Mumbai - thành phố của những bức tranh tương phản
Mumbai, thành phố của những tòa cao ốc xa hoa, của các tỷ phú đứng đầu thế giới, nhưng cũng là nơi tồn tại khu ổ chuột lớn nhất toàn cầu.

Đại biểu dự Hội thảo Chuyển đổi số trong công nghiệp sáng tạo tại Mumbai, ngày 23/6. (Nguồn: TGCC)
Nếu từng xem bộ phim Triệu phú ổ chuột (Slumdog Millionaire), hẳn bạn sẽ nhớ tới những hình ảnh vừa hào nhoáng vừa khốc liệt của Mumbai, siêu đô thị sôi động bậc nhất Ấn Độ. Thành phố của những tòa cao ốc xa hoa, của các tỷ phú đứng đầu thế giới, nhưng cũng là nơi tồn tại khu ổ chuột lớn nhất toàn cầu. Mumbai là kinh đô điện ảnh Bollywood trứ danh, đồng thời là nơi cư trú của hơn 22 triệu dân giữa những sắc thái văn hóa đan xen.
Mumbai, trước đây mang tên Bombay, nghĩa là “vùng vịnh lớn”, nằm trên bờ biển Arab, Tây Nam Ấn Độ. Vào thế kỷ 16, nơi đây từng là thuộc địa của Bồ Đào Nha, rồi trở thành quà hồi môn của công chúa Bồ Đào Nha khi kết hôn với hoàng tử Anh quốc vào thế kỷ 17. Dưới thời thuộc địa Anh, Bombay trở thành trung tâm hành chính của chính quyền đô hộ. Sau khi Ấn Độ giành độc lập năm 1947, mãi đến năm 1995, thành phố mới chính thức đổi tên thành Mumbai, mang ý nghĩa “vùng đất của Nữ thần Mẹ” trong văn hóa bản địa. Dấu ấn thực dân vẫn còn hiện hữu qua nhiều công trình kiến trúc kiểu Anh, với những tháp đồng hồ mô phỏng Big Ben nổi bật giữa hàng dừa nhiệt đới.

Một khu trưng bày bên trong tháp đồng hồ thuộc khuôn viên Đại học Mumbai. (Nguồn: TGCC)
Mumbai là kinh đô của giới tỷ phú. Theo thống kê năm 2025 của Forbes, hai tỷ phú người Ấn Độ, Mukesh Ambani (tổng tài sản 92,5 tỷ USD, giàu thứ 18 thế giới) và Gautam Adani (56,3 tỷ USD, thứ 28), đều sinh sống và đầu tư tại Mumbai. Đây cũng là trụ sở chính của Tata Group, tập đoàn đầu tư đa ngành nổi tiếng Ấn Độ. Gia đình ông Donald Trump cũng đầu tư bất động sản tại Mumbai từ trước khi ông trở thành Tổng thống Mỹ.
Giới siêu giàu Mumbai không chỉ sở hữu những cao ốc dát vàng nhìn ra vịnh, mà còn xây dựng cả quảng trường, trung tâm văn hóa và thể thao riêng. Quảng trường Ambani và trung tâm văn hóa mang tên hai vợ chồng tỷ phú Nita Mukesh Ambani, tọa lạc ngay cạnh trung tâm thương mại Jio, là những biểu tượng xa hoa của Mumbai. Khu phức hợp Bandra Kurla, với các khách sạn 5 sao và trụ sở báo chí, là điểm đến nổi bật thể hiện đẳng cấp của giới tài phiệt Mumbai.
Thế nhưng, đi về phía nam thành phố, làng giặt Dhobi Ghat gần nhà ga Mahalaxmi lại hiện ra với hình ảnh quen thuộc được lấy làm bối cảnh quay phim Triệu phú ổ chuột. Làng này có hàng trăm lao động ngày ngày giặt tay, phơi khô và là quần áo cho người dân thành phố, với mức giá chỉ chưa đến 1 USD cho 5 bộ quần áo. Những bể giặt khổng lồ, ngập tràn nước xà phòng, trở thành máy giặt cộng đồng cho những khu dân cư nghèo không đủ điều kiện sống tối thiểu, thiếu nước, thiếu máy giặt, thiếu không gian để phơi khô áo quần.

Nhà tưởng niệm và thư viện Gandhi ở Mumbai là một địa điểm thu hút khách du lịch. (Nguồn: TGCC)
Khoảng cách giàu nghèo hiện diện rõ ngay cả trong thói quen tiêu dùng. Người giàu gửi con vào học nội trú tại đại học Mumbai, người bình dân chọn đại học Windsor. Siêu thị Freshpik phục vụ giới thượng lưu với hàng hóa cao cấp, trong khi Dmart là lựa chọn của người lao động với những gói hàng giá rẻ. Thậm chí, như gói bánh Parle-Gold trong siêu thị bình dân Dmart phải in thêm chú thích “bên trong bánh không chứa vàng” trên vỏ hộp để tránh hiểu lầm do thị hiếu đặc trưng của người Ấn Độ là rất ưa chuộng vàng.
Mumbai còn là cái nôi của những tư tưởng định hình Ấn Độ đương đại. Nơi đây, vị cha già dân tộc Ấn Độ Mahatma Gandhi từng sống và làm việc trong 17 năm sau khi ông từ nước ngoài trở về và khởi xướng triết lý bất bạo động và tự cường, làm nền tảng của phong trào giành độc lập Ấn Độ. Mani Bhavan, ngôi nhà cũ của Gandhi tại Mumbai, ngày nay là địa chỉ thu hút du khách, từng đón các nhà lãnh đạo thế giới như Martin Luther King và Barack Obama tới thăm.
Nhưng Mumbai cũng mang những ký ức đau thương. Vụ khủng bố năm 2008, bắt đầu từ khách sạn Taj Mahal Palace lan xuống đường phố Mumbai đã làm rúng động thế giới khi cướp đi sinh mạng hàng trăm người.

Đường ven biển Marine Drive nhìn ra biển Arab ở Mumbai. (Nguồn: TGCC)
Mumbai cũng nổi tiếng vì những phim trường hoành tráng trong thành phố làm phim (film city). Trong cuộc đại cách mạng chuyển đổi số, nền điện ảnh Bollywood của Mumbai không tránh khỏi làn sóng chuyển dịch từ sử dụng lao động sang ứng dụng khoa học, kỹ thuật trong công nghiệp sáng tạo. Những công ty phim ở Mumbai đang thử nghiệm dùng trí tuệ nhân tạo (AI) hoàn toàn để làm ra sản phẩm phim điện ảnh, phim quảng cáo, đồ họa trò chơi trực tuyến.
Quản lý Mumbai, một siêu đô thị đông dân, giàu truyền thống văn hóa nhưng cũng còn nhiều bất bình đẳng, là thách thức không nhỏ với chính quyền bang Maharashtra. Từ chính sách bảo vệ tài sản giới siêu giàu đến an sinh xã hội cho người lao động, Mumbai đang trên hành trình trở thành trung tâm toàn cầu về kinh tế, là nơi hội tụ của đổi mới sáng tạo và những cơ hội phát triển cho mọi giai tầng xã hội.
Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/mumbai-thanh-pho-cua-nhung-buc-tranh-tuong-phan-321257.html