'Mũi giáp công' đầu tư công: Sẽ vô nghĩa nếu giải ngân còn chậm

Được xem là một trong 5 'mũi giáp công' cần đẩy mạnh nhằm phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid 19. Tuy nhiên, động lực tăng trưởng đến từ đầu tư công dường như vẫn dưới kỳ vọng...

Lũy kế giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng năm 2020 ước đạt hơn 269.000 tỷ đồng, dù cao so với cùng kỳ năm 2019 (đạt 49,13%) tuy nhiên vẫn không đạt được kỳ vọng của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.

Lũy kế giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng năm 2020 ước đạt hơn 269.000 tỷ đồng, dù cao so với cùng kỳ năm 2019 (đạt 49,13%) tuy nhiên vẫn không đạt được kỳ vọng của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.

Đại dịch Covid -19 bùng phát diễn biến nhanh, phức tạp và khó lường đã kéo theo nhiều hệ lụy nghiêm trọng chưa từng thấy đối với nền kinh tế các quốc gia trên thế giới, trong đó không ngoại trừ Việt Nam. Tốc độ tăng trưởng GDP Việt Nam 9 tháng năm 2020 đạt 2,1%, đây là mức thấp nhất ghi nhận trong suốt thập kỷ vừa qua.

Trong bối cảnh suy giảm đó, từ giữa năm, Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp đã nhấn mạnh phải tập trung vào 5 “mũi giáp công” để phục hồi nền kinh tế, bao gồm: Thu hút đầu tư từ các thành phần kinh tế trong nước, đẩy mạnh xuất khẩu, thúc đẩy đầu tư công, khuyến khích tiêu dùng nội địa và thu hút nguồn vốn FDI.

Với riêng đầu tư công, theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, lũy kế giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng năm 2020 ước đạt hơn 269.000 tỷ đồng, dù cao so với cùng kỳ năm 2019 (đạt 49,13%) tuy nhiên vẫn không đạt được kỳ vọng của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Ðến nay, có 8 bộ, ngành và 23 địa phương có tỷ lệ giải ngân ước đạt hơn 60%. Vẫn còn 29 bộ, ngành và 6 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 35%, trong đó, có 15 bộ, ngành và một địa phương mới giải ngân dưới 15% kế hoạch.

Đầu tư công ảnh hưởng rất lớn tới tăng trưởng kinh tế Việt Nam thông qua đầu tư vào kết cấu hạ tầng, đặc biệt trong bối cảnh Covid làm kinh tế tăng trưởng chậm lại. Vậy làm cách nào để trị dứt điểm "căn bệnh" trì trệ giải ngân vốn đầu tư công vốn đã kéo dài nhiều năm nay? VnEconomy đã trao đổi với chuyên gia nghiên cứu về đầu tư công của Việt Nam, ông Đinh Tuấn Minh, Thành viên Hội đồng sáng lập Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giải pháp thị trường cho các vấn đề kinh tế - xã hội, xung quanh vấn đề này.

BÀI TOÁNCON GÀ - QUẢ TRỨNG”

Ông đánh giá thế nào về tiến độ giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng đầu năm 2020? Giải ngân vốn đầu tư công đã làm tốt vai trò “mũi giáp công” mà Chính phủ kỳ vọng chưa?

Đến thời điểm hiện tại, tốc độ đầu tư công được giải ngân nhanh hơn so với cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên, cần lưu ý là bản thân mức giải ngân trong 9 tháng đầu năm 2019 cũng khá chậm.

Bởi vậy, kết quả thực hiện đầu tư công trong 9 tháng đầu năm 2020 chưa thực sự ấn tượng, và còn nhiều việc phải làm để cải thiện cả hiệu quả giải ngân và tác động đối với nền kinh tế.

Dường như chậm trễ giải ngân vốn đầu tư công đã trở thành một căn bệnh kinh niên nhiều năm của Việt Nam. Căn bệnh này do đâu?

Tình trạng đầu tư công giải ngân chậm nguyên nhân chính do các địa phương, sở ban ngành, cơ quan tham mưu cho các tỉnh trong nhiều năm gần đây cẩn trọng hơn. Các quy trình, pháp lý cũng chặt chẽ hơn. Gần đây nhiều quan chức vướng vòng lao lý liên quan đến tài sản nhà nước khiến nhiều người đứng đầu ở các cơ quan có tâm lý chần chừ, sợ sai, đẩy từ ban này sang ban khác, không ai dám làm, dám chịu trách nhiệm. Trong khi, dự án càng lớn, vốn nhiều thì quy trình giải ngân càng phức tạp.

Bản thân các doanh nghiệp cũng ngày càng không còn mặn mà vì để giải ngân vốn đầu tư công cần nhiều thủ tục pháp lý. Nếu không giải ngân đúng tiến độ, vốn doanh nghiệp đọng lại. Khi đó sẽ xảy ra tình trạng con gà quả trứng, các cơ quan quản lý nhà nước không tìm được nhà thầu tốt, có vốn lành mạnh, trình độ kỹ thuật đáp ứng tiêu chuẩn, tiêu chí quy định trong pháp luật đầu tư công để triển khai dự án. Khi tìm được nhà thầu lại ra đủ các quy định khiến họ nhìn vào thấy cũng nản, không muốn tham gia.

Covid -19 có tác động đến giải ngân vốn đầu tư công không?

Tình trạng của Covid -19 không ảnh hưởng gì đến giải ngân vốn đầu tư công. Việt Nam đã khống chế cơ bản thành công, các dự án đầu tư công đều chạy được. Covid-19 chủ yếu liên quan đến các lĩnh vực dịch vụ nhiều hơn là phát triển cơ sở hạ tầng. Thậm chí, Covid -19 còn được xem là cơ hội thúc bách đẩy giải ngân đầu tư công, chỉ có điều do nhiều nhiều nguyên nhân như đã nói ở trên dẫn đến giải ngân đầu tư công chậm.

Việc chậm giải ngân đầu tư công ảnh hưởng như thế nào đến quá trình tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh Covid - 19 khó khăn phủ kín toàn cầu?

Đầu tư công là một trụ cột thúc đẩy tổng cầu khi mà đầu tư tư nhân bị giảm do doanh nghiệp ngần ngại về triển vọng phát triển kinh tế, tiêu dùng giảm… Trong giai đoạn nền kinh tế suy giảm thì chi tiêu Chính phủ, đầu tư công đóng vai trò rất quan trọng để giúp phát triển kinh tế dài hạn, bù đắp lại phần đầu tư tư nhân bị giảm.

Việc giải ngân tốt đầu tư công không chỉ tác động đến nền kinh tế mà còn giúp thay đổi tư duy, thói quen sử dụng nguồn lực của Nhà nước một cách mạnh mẽ, trách nhiệm và hiệu quả hơn. Với địa phương, sử dụng hiệu quả nguồn vốn sẽ đem lại công ăn việc làm, chuyển biến hạ tầng… Do đó, khi giải ngân đầu tư công chậm thì ý nghĩa của việc thúc đẩy trong giai đoạn khó khăn sẽ không còn.

KHÂU NÀO CŨNG ÁCH TẮC

Thông thường, một dự án đầu tư công được giải ngân trải qua những quy trình như thế nào?

Quy trình để một dự án đầu tư công được thực hiện đến lúc giải ngân như sau: Đầu tiên phải có chủ trương về đầu tư, lập kế hoạch, phê duyệt dự án sau đó các cơ quan quản lý nhà nước xây dựng ra gói dự án để đấu thầu, kêu gọi các nhà đầu tư. Tiếp theo, lựa chọn được doanh nghiệp đạt được yêu cầu về cam kết vốn, năng lực, trúng thầu rồi triển khai. Cơ quan nhà nước nghiệm thu và giải ngân ngân sách.

Tuy nhiên, ngoại trừ chủ trương đầu tư thì tất cả các khâu khác đều có thể ách tắc. Khi anh thiết kế ra gói thầu cụ thể thì sẽ ách tắc ở cơ quan tham mưu của địa phương vì ông nào cũng muốn chặt chẽ nên đưa nhiều quy định, doanh nghiệp nhìn vào rất dễ nản.

Ở khâu triển khai, khi doanh nghiệp đầu tư thực tế, xây dựng cơ sở hạ tầng, liên quan đến các vấn đề giải phóng mặt bằng, gặp tranh chấp hay giải phóng mặt bằng không xong cũng bị dừng lại. Thông thường, khâu này sẽ mất nhiều thời gian nhất vì giải phóng mặt bằng một số dự án vướng nhiều quy trình thủ tục, nhiều luật khác nhau, đặc biệt Luật Đất đai và liên quan trực tiếp đến quyền lợi của người dân. Đến khâu nghiệm thu thì cũng có nhiều ban bệ nghiệm thu.

Tất cả quá trình đó làm kéo dài thời gian giải ngân. Tùy từng dự án mà thời gian giải ngân khác nhau, các quy trình đều xảy ra như vậy.

Ths Đinh Tuấn Minh: "Quan trọng hơn là trách nhiệm pháp lý của những người đứng đầu trong việc giải ngân vốn đầu tư công cần tường minh và đơn giản hơn. Tại nhiều địa phương, có những lãnh đạo đứng đầu rất quyết đoán, có thể họ không tư lợi cá nhân nhưng vướng cơ chế, ràng buộc quy định pháp lý khiến họ e ngại, sợ sai, không dám quyết định. Do đó, nên hướng dẫn hành lang pháp lý tốt hơn để người đứng đầu có thể làm được".

Quy trình này có còn phù hợp với tình hình thực tiễn của Việt Nam?

Nguyên nhân chính giải ngân vốn đầu tư công chậm không phải ở quy trình thủ tục phức tạp mà ở cơ chế chịu trách nhiệm của lãnh đạo, của địa phương cũng như sở ban ngành chưa được rõ ràng.

Tình trạng cán bộ cơ quan quản lý làm chậm, không giải được ngân, có khiến cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng cũng không sao. Về mặt trách nhiệm người đứng đầu gắn với vấn đề liên quan đến đầu tư công chưa thực sự được coi trọng.

Như vậy, trách nhiệm trong việc chậm giải ngân đầu tư công thuộc về ai?

Vẫn là trách nhiệm tập thể. Dù những năm gần đây Đảng và Chính phủ cố gắng quy trách nhiệm cá nhân cho người đứng đầu nhưng dường như chưa được thực sự mạnh mẽ rõ ràng, mọi thứ vẫn quyết định tập thể.

QUY TRÁCH NHIỆM ĐƠN GIẢN HƠN ĐỂ NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU DÁM LÀM

Theo ông, những tháng cuối năm 2020 và cả những năm sau nữa cần phải làm gì để đẩy nhanh được đầu tư công?

Theo tôi biết thì Thủ tướng đã có những biện pháp để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trong những tháng cuối năm như nửa tháng họp giao ban một lần, lập các đoàn kiểm tra trung ương do các Bộ trưởng trực tiếp chỉ đạo. Thậm chí, điều chuyển vốn ngay từ những địa phương, ngành không làm được sang các địa phương, đơn vị khác.

Tuy nhiên, vấn đề ở chỗ cắt thì đơn giản còn địa phương nào dám đứng ra nhận không lại là một chuyện khác, chưa chắc thúc đẩy giải ngân nhanh.

Thực ra, có một cái quan trọng hơn là trách nhiệm pháp lý của những người đứng đầu trong việc giải ngân vốn đầu tư công cần tường minh và đơn giản hơn. Tại nhiều địa phương, có những lãnh đạo đứng đầu rất quyết đoán, có thể họ không tư lợi cá nhân nhưng vướng cơ chế, ràng buộc quy định pháp lý khiến họ e ngại, sợ sai, không dám quyết định. Do đó, nên hướng dẫn hành lang pháp lý tốt hơn để người đứng đầu có thể làm được.

Ông dự báo tình hình giải ngân vốn đầu tư công cả năm nay thế nào?

Với tiến độ như hiện tại, nếu năm nay có thực sự quyết liệt thì kết quả giải ngân cũng chỉ được như năm ngoái, tức là rơi vào khoảng 80% kế hoạch chứ cũng không thể hơn được.

Để tác động tăng trưởng kinh tế bên cạnh đầu tư công cần phải tập trung vào nhiều giải pháp, các chính sách tiền tệ như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn và giảm lãi suất, giảm thuế kích thích doanh nghiệp phát triển. Các gói hỗ trợ như gói 62.000 tỷ đồng cho người dân gặp khó khăn, gói 180.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp chịu ảnh hưởng cần được đẩy mạnh hơn nữa. Theo tôi thấy hiện nay các gói hỗ trợ này vẫn còn chậm so với chủ trương Chính phủ.

Bên cạnh đó, tiếp tục cải cách, cắt giảm các thủ tục hành chính trở ngại để khu vực tư nhân mạnh dạn chi tiền đầu tư phát triển trong bối cảnh mới, lan tỏa đến các thành phần khác…

KIỀU LINH

Nguồn VnEconomy: http://vneconomy.vn/mui-giap-cong-dau-tu-cong-se-vo-nghia-neu-giai-ngan-con-cham-20201012094513198.htm