Mục tiêu thịnh vượng chung gây áp lực cho giới nhà giàu Trung Quốc

Trung Quốc đang đặt tham vọng hướng tới sự 'thịnh vượng chung' trong toàn xã hội, thông qua các chính sách kêu gọi từ thiện và sự quyên góp. Tuy nhiên, điều này tạo ra áp lực không mấy dễ chịu cho các doanh nghiệp lớn và những ông chủ giàu có tại nước này.

“Thịnh vượng chung” là gì?

Với tình trạng bất bình đẳng giàu nghèo ngày càng trầm trọng trong đại dịch Covid-19, người giàu trên thế giới đang phải chịu áp lực phải thể hiện sự hào phóng của mình.

Đặc biệt tại Trung Quốc, các doanh nhân đang dành hàng chục tỷ nhân dân tệ để hướng tới mục tiêu “thịnh vượng chung” của Chủ tịch Tập Cận Bình - một sáng kiến mới nhằm giảm bất bình đẳng kinh tế và xã hội.

Các doanh nghiệp tư nhân và những người giàu tại Trung Quốc đang được kêu gọi đóng góp từ thiện vì mục tiêu “thịnh vương chung” - Minh họa: Lau Ka-kuen

Ông Tập đã nêu ra tầm nhìn “thịnh vượng chung” tại cuộc họp với Ủy ban Tài chính và Kinh tế Trung ương vào tháng 8, trong đó ông nói “phân phối cấp ba” là một trong những hệ thống cơ bản để giải quyết khoảng cách giàu nghèo và khuyến khích những người có thu nhập cao “trả lại nhiều hơn cho xã hội”.

Khái niệm phân phối cấp ba lần đầu tiên được nhà kinh tế học Li Yining của Đại học Bắc Kinh đưa ra vào những năm 1990, trong đó xem các hoạt động từ thiện như một hình thức phân phối lại của cải.

Dù sáng kiến đã được đề cập trong các cuộc họp của Đảng cộng sản Trung Quốc từ năm 2019 đến 2020, nhưng nó chỉ thực sự gây sự chú ý cho đến khi được ông Tập công bố vào mùa hè năm ngoái.

Kể từ đó, các doanh nhân Trung Quốc trở nên bận rộn với các quỹ từ thiện trong chương trình thịnh vượng chung, diễn ra trên các lĩnh vực được quan tâm như giáo dục, chăm sóc sức khỏe, xóa đói giảm nghèo, v.v.

Sự tràn lan của lòng nhân từ và sự hào phóng có thể thúc đẩy tinh thần từ thiện, nhưng nó cũng làm dấy lên câu hỏi về việc: Liệu các hoạt động từ thiện theo chính sách có hiệu quả và có thể giúp giảm bất bình đẳng giàu nghèo hay không?

Doanh nghiệp công nghệ trong tầm ngắm và áp lực không dễ chịu

Chính phủ Trung Quốc bắt đầu thắt chặt kiểm soát đối với lĩnh vực internet vào tháng 11 năm ngoái. Một cuộc điều tra độc quyền đã khiến Tập đoàn thương mại điện tử Alibaba bị phạt mức kỷ lục 2,8 tỷ USD.

Ngoài ra, còn có một loạt tập đoàn ăn theo internet trở thành nạn nhân khác, như nhà phát hành trò chơi Tencent, công ty giao thức ăn trực tuyến Meituan, nền tảng thương mại điện tử Pinduoduo và ứng dụng gọi xe Didi. Tất cả đều bị phạt hoặc chấm dứt hoạt động do vi phạm luật chống độc quyền hoặc an ninh mạng.

Tổng số tiền quyên góp năm ngoái của 100 doanh nhân hàng đầu tại Trung Quốc đã lên tới 24,51 tỷ nhân dân tệ (3,8 tỷ USD), tăng 37% so với một năm trước. Ngành công nghiệp công nghệ, với số tiền quyên góp 7,8 tỷ nhân dân tệ - chiếm 32% - là lĩnh vực từ thiện nhiều nhất của Trung Quốc.

Trong 8 tháng đầu năm nay, 5 tỷ phú công nghệ giàu nhất Trung Quốc đã cam kết chi ít nhất 13 tỷ USD từ tài sản cá nhân hoặc công ty của họ cho các quỹ và sáng kiến từ thiện.

Brock Silvers, giám đốc đầu tư của Kaiyuan Capital tại Hồng Kông, tự hỏi chính sách từ thiện này có thể tiếp tục trong bao lâu, khi nó có thể khiến các nhà đầu tư cảm thấy rủi ro và bỏ đi để tìm kiếm cơ hội ở nơi khác. Để xoa dịu những bối rối đó, các cơ quan chính phủ Trung Quốc đã làm rõ rằng cách chính sách “thịnh vượng chung” không phải sự phân phát ép buộc, mà là các khoản quyên góp một cách tự nguyện.

Ngay cả các doanh nhân bên ngoài lĩnh vực internet cũng cho biết họ đang cảm thấy áp lực trong việc quyên góp để phục vụ mục tiêu quốc gia. Tom Wang, 45 tuổi, đồng sáng lập của một công ty sản xuất quy mô vừa ở tỉnh Giang Tô, cho biết từ đầu năm đến nay ông đã quyên góp 1 triệu nhân dân tệ.

“Tôi không thể nói rằng tôi đã bị ép buộc. Các doanh nhân của chúng tôi được mời trò chuyện với các quan chức địa phương hàng tháng. Khi được hỏi có quyên góp hay không, bạn không thể nói không”, ông chia sẻ và nói thêm rằng: “Tôi rất vui vì đã làm những việc tốt, như tài trợ cho các thư viện, giúp đỡ người dân bị ảnh hưởng bởi lũ lụt”.

Min Zhou, giám đốc Trung tâm châu Á - Thái Bình Dương tại Đại học California Los Angeles (UCLA), cho biết xu hướng quyên góp từ thiện tại Trung Quốc chủ yếu được thúc đẩy do chính sách nhà nước. Ông còn đánh giá, khó có thể nói trước được điều gì sẽ xảy ra nếu các chính sách này tiếp tục duy trì và với mức độ như hiện nay.

“Thông thường đối với các công ty, quyên góp từ thiện là một hình thức đầu tư với kỳ vọng thu lại lợi nhuận, chẳng hạn như lợi ích về thuế, lợi thế thương mại... Song việc từ thiện với mức độ liên tục và lớn có thể dẫn đến chuyển nhượng tài sản và thậm chí ảnh hưởng tới sự ổn định của công ty”, chuyên gia này cảnh báo.

Sự thịnh vượng chung là một trọng tâm của Trung Quốc trong nỗ lực xây dựng đất nước trở thành một xã hội chủ nghĩa hiện đại - Ảnh: Xinhua

Từ thiện có thể trở thành “thịnh vượng”?

Trung Quốc đã thông qua luật từ thiện đầu tiên vào năm 2016, cung cấp tín dụng thuế cho các doanh nghiệp đóng góp từ thiện và miễn thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các khoản đóng góp lên tới 12% lợi nhuận. Tại Mỹ, các công ty có thể được miễn thuế tối đa 25% thu nhập dưới dạng góp tiền cho các tổ chức từ thiện.

Theo Katja Levy - một nhà nghiên cứu tại Đại học Manchester - sự phát triển nhanh chóng của các nền tảng trực tuyến khiến việc quyên góp tiền ở Trung Quốc dễ dàng hơn. Chính phủ nước này cũng có thể khuyến khích quyên góp thông qua các cách khấu trừ thuế linh hoạt và dễ dàng hơn.

“Đơn giản hóa việc khấu trừ thuế và tăng tỷ lệ khấu trừ cho các hoạt động từ thiện sẽ là một giải pháp. Việc áp dụng thuế bất động sản trên toàn quốc cũng có thể khuyến khích nhiều hoạt động từ thiện hơn”, bà nói.

Tỉnh Chiết Giang - nơi có hàng loạt công ty tư nhân thành công - được chọn làm khu vực thí điểm cho mục tiêu thịnh vượng chung của Trung Quốc. Vào tháng 9, hàng chục cán bộ đảng viên Chiết Giang đã tham gia một buổi lễ đánh dấu việc quyên góp một ngày lương.

Đối với David Zhou, chủ một công ty thương mại tại tỉnh này, cho rằng áp lực đóng góp đang tăng lên, bởi Chiết Giang được chính phủ Trung Quốc xây dựng như hình mẫu tiêu biểu cho sự thịnh vượng chung.

“Công việc kinh doanh của tôi năm nay không tốt, song vẫn phải chịu gánh nặng đóng góp vào phúc lợi xã hội. Dù sao đi nữa, tôi đã quyên góp hàng trăm nghìn nhân dân tệ trong năm nay”, ông chia sẻ.

George Magnus, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Trung Quốc của Đại học Oxford, cho biết: “Các chương trình xã hội sẽ được hưởng lợi từ các khoản đóng góp, nhưng hoạt động từ thiện chỉ chiếm một phần nhỏ trong GDP và không thay đổi được nhiều cấu trúc thu nhập và phân phối của cải”.

Cũng theo nhà nghiên cứu này, các hoạt động từ thiện càng không thể thay được các hoạch định chính sách vĩ mô trong việc đưa một quốc gia tiến đến sự thịnh vượng.

Đúng là như vậy, nhưng rõ ràng mục tiêu thịnh vượng chung của chính phủ Trung Quốc cho thấy tầm nhìn xa, hướng tới một xã hội công bằng hơn, giảm thiểu bất bình đẳng trong bối cảnh sự phát triển kinh tế mạnh mẽ suốt vài thập kỷ qua đang hình thành tầng lớp siêu giàu mới ở nước này.

Sự bất bình đẳng trong thu nhập và khoảng cách giàu nghèo đang ngày càng lớn: 20% người giàu nhất Trung Quốc kiếm được nhiều gấp 10 lần 20% người nghèo nhất, một khoảng cách rộng hơn ở Mỹ và các nước châu Âu như Đức, Pháp.

Chính phủ Trung Quốc hy vọng mục tiêu thịnh vượng chung có thể giải quyết khoảng cách giàu nghèo của nước này, vốn tiềm ẩn nguy cơ gây bất ổn xã hội. Đồng thời, giới quan sát cho rằng chính phủ muốn tận dụng thịnh vượng chung để tái khẳng định vị thế lãnh đạo với những tỷ phú nhiều tham vọng ở Trung Quốc.

Một quan chức cấp cao trong Trung Quốc hồi tháng 8 nói rằng thịnh vượng chung không có nghĩa là "lấy của người giàu chia cho người nghèo", nhưng chính phủ sẽ có những chính sách có thể áp thuế tài sản, thừa kế... để san bằng sân chơi trong một xã hội 1% người giàu nhất nắm giữ 31% tổng tài sản, theo Credit Suisse.

Sự đóng góp và chia sẻ tự nguyện của các ông chủ giàu có, những tập đoàn lớn, người thu nhập cao đã tạo ra nhiều áp lực, sự khó chịu, thậm chí bức xúc. Song, đây là điều khó tránh khỏi và Trung Quốc sẽ còn thúc đẩy nhiều biện pháp để hướng tới mục tiêu thịnh vượng chung thực sự, mà Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố nhân dịp kỷ niệm 100 năm thành lập đảng Cộng sản Trung Quốc, là vào năm 2049 "xây dựng một đất nước xã hội chủ nghĩa hiện đại, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, văn hóa tiến bộ và hài hòa".

Hoàng Hải

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/muc-tieu-thinh-vuong-chung-gay-ap-luc-cho-gioi-nha-giau-trung-quoc-post166183.html