Mục tiêu Xuất khẩu gạo năm 2020: Đảm bảo tiêu thụ hết lúa gạo cho Nông dân

Năm 2020, trong công tác điều hành xuất khẩu (XK) gạo, mục tiêu của Bộ Công Thương phải đảm bảo tiêu thụ hết lúa gạo hàng hóa cho nông dân. Theo dự kiến, lượng gạo XK năm nay tương đương năm 2019 (khoảng trên 6 triệu tấn).

Đây là nhận định của Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh tại buổi họp với Hiệp hội lương thực Việt Nam và các doanh nghiệp XK gạo về công tác điều hành XK gạo năm 2019 và định hướng XK gạo năm 2020, vào chiều 14/02/2020 tại Cục Công tác phía Nam – Bộ Công Thương (TP. Hồ Chí Minh).

Nhận định về những kết quả đạt được của XK trong năm 2019, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết: "2019 là năm rất khó khăn với ngành gạo Việt Nam khi cung cầu trên thị trường thế giới có biến động mạnh".

Tuy nhiên, với sự vào cuộc của Bộ Công Thương, sự nỗ lực của các doanh nghiệp (DN), năm 2019, Việt Nam vẫn XK gạo đạt 6,37 triệu tấn với trị giá đạt khoảng 2,81 tỷ USD, tăng 4,2% về lượng nhưng giảm 8,3% về trị giá so với năm 2018. Mức tăng này không nhiều nhưng trong bối cảnh cung cầu thế giới căng thẳng, ngành gạo của Việt Nam đã làm rất tốt để giữ vững được lượng XK gạo đảm bảo tiêu thụ hết lúa gạo hàng hóa cho nông dân.

Một điểm đáng chú ý trong năm 2019, Việt Nam đã giảm phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, XK được mở rộng hơn qua các thị trường mới tiềm năng ở châu Phi, Philippines…

Báo cáo tại hội nghị về tình hình XK gạo, ông Phan Văn Chinh - Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, theo số liệu của Tổng cục Hải quan năm 2019, XK gạo của Việt Nam đạt 6,73 triệu tấn với trị giá đạt khoảng 2,81 tỷ USD, tăng 4,2 % về lượng nhưng giảm 8,3% về trị giá so với năm 2018. Trong tháng 1/2020, XK gạo của Việt Nam đạt 410.855 tấn với trị giá đạt khoảng 196,46 triệu USD, giảm 4,6% về lượng nhưng tăng 2,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019.

Ông Phan Văn Chinh - Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) phát biểu tại buổi họp

Ông Phan Văn Chinh - Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) phát biểu tại buổi họp

Theo đánh giá của Cục Xuất nhập khẩu, công tác điều hành XK gạo đã bám sát mục tiêu tiêu thụ lúa gạo cho người nông dân, đảm bảo lợi ích người trồng lúa theo chính sách hiện hành. Trong năm 2019, việc đẩy mạnh XK tại các thị trường khu vực châu Phi, châu Âu, châu Mỹ đã bù đắp suy giảm từ thị trường châu Á.

Tuy nhiên, những mặt hạn chế được dự báo như tình hình XK gạo vẫn sẽ ảm đảm và chưa có tín hiệu khởi sắc trong khoảng thời gian từ 6 tháng đến 9 tháng tới. Dự báo này được đưa ra bởi ngoài việc hợp đồng tập trung với thị trường Cuba, XK gạo Việt Nam chưa có hợp đồng tập trung với khối lượng lớn để dẫn dắt thị trường, sẽ tạo áp lực trong việc tiêu thụ lúa gạo cho nông dân trong những thời điểm chính rộ.

Thị trường Trung Quốc gặp nhiều khó khăn do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, ảnh hưởng lớn đến hoạt động giao thương, vận tải. Số lượng thương nhân được tham gia kinh doanh XK gạo hiện là 180 thương nhân, số này chỉ tăng khoảng 24% so với số thương nhân đã được cấp theo Nghị định 109/2010/NĐ-CP. Bối cảnh thị trường khó khăn như hiện nay, sẽ phần nào tiềm ẩn nguy cơ cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động XK gạo đặc biệt là thị trường Philippnes.

Theo Ông Đỗ Hà Nam - Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, XK gạo của Việt Nam đã tăng trưởng so với năm 2018, nhờ sự nổi lên mạnh mẽ từ thị trường Philippines. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan năm 2019, XK gạo 3 chủng loại chính đi Philipines là IR 50404 5% tấm, chiếm tỷ lệ cao nhất 23,1%, so với năm 2018 chỉ chiếm 17,5%, tiếp đó gạo hạt dài OM5451 và Đài Thơm 8 chiếm tỷ lệ lần lượt là 19,4% và 16,3% (so với năm 2018 là 9% và 1,3%).

Ông Đỗ Hà Nam - Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (giữa)

Ông Đỗ Hà Nam - Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (giữa)

Tại hội nghị, nhiều DN XK gạo nhận định, tình hình XK gạo của Việt Nam năm nay có khó khăn như thiên tai hạn mặn, dịch bệnh. Nhưng về giá năm nay chắc chắn sẽ khôi phục, tuy không được đạt đỉnh như năm 2018, nhưng sẽ hơn năm 2019. Cần khai thác thêm thị trường châu Phi và thị trường Philippines.

Trao đổi tại Hội nghị, ông Nguyễn Phúc Nam – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á – châu Phi, Bộ Công Thương cho biết, trong năm 2019 vừa qua, giá trị xuất khẩu gạo của Việt Nam sang khu vực châu Á – châu Phi chiếm tới 81% tổng giá trị xuất khẩu gạo của Việt Nam ra toàn thế giới, trong đó, châu Á chiếm 54%, châu Phi chiếm 27%. Gạo Việt Nam có giá bán hợp lý, chất lượng phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng châu Phi. Đáng chú ý, Bờ Biển Ngà đã vượt lên là thị trường xuất khẩu gạo lớn thứ 2 của Việt Nam trên thế giới, với kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Bờ Biển Ngà đạt gần 253 triệu USD, đứng sau Philippines (đạt 885 triệu USD) và vượt thị trường Trung Quốc (đạt 240 triệu USD). Bờ Biển Ngà với dân số 27 triệu người, ngoài phục vụ nhu cầu thị trong nước, Bờ Biển Ngà còn là thị trường tái xuất quan trọng của gạo Việt Nam sang các nước Tây Phi thuộc Cộng đồng Kinh tế Tây Phi (ECOWAS) và Liên minh Kinh tế và Tiền tệ Tây Phi (UEMOA). Nhiều nước châu Phi được dự báo có nhu cầu nhập khẩu gạo khá cao trong năm 2020 như Nigeria (nhập khẩu 2,4 triệu tấn), Bờ Biển Ngà (1,5 triệu tấn), Mozambique (1 triệu tấn), các nước Ghana, Benin, Burkina Faso, Senegal, Guinea, Kenya có nhu cầu nhập khẩu dao động từ 600.000 đến 800.000 tấn, Ai Cập dự báo nhập khẩu 200.000 tấn. Tổng mức nhu cầu tiêu thụ gạo của châu Phi năm 2020 được nhiều chuyên gia dự báo ở mức 33,4 triệu tấn. Mức dự trữ gạo của toàn châu Phi chỉ khoảng 3,7 triệu tấn. Tháng 02 vừa qua, với đại dịch châu chấu phá hoại mùa màng đang bùng phát ở khu vực Đông Phi , dự báo nhu cầu của châu Phi tiếp tục cao trong năm 2020, ở mức khoảng 15,7 triệu tấn. Ông Nam khuyến nghị các doanh nghiệp cần quan tâm nhiều hơn tới thị trường châu Phi để đa dạng hóa thị trường. Trước mắt vẫn cần tiếp tục khai thác hiệu quả hợp tác với các thương nhân trung gian, trong đó chú ý các tập đoàn đa quốc gia như Louis Dreyfus, Africaine d’Echanges Commerciaux SA, Phoenix, Platinum, Wilmar, Olam… Tiếp theo, cần tiến tới nghiên cứu, tiếp cận trực tiếp các nhà nhập khẩu gạo của các nước châu Phi, tích cực tham gia hoạt động xúc tiến thương mại gạo tại châu Phi do Bộ Công Thương tổ chức trong năm 2020.

Ông Nguyễn Phúc Nam – Phó vụ thị trường Châu Á – Châu Phi – Bộ Công Thương

Ông Nguyễn Phúc Nam – Phó vụ thị trường Châu Á – Châu Phi – Bộ Công Thương

Về thị trường Philippines, ông Nam cho biết theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, Philippines có thể nhập khẩu từ 2,3 – 2,5 triệu tấn gạo. Tuy nhiên, mức độ nhập khẩu của Philippines trên thực tế sẽ phụ thuộc vào tình hình sản lượng và thu hoạch trong nước, trước mắt là vụ thu hoạch tháng 5-6/2020. Philippines có thể sẽ đưa ra các chính sách hạn chế nhập khẩu gạo sau khi đã thực hiện bỏ hạn ngạch, thuế hóa mặt hàng gạo. Đầu tháng 02/2020, Cục Thực vật của Philippines thông báo sẽ đánh giá lại hệ thống quản lý an toàn thực phẩm tại các nước xuất khẩu gạo vào Philippines, trong đó có Việt Nam. Ông Nam đề nghị các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam tới đây cần tích cực phối hợp theo hướng dẫn của các cơ quan chức năng (Bộ NNPTNT, Bộ Công Thương) để đáp ứng tốt các yêu cầu của đoàn kiểm tra Philippines vào đánh giá, kiểm tra hệ thống quản lý an toàn việc sản xuất, kinh doanh gạo tại Việt Nam.

Theo đó, Vụ Thị trường Châu Á – Châu Phi kiến nghị: "Đối với DN XK gạo, nên thành lập CLB XK gạo sang thị trường Trung Quốc nhằm giao lưu, kết nối và chia sẻ thông tin hiệu quả giữa các thương nhân đã được Trung Quốc cho phép XK gạo vào thị trường này, đặt biệt là về giá cả và hợp đồng. Đảm bảo chất lượng gạo XK phù hợp với các quy định về kiểm dịch, an toàn chất lượng đối với sản phẩm gạo nhập khẩu của thị trường nhập khẩu".

Chủ động trong công tác xúc tiến thương mại tìm kiếm bạn hàng, đối tác, tiếp tục xây dựng thương hiệu sản phẩm gạo, đăng ký thương hiệu gạo tại các thị trường nhập khẩu để đảm bảo công tác bảo vệ thương hiệu đặc biệt đối với các loại gạo có giá trị cao tại thị trường nhập khẩu, cũng như phục vụ cho việc đưa các sản phẩm gạo chất lượng cao, có thương hiệu lớn vào hệ thống phân phối tại các thị trường nhập khẩu.

Đối với Bộ, ngành, Bộ Công Thương thông qua các đơn vị liên quan, Thương vụ, Chi nhánh, Thương vụ tại các thị trường Nhập khẩu liên tục theo dõi diễn biến thị trường, cân đối cung – cầu trong thời gian tới. Bộ Công Thương phối hợp chặt chẽ với Bộ NN& PT Nông Thôn trong việc dự báo tình sản xuất. Theo dõi sát sao tình hình dịch Covid – 19 và đưa ra những cảnh báo sớm về nhu cầu thị trường tới doanh nghiệp…

Hồng Lực

Nguồn Tạp chí Công thương: http://tapchicongthuong.vn/bai-viet/muc-tieu-xuat-khau-gao-nam-2020-dam-bao-tieu-thu-het-lua-gao-cho-nong-dan-68817.htm