Mức xử phạt đối với cá nhân có hành vi vi phạm quy định về kiểm tra, khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự được pháp luật quy định như thế nào?
* Bạn đọc Đinh Trung Kha ở xã Tân Hải, thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận, hỏi: Đề nghị tòa soạn cho biết, mức xử phạt đối với cá nhân có hành vi vi phạm quy định về kiểm tra, khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự được pháp luật quy định như thế nào?
Trả lời: Cá nhân vi phạm quy định về kiểm tra, khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự sẽ bị xử phạt theo quy định tại khoản 8 Điều 1 Nghị định số 37/2022/NĐ-CP ngày 6-6-2022 của Chính phủ. Cụ thể như sau:
1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với hành vi không có mặt đúng thời gian hoặc địa điểm kiểm tra, khám sức khỏe ghi trong lệnh gọi kiểm tra hoặc khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự của chỉ huy trưởng ban CHQS cấp huyện theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự mà không có lý do chính đáng.
2. Phạt tiền từ 12.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi cố ý không nhận lệnh gọi kiểm tra, khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự của chỉ huy trưởng ban CHQS cấp huyện theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự mà không có lý do chính đáng.
3. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Người được khám sức khỏe có hành vi gian dối làm sai lệch kết quả phân loại sức khỏe của mình nhằm trốn tránh nghĩa vụ quân sự;
b) Đưa tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá đến dưới 2.000.000 đồng cho cán bộ, nhân viên y tế hoặc người khác để làm sai lệch kết quả phân loại sức khỏe của người được kiểm tra hoặc người được khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự nhằm trốn tránh nghĩa vụ quân sự.
4. Phạt tiền từ 25.000.000 đồng đến 35.000.000 đồng đối với hành vi không chấp hành lệnh gọi kiểm tra, khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự.
* Bạn đọc Hờ A Khay ở xã Hát Lừu, huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái, hỏi: Theo quy định của Chính phủ mới ban hành thì nguyên nhân để thanh lý rừng trồng là gì?
Trả lời: Nội dung bạn hỏi được quy định tại Điều 4 Nghị định số 140/2024/NĐ-CP ngày 25-10-2024 của Chính phủ, có hiệu lực từ ngày ban hành. Cụ thể, nguyên nhân thanh lý rừng trồng như sau:
1. Do thiên tai theo quy định của pháp luật về phòng, chống thiên tai, gồm: Bão, áp thấp nhiệt đới, gió mạnh trên biển, lốc, sét, mưa lớn, lũ, lũ quét, ngập lụt; sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy hoặc hạn hán; nước dâng, xâm nhập mặn, nắng nóng, hạn hán, cháy rừng do tự nhiên, rét hại, mưa đá, sương mù, sương muối, động đất, sóng thần và các loại thiên tai, sự cố, thảm họa khác.
2. Do dịch sâu, bệnh và sinh vật khác gây hại rừng.