Mùng ba Tết thầy dưới góc nhìn của Gen Z
Ba ngày Tết được định nghĩa dành riêng cho ba người rất đặc biệt đối với bất kỳ một người Việt Nam nào. Nhưng với thế hệ Gen Z, dường như bức chân dung về 'Tết Thầy' đang dần có tính thực tế hơn.
Mùng một Tết cha, mùng hai Tết mẹ và mùng ba Tết thầy
Không biết từ bao giờ, quan niệm: "Mùng một Tết cha, mùng hai Tết mẹ, mùng ba Tết thầy", đã trở thành một trong ba việc quan trọng nhất trong cuộc đời mỗi người dịp đầu năm.
Đối với người Việt Nam, sự sắp xếp đó hàm ý tính thứ tự về tầm quan trọng của ba người này đối với mỗi chúng ta. Sau cha và mẹ, thầy là người quan trọng thứ ba.
Trong khi cha, mẹ sinh ra, nuôi dưỡng và cho chúng ta cuộc sống làm người trong cõi nhân sinh này, thầy chính là người dạy những con chữ, khai sáng và giúp chúng ta có kiến thức.
Thầy cũng giúp mỗi người nhận biết giới hạn nơi chính mình, từ đó nhắc chúng ta sống biết ơn, khiêm nhường, có trách nhiệm hơn đối với đời sống và biết hoàn thiện bản thân.
Nói về công ơn của thầy, như J.A. Comenxki đã từng phát biểu: "Dưới ánh mặt trời, không có nghề nào cao quý hơn nghề dạy học".
Từ ngàn xưa, người Việt Nam đã được dạy và thấm nhuần một triết lý đạo đức rằng: "Không thầy, đố mày làm nên", với hàm ý rằng, chúng ta sẽ chẳng thể làm gì được có ích cho cuộc đời, nếu chúng ta không có người thầy đồng hành, dạy dỗ và dẫn đường.
Đúng hơn, bất kỳ thành tựu nào chúng ta đạt được trong cuộc đời này đều xuất phát từ người thầy. Vì thế, thầy xứng đáng được tôn vinh và biết ơn. Chính vì lẽ đó, người Việt Nam dành trọn ngày mùng ba để "Tết thầy".
Vào ngày này, theo truyền thống, người Việt Nam đến thăm và chúc Tết thầy để bày tỏ lòng "tôn sự, trọng đạo" của mình. "Tôn sư" chính là đạo làm người và muốn "trọng đạo", phải biết "tôn sư".
Tết thầy vừa thể hiện sự hiếu đạo của người học trò và vừa là lẽ sống nhân bản của người Việt Nam. Đến thăm thầy ngày mùng ba Tết không phải là một nghi lễ mang tính hình thức, đó còn là đạo lý của mỗi người.
Trong khi ý niệm về ngày mùng 1 và mùng 2 Tết, vẫn còn giữ được tính nguyên vẹn và ý nghĩa của nó nhưng ý niệm về ngày mùng ba Tết dường như đang phai nhạt dần với thời gian.
Điều này có thể được nhận thấy ở thế hệ Gen Z, thế hệ được sinh ra trong khoảng thời gian 1997-2012. Đây là giai đoạn chúng ta chứng kiến những thành tựu kinh tế và xã hội vượt bậc của Việt Nam.
Giai đoạn này cũng đánh dấu sự hội nhập quốc tế sâu, rộng của đất nước. Vào giai đoạn này, thế hệ Gen Z cũng chứng kiến và bị tác động mạnh mẽ bởi làn sóng du nhập ồ ạt của những giá trị văn hóa và lối sống phương tây dưới tác động của quá trình toàn cầu hóa.
Chính vì thế, những giá trị văn hóa và lối sống này chủ yếu đề cao tính tự trị của mỗi cá nhân hơn tính tập thể.
Những giá trị và lối sống đó cũng đề cao kết nối xã hội và quyền tự quyết định hơn là cổ vũ cho những giá trị truyền thống được gìn giữ như ở những thế hệ trước đó như Gen Y, Gen X...
"Tết thầy" dưới góc nhìn của Gen Z
Thế hệ Gen Z được sinh ra, lớn lên và giáo dục trong một bối cảnh xã hội cụ thể và đặc biệt như vậy, việc họ bị tác động bởi những giá trị văn hóa đó cũng là điều dễ hiểu.
Tết được thế hệ Gen Z cảm nhận như một lễ hội hơn là điều gì đó có tính thiêng liêng và đặc biệt của một dân tộc. Bức chân dung về người thầy được tạo thành bởi những hình dung và tư duy có tính thực tế nhiều hơn.
Không nhất thiết phủ nhận vai trò của người thầy trong việc dạy dỗ, truyền đạt kiến thức và khai phóng bản thân, nhưng đối với thế hệ Gen Z, vai trò đó cũng không nhất thiết hay nên được diễn giải theo mối quan hệ của ơn nghĩa. Việc thầy dạy dỗ trò cũng được nhiều bạn trẻ coi là công việc bình thường như bao công việc khác trong xã hội.
Đối với thế hệ này, dường như Tết chỉ còn lại mùng 1 và 2. Điều này càng đúng đối với người Việt Nam sống ở nước ngoài, nơi ý niệm và truyền thống Tết thầy không tồn tại, hay thậm chí được coi như một dịch vụ thương mại.
Mối quan hệ thầy - trò, do đó, cũng không có gì quá đặc biệt. Ngày mùng ba Tết, người ta dần ít đến thăm thầy. Thay vào đó, các bạn trẻ có thể nhanh chóng gửi tin nhắn chúc mừng qua nhiều phương tiện liên lạc.
Là người từng có nhiều năm học tập và giảng dạy ở Úc châu, tôi cảm nhận khá rõ về sự khác biệt của ngày Tết và hồn cốt làm nên ngày Tết ở nước bạn.
Ở đó, người ta không xúng xính và rộn ràng với việc chuẩn bị cho Tết như ở quê nhà.
Đặc biệt với sinh viên hay nghiên cứu sinh cũng không có "Tết thầy" vào ngày mùng ba Tết Nguyên đán theo truyền thống người Việt.
Ngày mồng ba "Tết Thầy" nữa đã đến, đây chính là dịp để những học trò hội ngộ, ôn cố tri tân.
Có thể thấy truyền thống tổ chức và đón Tết của người Việt Nam trên khắp năm châu vẫn được duy trì.
Tuy nhiên, ở khía cạnh hẹp hơn, dường như ý nghĩa và tính thiêng liêng của ba ngày Tết đang có những thay đổi.
Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/mung-ba-tet-thay-duoi-goc-nhin-cua-gen-z-172230124080152304.htm