Mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên: Thách thức nhưng không lùi bước

Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3 diễn ra chiều 6/4, đại diện lãnh đạo Bộ Tài chính cho rằng, kết quả tăng trưởng GDP quý I tuy chưa đạt mục tiêu kịch bản cao nhưng có cơ sở để tiếp tục phấn đấu. Mốc tăng 8% cho cả năm nay được coi là kịch bản cơ sở. Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương sẽ cố gắng phấn đấu đạt cao hơn mức đề ra.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Thành Trung phát biểu tại họp báo - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Thành Trung phát biểu tại họp báo - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Thành Trung, mức tăng 6,93% trong quý I là mức tăng trưởng quý I cao nhất trong giai đoạn 2020-2025 và khá đồng đều trong cả 3 khu vực: Nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ. Trong quý I, tiếp tục duy trì được tăng trưởng của công nghiệp chế biến chế tạo và khá sát với kịch bản đã đề ra. Mức 6,93% này cao hơn mức Hội nghị Trung ương 10 quyết định ban đầu và thấp hơn so với kịch bản sau khi Ban Chấp hành Trung ương ban hành Kết luận 123-KL/TW (mục tiêu cả nước đạt tăng trưởng năm 2025 trên 8%).

“Từ khi Ban Chấp hành Trung ương ban hành Kết luận 123-KL/TW đến nay, chúng ta không có nhiều thời gian và ngay trong quý I có rất nhiều ngày nghỉ, nhưng chúng ta đã đạt được kết quả 6,93%, gần sát với kịch bản tăng trưởng. Chúng tôi cho rằng, đây là kết quả rất tích cực, đáng khích lệ, ghi nhận sự đồng hành của các cấp chính quyền, người dân, doanh nghiệp, cả hệ thống chính trị”, Thứ trưởng Đỗ Thành Trung nói.

Ngay khi bước vào năm 2025, chúng ta đã nhận định đây là năm rất khó khăn, nhiều vấn đề khó lường, khó dự báo. Tuy nhiên, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất quyết tâm, nỗ lực để đạt mục tiêu tăng trưởng và cho dù tiếp tục gặp khó khăn ngay từ ngày đầu tháng 4, nhưng tại cuộc họp hôm nay (6/4), Thủ tướng Chính phủ tiếp tục yêu cầu và quyết tâm không thay đổi mục tiêu tăng trưởng của năm 2025, cố gắng phấn đấu đạt từ 8% trở lên. Đó là chỉ đạo quyết liệt của người đứng đầu Chính phủ.

“Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính đã xây dựng kịch bản tăng trưởng tiếp theo cho từng ngành, từng lĩnh vực, phân bổ cho các địa phương và cho các khu vực. Tính chung, chúng tôi xây dựng quý II đạt mục tiêu tăng trưởng khoảng 8,3%; lần lượt quý III, quý IV là 8,3% và 8,4%. Kịch bản này tăng cao hơn kịch bản ban đầu sau khi có Kết luận 123-KL/TW khoảng 0,27%. Kịch bản này rất thách thức nhưng có lý do để chúng ta có thể đạt được”, Thứ trưởng Đỗ Thành Trung thông tin.

Ngay từ quý I, công nghiệp chế biến chế tạo tăng trưởng 9,28%. Với kịch bản quý II, công nghiệp chế biến chế tạo tăng khoảng 10,1%. Bên cạnh đó, cũng có nhiều giải pháp để khắc phục các chỉ tiêu đóng góp vào tăng trưởng chưa đạt yêu cầu như công nghiệp khai khoáng, sản xuất điện, khí đốt… Cùng với đó, thực hiện các giải pháp để thúc đẩy dư địa đóng góp cho tăng trưởng như giải ngân vốn đầu tư công, tập trung hơn nữa vào lĩnh vực du lịch, dịch vụ. Đây là khu vực trong quý I đã mang lại đóng góp nhiều cho tăng trưởng. Trong quý I, chúng ta đã đón hơn 6 triệu lượt khách quốc tế.

Để khẳng định lại, kết quả quý I tuy chưa đạt mục tiêu kịch bản cao nhưng chúng ta có cơ sở để tiếp tục phấn đấu và chúng tôi kỳ vọng tăng trưởng hơn 8%, do đó lấy mốc 8% làm cơ sở để xây dựng các kịch bản tiếp theo. Chắc chắn Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương sẽ cố gắng phấn đấu đạt cao hơn mức đề ra.

Liên quan đến tình hình thu hút đầu tư nước ngoài và khả năng thu hút đầu tư cả năm, ông Đỗ Thành Trung cho biết, thu hút đầu tư nước ngoài trong quý I tích cực. Vốn đầu tư mới và điều chỉnh vốn, góp vốn, mua cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài trong quý I chúng ta đã đạt gần 11 tỷ USD, tăng xấp xỉ 35% so với cùng kỳ năm 2024. Đặc biệt, vốn thực hiện đã đạt khoảng 4,96 tỷ USD, tăng 7,2% so với cùng kỳ.

Còn về cả năm, Bộ Tài chính đánh giá có một số yếu tố tác động rất lớn. Thứ nhất, các tổ chức quốc tế và các định chế ngân hàng, tài chính đều đánh giá khả năng gia tăng xác suất suy giảm kinh tế toàn cầu tăng và có thể dẫn đến suy thoái kinh tế. Theo đó rất nhiều tổ chức đều hạ mức tăng trưởng kinh tế toàn cầu, điều này chắc chắn có ảnh hưởng đến Việt Nam.

Thứ hai, chính sách thuế của Mỹ áp dụng không chỉ cho Việt Nam mà cho tất cả các quốc gia. Đây cũng là yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến tâm lý, môi trường kinh doanh cũng như triển vọng đầu tư kinh doanh.

Thứ ba, môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam cũng sẽ bị ảnh hưởng nhất định.

“Nhưng chúng tôi tin với nỗ lực của Chính phủ, chắc chắn chúng ta sẽ lấy được niềm tin của các nhà đầu tư, doanh nghiệp. Mặc dù khó khăn, nhưng Bộ Tài chính đang thực hiện rất nhiều giải pháp, trong đó có làm việc trực tiếp với các nhà đầu tư lớn để xúc tiến thực hiện, cụ thể hóa các dự án rất lớn về đầu tư nước ngoài. Mục tiêu năm 2025 vẫn là tăng 35-40 tỷ USD, vốn thực hiện vẫn đặt mục tiêu 27-28 tỷ USD”, Thứ trưởng Đỗ Thành Trung tin tưởng.

Lê Đỗ

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/muc-tieu-tang-truong-8-tro-len-thach-thuc-nhung-khong-lui-buoc-162371.html