iran trong nhiều hoạt động quân sự.

Truyền thông Lebanon mô tả Fuad Shukr là người trung thành mãnh liệt với Hassan Nasrallah – Tổng thư ký của Hezbollah và là người có mối hệ gần gũi với Iran. Sau khi tướng Mustafa Badreddine - người được cho là có căng thẳng với Tehran, bị ám sát, Fuad Shukr được nhắc đến như một cái tên hàng đầu nắm giữ vai trò mà tướng Badreddine để lại.

Việt Anh

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/muc-tieu-so-mot-cua-israel-khi-khong-kich-lebanon-la-ai.html