Mức xử phạt đối với cô gái ở Nghệ An lừa đảo 13 ô tô?

Vụ nữ nhân viên một hãng ô tô ở Nghệ An lừa đảo khách hàng, mang xe đi cầm cố khiến độc giả đặt câu hỏi, cô gái này có thể bị xử phạt thế nào?

Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an tỉnh Nghệ An cho biết, vừa phá thành công vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản, thu hồi tang vật 13 ô tô. Trước đó, nhiều người dân mua xe ô tô của một hãng đóng tại TP Vinh (Nghệ An) được Trần Thị H. (SN 1997, nhân viên kinh doanh, trú tại TP Vinh) gọi điện quảng cáo về chương trình khuyến mãi hoàn thuế và tặng gói phụ kiện (trị giá 10% xe) với điều kiện mang xe và giấy tờ xe để nhân viên làm thủ tục. Vì tin tưởng, một số khách hàng giao ô tô cùng giấy tờ liên quan cho nữ nhân viên này. Thế nhưng, khi người dân muốn lấy lại ô tô thì H. đưa ra nhiều lý do để trì hoãn. Bằng các thủ đoạn nêu trên, Trần Thị H. lừa đảo 13 khách hàng, chiếm đoạt 13 xe ô tô trị giá hơn 10 tỷ đồng.

Trần Thị H. tại cơ quan Công an.

Trần Thị H. tại cơ quan Công an.

Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản hàng chục xe ô tô là đặc biệt nghiêm trọng, xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của công dân, tuy nhiên, quá trình giải quyết vụ án này, cơ quan điều tra cũng thận trọng thu thập đánh giá chứng cứ để chứng minh tội phạm.

Theo quy định của pháp luật, ô tô là tài sản có đăng ký quyền sở hữu, bởi vậy việc mua bán, ủy quyền, cầm cố, thế chấp bắt buộc phải lập thành văn bản, có công chứng nhà nước. Theo thông tin từ phía cơ quan điều tra, bị can đã dùng nhiều phương thức thủ đoạn để chiếm đoạt ô tô của nhiều người. Cơ quan điều tra sẽ tiếp tục làm rõ phương thức thủ đoạn phạm tội, động cơ phạm tội và diễn biến hành vi của từng lần để đánh giá, xử lý theo quy định của pháp luật.

Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội)

Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội)

Luật sư Cường cho biết thêm, theo thông tin từ phía cơ quan chức năng, đối tượng này nhận ô tô của nhiều người bằng nhiều phương thức thủ đoạn khác nhau, trong đó chủ yếu là nhận ủy quyền để làm thủ tục và thuê xe sau đó mang đi cầm cố, bán cho người khác. Cơ quan điều tra sẽ làm rõ từng giao dịch để xác định có hành vi gian dối và mục đích chiếm đoạt tài sản hay không. Theo quy định của pháp luật, thủ đoạn gian dối có thể là đưa ra thông tin sai sự thật để cho nạn nhân hiểu lầm rồi trao tài sản cho đối tượng, khi có được tài sản thì đối tượng chiếm đoạt, không có ý định trả lại.

"Tuy nhiên, Bộ luật Hình sự có hai tội danh khác nhau là tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định tại điều 174 và tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản quy định tại điều 175. Theo đó, cả tội lừa đảo và tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản đều có thể có thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản của nạn nhân. Tuy nhiên, điểm khác nhau là tội lừa đảo đòi hỏi đối tượng phải đưa ra thông tin gian dối, sử dụng thủ đoạn gian dối trước khi nhận được tài sản. Còn đối với tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản thì sẽ xuất phát từ quan hệ dân sự, việc nhận tài sản của nạn nhân là hợp pháp thông qua quan hệ dân sự, sau đó mới này sinh ý định chiếm đoạt tài sản nên đã gian dối để không phải trả lại tài sản.

Theo luật sư Cường, một điều đáng chú ý là cơ quan tiến hành tố tụng cũng phải có nghĩa vụ chứng minh hành vi chiếm đoạt là gì. Theo quy định của pháp luật, chiếm đoạt là quyết định số phận pháp lý của tài sản, thực hiện quyền quản lý, sử dụng, định đoạt tài sản của người khác mà trái với ý chí tự nguyện của họ. Nếu mượn xe, thuê xe, nhận ủy quyền làm thủ tục về ô tô của người khác sau đó làm giả giấy tờ để bán cho người khác thì hành vi này có thể dẫn đến mất xe, xâm phạm quyền sở hữu tài sản và có dấu hiệu của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Còn trường hợp thuê xe rồi mang đi cầm cố thì chưa chắc đã đủ căn cứ để xử lý về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trừ trường hợp người thuê xe làm giả giấy tờ thành sở hữu của mình rồi mang cầm cố. Nếu việc cầm cố tài sản không được lập thành văn bản hoặc việc cầm cố là do người không phải là chủ sở hữu tài sản thực hiện, không được chủ sở hữu ủy quyền bằng văn bản có công chứng thì việc cầm cố đó không có hiệu lực pháp luật và tài sản không thể bị mất pháp lý.

Nếu hợp đồng cầm cố là vô hiệu, tài sản không thể bị mất và chưa đủ cơ sở để xác định có hành vi chiếm đoạt. Bởi vậy, cơ quan tiến hành tố tụng cần thu thập và đánh giá chứng cứ để chứng minh tội phạm.

Trường hợp có căn cứ cho thấy đối tượng đã gian dối chiếm đoạt tài sản trị giá từ 500.000.000 đồng trở lên thì đối tượng sẽ phải đối mặt với khung hình phạt có mức cao nhất là 20 năm tù hoặc tù chung thân theo khoản 4, điều 174 Bộ luật Hình sự. Còn trường hợp thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản có sau khi nhận được tài sản thông qua một giao dịch dân sự hợp pháp thì lúc đó chỉ có thể xử lý về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản với hình phạt cao nhất tới 20 năm tù.

Thời gian qua không ít những vụ việc lừa đảo chiếm đoạt tài sản do đối tượng làm ăn thua lỗ, mất tiền trong các giao dịch tiền ảo. Bởi vậy những vụ án như thế này sẽ là bài học cho nhiều người khi muốn làm giàu một cách dễ dàng, không bằng trí tuệ và sức nào động của mình.

Xem thêm video: Bị bắt vì lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, Hòa thượng “dởm” khai gì?

Gia Đạt

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/xa-hoi/muc-xu-phat-doi-voi-co-gai-o-nghe-an-lua-dao-13-o-to-2015834.html