Mũi nhọn phòng, chống dịch bệnh
Thủ tướng Chính phủ vừa đồng ý với đề xuất của lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) về việc bổ sung thông điệp phòng, chống dịch Covid-19 trên toàn quốc từ '5K + vaccine' thành '5K + vaccine + công nghệ'. Đây được coi là giải pháp toàn diện, với phương châm phòng chống từ xa, từ sớm, từ trước khi có dịch.
Theo các chuyên gia, 5K (Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế) được xem là những biện pháp đầu tiên, chủ động của mỗi cá nhân để đảm bảo an toàn cho mình và cộng đồng. Vaccine chính là tấm khiên phòng vệ hữu hiệu, lâu dài. Với ứng dụng công nghệ được xem là cách tiếp cận mới, chủ động hơn trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 của Việt Nam, chuyển trạng thái phòng, chống dịch từ phòng ngự sang chủ động tấn công.
Bộ TT&TT khẳng định, Việt Nam đã hoàn chỉnh bộ giải pháp công nghệ phòng, chống dịch Covid-19, từ khâu nhập cảnh, xét nghiệm, truy vết, cách ly đến tiêm vaccine.
Thực tế, ngay từ thời điểm đầu diễn ra dịch Covid-19, Việt Nam đã chủ động phát triển giải pháp công nghệ hỗ trợ đắc lực công tác chống dịch như: Thực hiện khai báo y tế điện tử, cài đặt Bluezone, NCOVID qua các ứng dụng di động; hỗ trợ điều tra truy vết F0 theo số điện thoại; hoàn thành kết nối hệ thống Telehealth tới hơn 1.000 cơ sở y tế; hệ thống ghi nhận người đến, đi các địa điểm công cộng (quét mã QR); hệ thống bản đồ chống dịch an toàn Covid-19...
Với việc ứng dụng rộng rãi các công nghệ mới, chúng ta đã sớm phát hiện người nhiễm bệnh thông qua xét nghiệm chủ động, xét nghiệm sàng lọc. Công nghệ cũng giúp việc truy vết nhanh, chỉ vài giờ thay cho vài ngày. Việc phát hiện chính xác những người tiếp xúc gần bằng công nghệ sẽ giảm số F1, F2 phải cách ly xuống hàng chục lần...
Hiệu quả của các giải pháp công nghệ đã được kiểm chứng rõ rệt tại 2 điểm nóng Bắc Giang, Bắc Ninh khi tất cả người dân thực hiện khai báo y tế và trên 50% dân số cài đặt, sử dụng ứng dụng Bluezone, giúp các địa phương này thực hiện tốt chiến lược “phát hiện sớm, truy vết, cách ly, khoanh vùng dập dịch, điều trị hiệu quả”. Nhiều tỉnh, thành phố đã yêu cầu các cơ quan, cơ sở y tế, trường học, siêu thị, khách sạn, cơ sở lưu trú, quán ăn... thực hiện kiểm soát khách đến và đi hàng ngày thông qua mã QR, mang lại hiệu quả tích cực, ngăn chặn nguy cơ xâm nhập nguồn bệnh.
Đặc biệt, Viettel đã lắp đặt và kết nối tích hợp 3.000 camera giám sát tại các khu vực cách ly thuộc các tỉnh phía Bắc, trong đó, 1.000 camera lắp đặt tại 130 cơ sở cách ly của “tâm dịch” Bắc Giang. Việc lắp đặt hệ thống camera giám sát tại các cơ sở cách ly y tế tập trung trong toàn quốc sẽ hoàn thành trước ngày 12-6 theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19.
Liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ biên giới và phòng, chống dịch Covid-19, dự kiến sẽ lắp đặt 1.408 camera tại 987 vị trí trên tuyến biên giới đất liền và 5 hệ thống giám sát ven biển tích hợp camera giám sát thuộc các khu vực trọng điểm.
Nhiều chuyên gia cho rằng, việc sử dụng rộng rãi các công nghệ dù có một số bất tiện nhưng là cách phòng dịch tốt nhất hiện nay. Thật đáng mừng khi người dân đồng lòng sử dụng các ứng dụng công nghệ trong công tác phòng, chống dịch, cùng chung tay đẩy lùi dịch bệnh.
Dư luận ủng hộ chủ trương của Chính phủ giao Bộ Y tế và Bộ TT&TT quyết định một số công nghệ áp dụng bắt buộc phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19. Bởi, công nghệ không còn là biện pháp theo dõi, phòng vệ mà trở thành mũi tấn công trực diện hiệu quả, góp phần đẩy lùi dịch bệnh trong thời gian sớm nhất.
Mặt khác, các giải pháp công nghệ là “vũ khí” quan trọng, mang tính chiến lược không chỉ dành riêng cho cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, mà còn áp dụng hiệu quả đối với các dịch bệnh truyền nhiễm khác có thể xảy ra trong tương lai.
Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/mui-nhon-phong-chong-dich-benh-post440604.html