Mục tiêu tăng trưởng 7% là khả thi
Dù còn nhiều thách thức, song kết quả thống kê 9 tháng qua cho thấy, các động lực tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam khá rõ ràng. Với dư địa những tháng còn lại của năm, nền kinh tế có khả năng cao đạt mức tăng trưởng 7% năm 2024. Đây là đánh giá của Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương trong cuộc trao đổi với báo chí về triển vọng tăng trưởng năm 2024.
PV: Thưa bà, mặc dù chịu ảnh hưởng của cơn bão số 3, nhưng kết quả tăng trưởng quý III cũng như 9 tháng là khá tích cực. Bà bình luận thế nào về kết quả này?
Bà Nguyễn Thị Hương: Đúng là kết quả tăng trưởng GDP của 9 tháng đầu năm nay hết sức tích cực, hơn 6,8%, như kịch bản chúng ta đã dự kiến. Đây cũng là điều ngạc nhiên khi mà cơn bão số 3 đã làm giảm tốc độ tăng trưởng của khu vực nông nghiệp.
Tuy nhiên, với những cố gắng, nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân cũng như của cả hệ thống chính trị, chúng ta đã có mức tăng của khu vực công nghiệp rất ấn tượng để bù đắp thiệt hại của khu vực nông nghiệp. Cùng với đó, khu vực dịch vụ vẫn duy trì được mức tăng tích cực, đóng góp đáng kể vào tăng trưởng chung của nền kinh tế.
Chính phủ đặt mục tiêu GDP cả năm khoảng trên 7%
Tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương tháng 9/2024 diễn ra sáng 7/10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh việc phải tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GDP cả năm khoảng trên 7%, tăng trưởng quý IV từ 7,5 - 8%.
Về phía cầu, hoạt động dịch vụ xuất nhập khẩu cũng ghi nhận mức tăng tổng kim ngạch xuất nhập khẩu trên 16%, mức tăng rất cao so với kết quả của năm ngoái, cho thấy dấu hiệu phục hồi rõ nét.
Bên cạnh đó, vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội trong 9 tháng ước đạt 2.417,2 nghìn tỷ đồng, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là một điểm sáng của bức tranh kinh tế trong khi giải ngân vốn đầu tư công còn đạt thấp cũng như tiêu dùng trong nước chưa khôi phục bằng so với trước đại dịch.
PV: Bên cạnh những khó khăn thì theo bà, đâu là các yếu tố thuận lợi đã hỗ trợ cho kết quả tăng trưởng kinh tế 9 tháng qua?
Bà Nguyễn Thị Hương: Đạt được kết quả như trên, tăng trưởng kinh tế 9 tháng năm 2024 được hỗ trợ bởi một số yếu tố thuận lợi.
Thứ nhất, Chính phủ chủ động ban hành các chính sách kích cầu tiêu dùng về giảm, gia hạn thuế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân. Chẳng hạn như chính sách giảm thuế giá trị gia tăng; gia hạn thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất; giảm 10 - 50% với 36 loại phí, lệ phí…
Thứ hai, kinh tế vĩ mô được giữ ổn định, chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ kết hợp hiệu quả đã giúp kiểm soát lạm phát ở vùng an toàn, lãi suất điều hành giảm dần là cơ sở để giảm lãi suất cho vay hỗ trợ sản xuất.
Thứ ba, thu hút vốn FDI đã tăng trở lại, các nhà đầu tư nước ngoài ổn định sản xuất và mở rộng hoạt động. Đối thoại kinh tế giữa Việt Nam và Mỹ diễn ra nhằm cụ thể hóa quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Australia cũng mở ra nhiều cơ hội kinh tế vì đây là thị trường quen thuộc với đa số người dân và cộng đồng người Việt ở Australia cũng khá đông.
PV: Tổng cục Thống kê đánh giá như thế nào về triển vọng tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm cũng như cả năm 2024, thưa bà?
Bà Nguyễn Thị Hương: Mặc dù đà tăng trưởng đã phục hồi như trước dịch Covid-19, song nền kinh tế vẫn còn phải đối mặt với nhiều yếu tố rủi ro.
Có thể kể đến như, hoạt động du lịch đã chuyển biến tích cực nhưng vẫn chưa xứng với tiềm năng, chưa thực sự đáp ứng được như kỳ vọng.
Doanh nghiệp vẫn đối mặt với 3 vấn đề lớn về thị trường, vốn và pháp lý; một số quy định, thủ tục hành chính, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, điều kiện kinh doanh còn rườm rà, chưa được cắt giảm triệt để.
Đặc biệt hiện nay, doanh nghiệp phải đáp ứng tốt các tiêu chuẩn mới, tiêu chuẩn xanh, phát triển bền vững, tiêu chuẩn môi trường - xã hội - quản trị (ESG)… đòi hỏi nguồn lực đầu tư lớn, trong khi thời gian để chuyển đổi không còn nhiều (nhiều nước dự kiến áp dụng từ năm 2026).
Một vấn đề nữa là dù thị trường tài chính, tiền tệ, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp… đã ổn định hơn, nhưng còn nhiều vấn đề cần tháo gỡ như: tăng trưởng tín dụng; xử lý nợ xấu, ngân hàng yếu kém, ngân hàng “0 đồng”; tháo gỡ vướng mắc cho các dự án bất động sản, nhất là các dự án lớn; áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp…
Hiện tại, tình hình thế giới cũng đang biến động rất bất thường, sẽ có tác động bất lợi với chúng ta. Dù vậy, nhiều dư địa tăng trưởng vẫn còn ở phía trước, đặc biệt như đầu tư công thường được đẩy mạnh vào cuối năm. Nhiều hoạt động dịch vụ, du lịch cũng như sản xuất phục vụ xuất khẩu thông thường cũng tăng cao vào cuối năm với nhiều dịp mua sắm, lễ hội ở cả trong và ngoài nước.
Từ kết quả hoạt động quý III và 9 tháng qua, cũng như phân tích tình hình trong và ngoài nước, Tổng cục Thống kê nhận định việc đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm 2024 theo Nghị quyết Chính phủ từ 6,5 - 7% là khả thi, và khả năng cao là đạt mức cận trên của kịch bản này. Để đạt được mục tiêu tăng trưởng cả năm là 6,8% thì quý IV cần tăng 6,76%; mục tiêu 7% thì quý IV cần tăng 7,5%.
PV: Xin cảm ơn bà!