Mùi bánh thơm trên đảo quê hương

Khi trên đất liền đào, mai khoe sắc, lá dong, lạt giang ra phố ra chợ sẵn sàng cho những chiếc bánh chưng, bánh tét cổ truyền thì nơi ấy, trên quần đảo Trường Sa, mùi bánh chưng, bánh tét cũng thơm trong gió. Quân và dân Trường Sa cũng nô nức gói bánh, nấu bánh, cũng thức đêm cời lửa, thêm nước nồi bánh chưng, để mùi bánh thơm mang hương dân tộc, mang đảo xa về gần lại đất liền.

Quân và dân đảo Sinh Tồn gói bánh chưng

Quân và dân đảo Sinh Tồn gói bánh chưng

Không ồn ào, náo nhiệt, chợ búa tấp nập như đất liền nhưng Tết Trường Sa mang một phong vị rất đặc biệt. Những ngày giáp tết, các đảo luôn được đón nhận tình cảm của đất liền, với những món quà mang hương vị tết: Hoa Đà Lạt, lạt, lá dong rừng, những chú heo mập mạp, gạo nếp, đậu xanh… Riêng vật phẩm phục vụ cho quân và dân Trường Sa nấu nồi bánh chưng tết bao giờ cũng đủ đầy, nồng ấm.

Heo được thịt, pha từng tảng sạch sẽ, chọn miếng thịt vừa nạc vừa mỡ béo ngậy để làm nhân bánh. Đậu xanh đãi vỏ, ngâm kỹ cho vàng, cho đẹp. Lá dong được rửa sạch, cậu lính trẻ nâng niu từng gióng lá, cắt gọn gàng, không để bỏ phí dù lá to, lá nhỏ. Nhiều người lính cựu Trường Sa còn bảo, mang được tàu lá dong ra đến đây là quý lắm. Xưa, khi đất nước còn khó khăn, lá dong ra đảo là chuyện vô cùng hiếm. Thèm bánh chưng, lính lấy lá bàng vuông gói đỡ, cũng ra hình bánh chưng vuông trước cúng trời đất ông bà, sau cùng ăn để nhớ tết trong đất liền. Nay được cả nước quan tâm, lá dong ra Trường Sa không còn quá thiếu, quân và dân Trường Sa khi gói bánh vẫn thích lót kèm thêm một mặt lá bàng vuông bánh tẻ, lấy màu xanh đậm của lá đảo cho đẹp màu bánh.

Đảo lớn, đảo nhỏ, đảo nổi đảo chìm nào cũng gói bánh hết. Anh em quây quần cùng nhau, người khéo tay gói bánh, người phụ nhặt lạt, câu chuyện rôm rả với những kỷ niệm tết quê hương. Trường Sa là nơi tụ hội của chiến sỹ tới từ các các vùng Tổ quốc, từ núi rừng Tây Bắc tới đất mũi Cà Mau. Vậy nên câu chuyện cũng mang đầy hương sắc tết các vùng khắp đất nước. Nhất là ban đêm, khi vài chiến sỹ cùng thức trông nồi bánh, giống y phong tục đất liền, những câu chuyện càng thêm sôi nổi, giống y như những đêm thức canh bánh chưng ở bất cứ làng quê nào đó trên đất liền. Ở những đảo lớn, có dân cư sinh sống, đám trẻ vô cùng thích thú ngày gói bánh, nấu bánh. Đám trẻ cũng lăng xăng phụ người lớn để xin được gói những chiếc bánh chưng con, tét con, được vớt sớm hơn xách đi khoe với nhau, được ăn chiếc bánh bé do cha mẹ, do chú bộ đội gói tặng.

Chờ bánh rền, mở nồi vớt bánh, mùi thơm đặc trưng của bánh chưng thơm lừng đảo nhỏ. Mùi bánh quen thuộc với mỗi người dân Việt, thơm như ký ức trẻ thơ, như sự no ấm mỗi dịp tết đến, xuân về. Mâm cỗ tết ngoài đảo tuy không thể đa dạng món ăn, thức uống như đất liền nhưng không cũng thiếu hương, thiếu vị. Nhất là có khách tới thăm, lính đảo trổ hết tài nghệ chế biến món ăn mời khách, đúng phong tục ông bà. Cắt miếng bánh chưng dẻo, cắn miếng nhân béo, thơm, thấy ngon ngọt hương vị tiền nhân để lại cho con cháu.

Tết Trường Sa nay đã gần với tết đất liền. Và tấm bánh chưng, đòn bánh tét là biểu hiện rõ nhất của sự gần gũi ấy. Lính đảo cựu khi xưa, mấy chục anh em ở trên bông- tông (nhà trên xà lan) quanh năm suốt tháng không thấy khổ. Nhưng đến tết, nghĩ đến nồi bánh chưng cha gói, đến bếp lửa canh bánh suốt đêm, không ít lính trẻ ngẩn ngơ nhớ nhà. Nay đất nước phát triển, đời sống quân và dân Trường Sa không còn khó khăn, nồi bánh chưng là dấu chỉ đảo xa gần với đất liền, không xa, không cách trở. Cũng vàng sắc mai, thắm sắc đào, bánh chưng xanh và nén hương trầm trong gió, tết Trường Sa ngày càng ấm áp, thương yêu, gần gũi. Trường Sa, rất gần.

D.QUỲNH- C.THÀNH

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/xahoi/202102/mui-banh-thom-tren-dao-que-huong-3042670/