Mừng chiến thắng của ông Joe Biden: Bắc Kinh thận trọng
Trong chiều ngày 13/11, lãnh đạo Trung Quốc đã gửi lời chúc mừng tới ông Joe Biden khi đắc cử Tổng thống Mỹ, một tuần sau khi ứng viên đảng Dân chủ tuyên bố ông đã có đủ số phiếu đại cử tri để đặt chân vào Nhà Trắng.
Chậm là do ông Trump chưa tuyên bố nhận thua
“Chúng tôi tôn trọng sự lựa chọn của người dân Mỹ, và muốn bày tỏ lời chúc mừng của chúng tôi tới ông Biden và bà Harris” - phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân phát biểu tại cuộc họp báo tổ chức hôm thứ Sáu, nhắc tới cả Phó Tổng thống đắc cử Kamala Harris.
Tuy nhiên, ông Uông nói rằng Trung Quốc hiểu rõ kết quả bầu cử sẽ được xác nhận chính thức theo các quy trình phù hợp với luật pháp của nước Mỹ.
Cũng cần nhắc lại, sau khi ông Biden tuyên bố chiến thắng vào hôm thứ Bảy tuần trước, các nhà lãnh đạo ở nhiều nước châu Âu, trong đó có Thủ tướng Đức Angela Merkel và Thủ tướng Anh Boris Johnson, nằm trong số những người đã gửi lời chúc mừng tới ông.
Tuy nhiên, phía Trung Quốc lúc đó vẫn chưa đưa ra một thông điệp nào, điều này làm dấy lên ngờ vực rằng Bắc Kinh đang chờ đợi cho đến khi kết quả bầu cử được xác nhận chính thức để không tỏ ra thiên vị một bên nào hoặc chịu rủi ro bị kéo vào chính trị trong nước Mỹ trong bối cảnh căng thẳng với Washington.
Ông Lu Xiang - một chuyên gia nghiên cứu Mỹ thuộc Học viện Khoa học xã hội Trung Quốc, nói rằng chính quyền Bắc Kinh có thể đã quyết định gửi lời chúc mừng ông Biden sau khi giới truyền thông Mỹ gọi tên ông là người chiến thắng ở bang Arizona, vốn là một bang “thành trì” của đảng Cộng hòa.
“Trung Quốc đã gửi lời chúc mừng người giành được lợi thế nhưng cũng hiểu rõ rằng phía còn lại chưa tuyên bố nhận thua” - ông Lu nói. “Thời điểm mà họ đưa ra thông điệp này có thể là do giới truyền thông Mỹ vừa nêu tên ông Biden giành chiến thắng ở bang Arizona”.
Trước đó, Mỹ và Trung Quốc đã có động thái mới nhằm giảm thang căng thẳng, khi các lực lượng vũ trang của hai nước khởi động 3 ngày thảo luận chung về kiểm soát, ngăn chặn đại dịch Covid-19, viện trợ nhân đạo và ngăn chặn thảm họa.
Các nhà quan sát ngoại giao cho rằng các vòng đàm phán này - cuộc trao đổi thường lệ lần thứ 16 được tổ chức giữa quân đội hai nước - có thể giúp giảm nguy cơ xảy ra cuộc xung đột lớn giữa hai quốc gia, sau hàng loạt những thay đổi nhân sự bên trong Lầu Năm Góc giai đoạn hậu bầu cử Tổng thống Mỹ.
Thêm chiến thắng cho ông Biden
Việc Trung Quốc gửi lời chúc mừng chiến thắng tới ông Biden xuất hiện ngay sau khi các hãng truyền thông lớn của Mỹ nêu tên ông Biden là người thắng cuộc ở bang Arizona, bang có 11 phiếu đại cử tri, giúp ông củng cố thêm thế chiến thắng của mình.
Đây là lần thứ hai trong hơn 7 thập kỷ, một ứng viên Dân chủ giành được chiến thắng ở bang Arizona trong kỳ bầu cử Tổng thống, sự chuyển biến lớn đối với một bang được coi là “thành trì” của đảng Cộng hòa.
Theo đó, Hãng CNN dự báo Tổng thống đắc cử Joe Biden giành chiến thắng ở Arizona, đánh bại đương kim Tổng thống Donald Trump. 3 chuyển biến ở bang này đã giúp đảng Dân chủ trong kỳ bầu cử năm nay là: Dân số người gốc Latin tăng dần có xu hướng ủng hộ đảng Dân chủ, làn sóng cử tri từ các bang tự do hơn như California và Illinois di chuyển tới Arizona, và sự vỡ mộng của các cử tri vùng ven đô đối với Tổng thống đảng Cộng hòa.
Chiến thắng của đảng Dân chủ - được tuyên bố nhiều ngày sau khi các hãng truyền thông lớn của Mỹ nêu tên người chiến thắng là Biden - là nhờ kết quả ở hạt Maricopa, nơi có thành phố Phoenix và chiếm gần 60% dân số toàn bang Arizona. Maricopa là hạt phát triển nhanh nhất nước Mỹ trong vòng 2 thập kỷ qua.
“Hạt Maricopa đã đã giúp Mark Kelly và Joe Biden giành được bang Arizona” - Steven Slugocki, Chủ tịch đảng Dân chủ tại Hạt Maricopa nói. “Ở Maricopa, chúng tôi cam kết dành mọi nguồn lực để tiếp xúc với tất cả cử tri thuộc mọi sắc tộc, phụ nữ, những nhóm người ít được quan tâm ở toàn bang. Chiến lược của chúng tôi đã có hiệu quả”.
Arizona từng được xem là bang “đỏ” đáng tin cậy, theo một nghiên cứu công bố năm 2014 do Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) và ĐH California - Los Angeles thực hiện. Trong khi Phoenix được xem là “thành phố bảo thủ nhất của nước Mỹ”. Nhưng trong thập kỷ sau đó, thành phố này ngày càng trở nên đa dạng về chính trị hơn.
Một lý do quan trọng khác là nhiều người ở các bang “xanh” khác đang đổ đến khu vực này sinh sống. Arizona đang chuyển dịch cũng là do những cử tri ủng hộ đảng Cộng hòa đã chán ngán với phong cách lãnh đạo của ông Trump nên chuyển sang bỏ phiếu cho ông Biden.
Một nguyên nhân khác mà đảng Dân chủ tin chắc họ sẽ đủ sức cạnh tranh ở Arizona chính là đại dịch Covid-19. Dịch bệnh đã làm đảo lộn bang này trong suốt mùa Hè năm nay, do quyết định của chính quyền bang không gia hạn chỉ thị ở tại nhà khi nó hết hạn vào tháng 5.
Sau khi ông Joe Biden tuyên bố chiến thắng vào hôm thứ Bảy tuần trước, các nhà lãnh đạo ở nhiều nước châu Âu, trong đó có Thủ tướng Đức Angela Merkel và Thủ tướng Anh Boris Johnson đã lập tức gửi lời chúc mừng. Trong khi lãnh đạo Trung Quốc “đã gửi lời chúc mừng người giành được lợi thế nhưng cũng hiểu rõ rằng phía còn lại chưa tuyên bố nhận thua”.