Mục tiêu ưu tiên
Ứng cử viên thuộc đảng Dân chủ G.Bai-đơn đã cán đích cuộc đua vào Nhà trắng đầy kịch tính tại Mỹ. Vẫn còn những ý kiến trái chiều, thậm chí cả tranh cãi về mặt pháp lý liên quan phiếu bầu, song ông Bai-đơn tuyên bố đã sẵn sàng vào vị trí cầm lái, đưa con tàu Mỹ vượt qua sóng gió, theo đúng cam kết tranh cử là 'xây dựng lại tốt đẹp hơn'.
Ứng cử viên thuộc đảng Dân chủ G.Bai-đơn đã cán đích cuộc đua vào Nhà trắng đầy kịch tính tại Mỹ. Vẫn còn những ý kiến trái chiều, thậm chí cả tranh cãi về mặt pháp lý liên quan phiếu bầu, song ông Bai-đơn tuyên bố đã sẵn sàng vào vị trí cầm lái, đưa con tàu Mỹ vượt qua sóng gió, theo đúng cam kết tranh cử là “xây dựng lại tốt đẹp hơn”.
Điều được ông Bai-đơn nhấn mạnh hàng đầu trong tuyên bố giành chiến thắng đó là hàn gắn chia rẽ, thúc đẩy đoàn kết người Mỹ. Từng hai lần tham gia tranh đua giành tấm vé ứng cử viên tổng thống trước khi bước vào cuộc đua gay cấn năm nay, vị chính trị gia lão luyện thuộc phe Dân chủ thấu hiểu những thách thức nghiêm trọng khi nước “xứ cờ hoa” rơi vào tình cảnh chia rẽ sâu sắc. Bởi thế, ông cho rằng, đã đến lúc người Mỹ, bất kể giới tính và mầu da, cần gạt sang bên định kiến về “bang đỏ” hay “bang xanh”, để cùng nhau xây dựng “hợp chúng quốc” hùng mạnh, đúng với tên gọi của nước Mỹ. Khi chính thức đảm đương nhiệm vụ, ông sẽ lãnh đạo đất nước không với tư cách một chính trị gia thuộc phe phái nào, mà trên cương vị được giao phó, đó là Tổng thống - “tổng chỉ huy” của tất cả người dân Mỹ.
Gắn kết người dân trong nỗ lực chung không chỉ là mục tiêu ưu tiên, mà còn là nhiệm vụ cấp bách với bất kể nhà lãnh đạo Nhà trắng nào trong bối cảnh hiện nay, khi nước Mỹ chìm trong cuộc khủng hoảng đa chiều, xuất phát từ tác động nghiêm trọng và chưa có tiền lệ của đại dịch Covid-19. Vòng xoáy đại dịch gây tình trạng khẩn cấp về y tế, đẩy nền kinh tế số một thế giới vào đợt suy thoái tồi tệ và chấm dứt chuỗi tăng trưởng kéo dài 127 tháng; tỷ lệ thất nghiệp lên gần mức kỷ lục thời kỳ đại suy thoái những năm 1930. Trong khi đó, tình hình dịch bệnh chưa có dấu hiệu lắng dịu, trái lại, những ngày gần đây còn gia tăng nghiêm trọng, với tỷ lệ ca bệnh tăng mỗi ngày. Viễn cảnh về “mùa đông đen tối” sắp tới đã được cảnh báo, nếu nước Mỹ không có các biện pháp toàn diện để kiểm soát tốc độ lây lan dịch bệnh.
Khẳng định ưu tiên hàng đầu là nhanh chóng hạ nhiệt sức nóng dịch bệnh, ông Bai-đơn tuyên bố sẽ lựa chọn một cá nhân xuất sắc cho nhiệm vụ lên kế hoạch tổng thể nhằm chấm dứt dịch Covid-19. Ông khẳng định, sẽ lắng nghe và khuyến khích giới chuyên gia y tế và các nhà khoa học đưa ra những khuyến nghị nhất quán với người dân liên quan phòng, chống Covid-19. Cam kết tiếp tục trợ giúp người dân chịu tác động dịch bệnh, tăng ngân sách hỗ trợ doanh nghiệp tạo thêm việc làm, ông Bai-đơn cũng bảo lưu quan điểm duy trì chính sách chăm sóc sức khỏe với chi phí hợp lý, còn gọi là đạo luật Obamacare, song có điều chỉnh cần thiết để mở rộng tới những người gặp khó khăn kinh tế, nhất là sau đại dịch.
Tuy nhiên, để hiện thực hóa mục tiêu ưu tiên đó, thách thức lớn với lãnh đạo mới của Nhà trắng đó là hóa giải bất đồng giữa hai phe trong vấn đề ngân sách nhằm hỗ trợ chống dịch và khôi phục kinh tế. Gói cứu trợ kinh tế được triển khai từ hồi tháng 3 đã hết hiệu lực, trong khi cuộc đàm phán giữa hai đảng Dân chủ và Cộng hòa về dự luật mới vẫn bế tắc. Khi nỗ lực kiểm soát dịch bệnh chưa hiệu quả, sức ép khôi phục kinh tế lại gia tăng, sắp tới chính quyền Mỹ có thể vẫn loay hoay chọn lựa giữa phong tỏa để chặn đại dịch, hay mở cửa trở lại để cứu nền kinh tế.
Trong lĩnh vực đối ngoại, mục tiêu khôi phục vị thế Mỹ trên trường quốc tế được đặt ra, sau một loạt bước đi gây tranh cãi vừa qua, vốn hướng nội, tập trung bảo vệ lợi ích quốc gia. Trong chính sách tranh cử, ông Bai-đơn cam kết tạo “cơn sóng thần” về thay đổi trong cách nước Mỹ đóng góp cho thế giới, cũng như xử lý các vấn đề quốc tế. Trong đó, nổi bật là mục tiêu khôi phục hợp tác với các thể chế đa phương như Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Tổ chức Y tế thế giới (WHO); trở lại các hiệp định toàn cầu như Thỏa thuận Pa-ri về chống biến đổi khí hậu; tăng cường gắn kết với các đồng minh trong NATO và châu Âu... Tuy nhiên, rào cản vẫn đặt ra với các mục tiêu đối ngoại, khi tình trạng chia rẽ còn tồn tại trong nền chính trị lưỡng đảng ở Mỹ.
Một loạt thách thức đặt ra với người điều hành chính quyền mới ở Mỹ, từ dịch bệnh, suy thoái kinh tế, nạn phân biệt chủng tộc, cho đến cải cách hệ thống tư pháp, bảo đảm an ninh quốc gia và cải thiện các mối quan hệ đối ngoại. Để ứng phó và vượt qua, vị tổng thống thứ 46 của “xứ cờ hoa” cần nhiều nỗ lực, ưu tiên mục tiêu hàn gắn chia rẽ chính trường và gắn kết người dân.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/binh-luan-quoc-te/muc-tieu-uu-tien-623708/