Mục tiêu tăng trưởng trên 8% là trong 'tầm tay'
Theo chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Văn Hiến - nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính - Marketing, với một loạt biện pháp tài khóa mở rộng, thúc đẩy tăng trưởng đã được đề ra cho năm 2025, nếu được thực hiện tốt thì mục tiêu tăng trưởng trên 8% là 'trong tầm tay'.

Đầu tư công hiện vẫn là một trong những động lực chính, là "bệ đỡ" cho tăng trưởng. Ảnh: Đức Thanh
PV: Ông đánh giá như thế nào về tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2025?

TS. Nguyễn Văn Hiến: Theo số liệu thống kê, 6 tháng đầu năm 2025, kinh tế Việt Nam đạt mức tăng trưởng GDP 7,52%. Đây là một con số khá ấn tượng, là mức cao nhất cùng kỳ của giai đoạn từ 2021- 2025 và con số này bám sát kịch bản tăng trưởng mà Chính phủ đã đề ra từ năm trước. Con số này ấn tượng bởi vì trong bối cảnh kinh tế thế giới 6 tháng đầu năm có rất nhiều bất ổn và nhiều nền kinh tế lớn của thế giới tăng trưởng chậm, thị trường bị thu hẹp do biến động khó lường về mặt địa chính trị, chính sách thương mại và thuế quan của một số quốc gia, nhất là Hoa Kỳ đã gây ra rất nhiều khó khăn và trở ngại đối với thương mại toàn cầu.
PV: Theo ông, so với cùng kỳ năm trước, tăng trưởng năm nay có điểm gì khác biệt về chất lượng và động lực không?
TS. Nguyễn Văn Hiến: Phân tích chi tiết về tốc độ tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 2025 cho thấy có một số điểm khác biệt cơ bản so với năm 2024.
Về cơ cấu kinh tế, mức độ tăng trưởng 6 tháng đầu năm thể hiện sự chuyển dịch cơ cấu khá tích cực khi khu vực dịch vụ tăng khoảng 43,4% so với mức 42,9% của năm 2024. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 9,8%, riêng khu vực FDI thì lượng vốn cũng tăng trưởng rất khá, khoảng 32%. Đây cũng là mức cao nhất trong giai đoạn 2021 - 2025.
Về lĩnh vực xuất khẩu, trong 6 tháng đầu năm 2025, xuất khẩu vẫn đạt được tốc độ tăng trưởng khá với con số gần 15% và đạt được thặng dư về xuất khẩu hơn 7,63 tỷ USD. Một số lĩnh vực khác như du lịch, vận tải, logistics cũng đạt mức tăng trưởng rất tốt, khoảng 10%. Điều này đã đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế của đất nước trong 6 tháng đầu năm.
PV: Ông đánh giá như thế nào về tình hình giải ngân vốn đầu tư công. Việc giải ngân vốn đầu tư công đã thúc đẩy tăng trưởng của 6 tháng đầu năm nay như thế nào, thưa ông?
TS. Nguyễn Văn Hiến: Báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy, đến hết tháng 6, tốc độ giải ngân đầu tư công đã đạt khoảng 29,6% kế hoạch - là mức khá cao của 6 tháng đầu năm trong những năm gần đây (năm 2024, giải ngân 6 tháng đầu năm đạt khoảng 26,4%). Điều này cũng hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng GDP nửa đầu năm.
Chưa cần thiết phải có thêm các gói hỗ trợ tăng trưởng mới
Theo TS. Nguyễn Văn Hiến, Quốc hội mới thông qua Nghị quyết về gói tài chính hỗ trợ rất lớn là giảm thuế VAT 2% từ ngày 1/7/2025 đến hết năm 2026. Nếu phát huy được ngay tác dụng, hiệu lực của chính sách này thì đã tạo một tác động rất lớn đến tăng trưởng. Đã đến lúc cần đảm bảo được giữ cân đối ngân sách nhà nước và đảm bảo an toàn tài chính quốc gia, nên theo một số các nghiên cứu đánh giá, thì giai đoạn này chưa cần thêm các gói hỗ trợ mới để đạt được mục tiêu tăng trưởng trên 8%.
Đầu tư công hiện vẫn là một trong những động lực chính, là “bệ đỡ” cho tăng trưởng. Chính phủ đặt ra mục tiêu đạt 100% kế hoạch giải ngân đầu tư công cả năm 2025. Có thể nói đây là một mục tiêu rất lớn, đòi hỏi các bộ, ngành và các địa phương phải có sự quyết liệt trong tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để đạt được tỷ lệ giải ngân đầu tư công như mục tiêu Chính phủ đã đặt ra. Đây cũng là một trong những điều kiện rất quan trọng để đạt được tỷ lệ tăng trưởng GDP của cả năm trên 8%.
PV: Ông nhìn nhận như thế nào về chính sách tài khóa trong nửa đầu năm 2025, nhất là chính sách liên quan đến thuế, phí?
TS. Nguyễn Văn Hiến: Các chính sách tài khóa đã ban hành cho thấy, trong năm 2025, Chính phủ vẫn đang duy trì áp dụng chính sách tài khóa mở rộng và linh hoạt, hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng.
Tôi rất ấn tượng với việc chính sách giảm thuế VAT 2% sẽ được áp dụng đến hết năm 2026, tính từ đầu tháng 7/2025, tức là thời gian thực hiện chính sách giảm VAT 2% được kéo gấp 3 lần so với những đợt trước đây. Đồng thời, mở rộng thêm nhiều mặt hàng, lĩnh vực được giảm thuế VAT, đặc biệt là xăng dầu. Có thể nói đây là một sự cố gắng, nỗ lực rất lớn của Chính phủ bởi vì mặt hàng xăng dầu là mặt hàng có ảnh hưởng đến tiêu dùng hàng ngày của người dân và của toàn xã hội nói chung. Việc mở rộng đối tượng áp dụng và kéo dài thời gian giảm thuế VAT sẽ góp phần rất lớn vào việc thúc đẩy tăng tổng cầu của xã hội, qua đó hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng.
PV: Để đạt được mục tiêu tăng trưởng của cả năm, theo ông, Việt Nam cần chú ý điều gì trong nửa cuối năm 2025 này và liệu chúng ta có cần phải thêm gói hỗ trợ tăng trưởng mới nữa không?
TS. Nguyễn Văn Hiến: Trong 6 tháng đầu năm 2025, Việt Nam đã đạt được tốc độ tăng trưởng 7,52%. Theo quy luật hàng năm của kinh tế Việt Nam, những tháng cuối năm sẽ là những tháng đạt được tốc độ tăng trưởng cao hơn đầu năm, cho nên mục tiêu tăng trưởng trên 8% theo tôi không phải là vấn đề quá thách thức mà chúng ta không thể vượt qua được. Nói cách khác, chúng ta có thể lạc quan về mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025.
Tuy nhiên, nếu phân tích cả tình hình trong nước và quốc tế của năm 2025 và 6 tháng cuối năm này thì có thể thấy còn nhiều những thách thức phía trước.
Ở trong nước, Nhà nước đang thực hiện chủ trương sắp xếp, tinh gọn bộ máy hành chính các cấp. Điều này sẽ mở ra một không gian phát triển mới. Nhưng việc mở ra không gian phát triển này sẽ phải có thời gian để “thẩm thấu” chính sách, trong khi việc sắp xếp, tổ chức bộ máy có thể sẽ có những khoảng dừng nhất định đối với sự phát triển. Do đó, Nhà nước cần có những biện pháp quyết liệt để sớm ổn định cơ cấu tổ chức bộ máy mới, đặc biệt là tháo gỡ những vấn đề khó khăn trước mắt có thể cản trở, ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp.
Vấn đề thứ hai là thị trường trong nước trong những năm vừa qua và 6 tháng đầu năm cũng còn rất nhiều những khó khăn. Thị trường bất động sản còn khá trầm lắng và tốc độ tăng trưởng thương mại trong nước cũng còn hạn chế, nên cần phải mở rộng các chính sách để khai thông thị trường, kích cầu tiêu dùng để hỗ trợ cho tăng trưởng.
Đối với bên ngoài, hiện nay, cuộc chiến về thuế quan giữa nền kinh tế lớn nhất thế giới là Hoa Kỳ với các nước khác vẫn đang có nhiều điều khó lường ở phía trước, cùng với sự biến động về địa chính trị tại khu vực Đông Âu, Trung Đông còn rất phức tạp. Vì vậy, chưa thể chủ quan với những bất ổn bên ngoài tác động xấu đến kinh tế trong nước.
Đó là những vấn đề mà chúng ta cần phải lường trước để chủ động, có giải pháp ứng phó, đặc biệt là phải giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, giữ được mặt bằng giá trong nước và kiềm chế lạm phát như mục tiêu đề ra. Tôi nghĩ rằng, với một loạt biện pháp tài khóa mở rộng, thúc đẩy tăng trưởng đã được đề ra cho năm 2025, nếu được thực hiện tốt thì mục tiêu tăng trưởng trên 8% là hoàn toàn khả thi và “trong tầm tay”.
PV: Xin cảm ơn ông!
2 kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2025
Tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương về kịch bản tăng trưởng kinh tế và các nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện mục tiêu tăng trưởng năm 2025 ngày 16/7, Bộ Tài chính đã tham mưu Chính phủ xây dựng 2 kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2025.
Theo đó, kịch bản 1 xác định, tăng trưởng cả năm 2025 đạt 8%. Quy mô GDP cả năm khoảng trên 508 tỷ USD, GDP bình quân đầu người khoảng trên 5.000 USD.
Kịch bản 2 xác định, tăng trưởng cả năm 2025 đạt 8,3 - 8,5%. Quy mô GDP năm 2025 khoảng trên 510 tỷ USD, GDP bình quân đầu người khoảng trên 5.020 USD.
Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, điều hành các bộ, ngành, địa phương phấn đấu thực hiện theo kịch bản 2, tạo đà cho tăng trưởng năm 2026 đạt 10% trở lên.