Mục tiêu tăng trưởng 5% của Trung Quốc gặp khó vì thuế quan Mỹ

Thuế quan của Mỹ có thể là một đòn giáng mạnh với nền kinh tế vốn đang ì ạch của Trung Quốc, khiến nhiều người kêu gọi Bắc Kinh đưa ra các biện pháp kích thích quyết liệt hơn nữa để thúc đẩy tăng trưởng...

Ảnh minh họa - Nguồn: CNBC

Ảnh minh họa - Nguồn: CNBC

Theo sắc lệnh có hiệu lực từ ngày 4/2 của Tổng thống Mỹ Donald Trump, Washington sẽ áp thuế 25% với hàng nhập khẩu Mexico và Canada, bổ sung 10% với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Vài giờ trước khi sắc lệnh có hiệu lực, ông Trump hoãn thuế quan với Mexico và Canada nhờ đạt được thỏa thuận với lãnh đạo hai nước này nhưng vẫn giữ nguyên quyết định với Trung Quốc.

ĐÒN GIÁNG MẠNH

Mức thuế quan 10% sẽ bổ sung thêm cho thuế quan hiện hành - lên tới 25% - được ông Trump đưa ra trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình.

Theo các nhà phân tích, thuế quan của Mỹ có thể là một đòn giáng mạnh với nền kinh tế vốn đang ì ạch của Trung Quốc, khiến nhiều người kêu gọi Bắc Kinh đưa ra các biện pháp kích thích quyết liệt hơn nữa để thúc đẩy tăng trưởng.

Một báo cáo ngày 3/2 của ngân hàng Goldman Sachs nhận định thuế quan bổ sung 10% của Mỹ có thể khiến tăng trưởng GDP thực của Trung Quốc giảm 0,5 điểm phần trăm trong năm nay. Ngân hàng đầu tư Mỹ dự báo GDP thực của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ giảm xuống còn 4,5% trong năm nay.

Trong khi đó, tăng trưởng giá tiêu dùng được dự báo tiếp tục chịu áp lực do nhu cầu yếu. Lạm phát giá tiêu dùng của Trung Quốc năm 2024 tăng 0,2% so với năm trước và được dự báo chỉ tăng 0,4% năm nay. Thuế quan của Mỹ tăng lên sẽ làm gia tăng áp lực giảm phát với nền kinh tế Trung Quốc trong bối cảnh nhu cầu của thế giới với hàng hóa nước này suy yếu.

Ngay khi bắt đầu nhiệm kỳ thứ hai, ông Trump đã yêu cầu các cơ quan chính phủ Mỹ điều tra việc Bắc Kinh tuân thủ thỏa thuận thương mại giữa hai nước đạt được vào năm 2020 trong nhiệm kỳ trước của ông. Kết quả điều tra sẽ được nộp cho Tổng thống muộn nhất vào ngày 1/4 tới. Đây có thể sẽ là tiền đề cho các hành động tiếp theo của ông Trump.

“Rõ ràng việc tăng thuế quan 10% được đưa ra nhanh chóng và thấp hơn dự báo, nhưng chưa có gì chắc chắn về thời điểm và mức độ tăng thuế quan với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ”, bà Wang Tao, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại ngân hàng đầu tư UBS nhận định với CNBC ngày 3/2. “Chúng tôi hiện chưa điều chỉnh dự báo tăng trưởng theo kịch bản cơ sở năm nay của Trung Quốc là 4%”.

Trong chiến dịch tranh cử năm ngoái, ông Trump nói rằng có thể tăng thuế tới 60% với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ.

Tỷ giá nhân dân tệ ngoài thị trường đại lục giảm xuống mức 7,3631 nhân dân tệ đổi 1 USD trong phiên giao dịch ngày 3/1 trước khi hồi phục nhẹ. Tính từ khi ông Trump thắng cử tổng thống vào đầu tháng 11 năm ngoái, đồng tiền này mất giá 3,7% so với USD. Thị trường tài chính Trung Quốc đại lục vẫn đang nghỉ Tết Nguyên đán và sẽ giao dịch trở lại vào ngày 5/2.

Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) sử dụng một công cụ quan trọng để quản lý tiền tệ là thiết lập tỷ lệ tham chiếu hàng ngày, theo đó nhân dân tệ giao dịch trong nước chỉ được biến động trong phạm vi 2% so với tỷ giá tham chiếu này.

“Mức giá tham chiếu được PBOC thiết lập cho ngày 4/2 sẽ là một chỉ báo quan trọng cho phản ứng của Bắc Kinh với quyết định tăng thuế quan của Mỹ”, ông Ding Shuang, nhà kinh tế trưởng Trung Quốc đại lục và khu vực Bắc Á tại ngân hàng Standard Chartered, nhận định. “Chúng tôi dự báo Trung Quốc sẽ chủ yếu dựa vào các biện pháp thúc đẩy nhu cầu nội địa để bù đắp tác động của thuế quan Mỹ, thay vì có động thái hạ giá đồng nhân dân tệ”.

Từ năm ngoái đến nay, PBOC kiểm soát tỷ giá hối đoái ở mức dưới 7,2 USD đổi 1 USD, một động thái cho thấy quyết tâm bảo vệ đồng nội tệ. Theo các nhà phân tích của Goldman Sachs, khi rào cản thương mại ở Mỹ dâng cao, PBOC có thể sẽ cho phép tỷ giá trong nước nhích dần lên khoảng 7,4-7,5 nhân dân tệ đổi 1 USD. Ngân hàng Mỹ dự báo cơ quan này sẽ ưu tiên ổn định tỷ giá hơn so với việc nới lỏng chính sách tiền tệ.

KHÔNG CÒN NHIỀU DƯ ĐỊA ĐỂ PHẢN ỨNG VỚI THUẾ QUAN MỸ

“PBOC có thể bỏ qua các biện pháp nới lỏng khác như tỷ lệ dự trữ bắt buộc, đồng thời tìm cách quản lý thanh khoản thông qua hoạt động mua lại đảo ngược trên thị trường mở”, Goldman Sachs nhận định.

Còn trong một báo cáo công bố ngày 3/2, các nhà phân tích của ngân hàng Barclays dự báo Trung Quốc có thể tránh được thuế quan cao trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump nhưng “lần này không dễ thoát được tác động của thuế quan”.

“Dư địa để tiếp tục hạ giá đồng nhân dân tệ, chuyển hướng thương mại và giảm biên lợi nhuận của doanh nghiệp xuất khẩu đều đã giảm đáng kể rồi”, báo cáo của Barclays nhận xét.

Trong bối cảnh căng thẳng thương mại gia tăng các nhà phân tích dự báo Trung Quốc sẽ tăng chi tiêu tài khóa để kiềm chế áp lực giảm phát và thúc đẩy tiêu dùng nội địa. Dù vẫn đạt mục tiêu tăng trưởng 5% của năm ngoái, nền kinh tế Trung Quốc vẫn chật vật với cuộc khủng hoảng bất động sản, niềm tin của người tiêu dùng doanh nghiệp yếu. Điều này khiến xuất khẩu trở thành động lực chính của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Vào năm trước đó, xuất khẩu cũng đóng góp gần 20% GDP của Trung Quốc - theo dữ liệu từ Ngân hàng Thế giới (WB).

Theo số liệu hải quan, năm 2024, kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ tăng 4,9% lên 524,6 tỷ USD, chiếm gần 15% tổng kim ngạch xuất khẩu. Thặng dư thương mại của Trung Quốc với Mỹ đạt hơn 360 tỷ USD trong năm ngoái, so với 336 tỷ USD của năm 2023.

Kể từ khi Bắc Kinh tung ra một loạt biện pháp kích thích vào cuối năm ngoái, bao gồm hạ lãi suất và gói tài khóa 5 năm với tổng giá trị 10 nghìn tỷ nhân dân tệ (1,4 nghìn tỷ USD), một số lĩnh vực của nền kinh tế nước này ghi nhận sự bình ổn trở lại. Năm nay, Bắc Kinh đặt thúc đẩy tiêu dùng trong nước là một ưu tiên hàng đầu.

Thị trường đang theo dõi sát sao các bước đi chính sách tiếp theo của Bắc Kinh trong bối cảnh căng thẳng thương mại với Mỹ được dự báo sẽ leo thang. Chính phủ Trung Quốc dự kiến sẽ công bố các biện pháp kích thích tăng trưởng và đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 tại kỳ họp quốc hội thường niên vào tháng 3 tới.

Về căng thẳng thương mại với Mỹ, Bộ Thương mại Trung Quốc hôm 2/2 cho biết sẽ đâm đơn kiện Mỹ lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) bởi các quyết định thuế quan của ông Trump “vi phạm nghiêm trọng các quy định quốc tế”. Tuy nhiên, dù cam kết triển khai các biện pháp để bảo vệ quyền lợi và lợi ích quốc gia, Bắc Kinh không đưa ra kế hoạch thuế quan cụ thể nào.

Theo các nhà phân tích, việc kiện lên WTO chỉ là một hành động mang tính biểu tượng giống như khi Bắc Kinh phản đối thuế quan của Liên minh châu Âu (EU) với xe điện Trung Quốc. Những tuần gần đây, nhiều quan chức Trung Quốc nhắc lại quan điểm rằng “sẽ không có bên nào thắng trong chiến tranh thương mại”.

“Đến nay phản ứng của Bắc Kinh có vẻ khá ôn hòa”, nhà kinh tế trưởng Lynn Song của công ty tài chính LNG nhận xét. “Tuy nhiên, một số nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc có thể vẫn đang trong kỳ nghỉ Tết Âm lịch, vì vậy chưa có thông báo về các biện pháp trả đũa cụ thể trước khi trở lại làm việc vào ngày 5/2”.

Theo ông Song, nếu bị đẩy vào chân tường, Trung Quốc có thể phản ứng mạnh hơn so với dự báo của hầu hết các nhà phân tích. Một số biện pháp đáp trả khả thi của Bắc Kinh có thể là siết chặt kiểm soát xuất khẩu hoặc cấm xuất khẩu đất hiếm, hoặc áp đặt trừng phạt với các tập đoàn lớn của Mỹ có hiện diện lớn tại thị trường Trung Quốc.

Ngọc Trang

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/muc-tieu-tang-truong-5-cua-trung-quoc-gap-kho-vi-thue-quan-my.htm