Mừng lễ Đôn-ta, ghé chùa Rô xem hội đua bò
Đua bò chùa Rô là một nét văn hóa độc đáo và ý nghĩa của đồng bào Khmer ở thị xã Tịnh Biên, tỉnh An Giang. Năm nay, lễ hội thường niên quy tụ 26 đôi bò thi đấu vào ngày 24/9, hứa hẹn nhiều điều thú vị.
Được sự chấp thuận của Ủy ban nhân dân thị xã Tịnh Biên và Ủy ban nhân dân xã An Cư (huyện Tri Tôn), sư cả chùa Rô – Thượng tọa Chau Sóc Khonl tổ chức Hội đua bò chùa Rô lần thứ 9 – Mừng Sen Dolta năm 2023. Năm nay, hội đua bò được tổ chức vào sáng ngày 24/9, từ 7-11 giờ, riêng buổi chiều từ 14-17 giờ sẽ diễn ra Hội cấy mạ chùa Rô mừng Sen Dolta.
Theo chia sẻ của ban tổ chức, Hội đua bò chùa Rô lần thứ 9 quy tụ 26 đôi bò thi đấu, được tuyển chọn từ khắp các xã thuộc thị xã Tịnh Biên và huyện Tri Tôn về tham dự. Các đôi bò sẽ thi đấu theo thể thức bốc thăm đấu loại trực tiếp theo quy định của Hội đua bò Bảy Núi. Tổng trị giá giải thưởng hội đua lên tới 26 triệu đồng, bao gồm 1 giải Nhất, 1 giải Nhì, 1 giải Ba, 1 giải Tư và 4 giải Khuyến khích. Ngoài ra, các đôi bò tham dự còn được bồi dưỡng thêm 300.000 đồng và các quà tặng kèm như áo thun, khăn rằn.
Song song với các hoạt động mừng Hội đua bò chùa Rô lần thứ 9, ban tổ chức hội đua còn tổ chức cuộc thi ảnh nhanh Marathon. Cuộc thi sẽ tạo sân chơi, cơ hội cho các nhiếp ảnh gia từ khắp nơi về dự đua bò sáng tác những bức ảnh đẹp, những khoảnh khác độc đáo về hội đua bò tại chùa Rô năm nay, qua đó góp phần quảng bá, tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer sinh sống tại thị xã Tịnh Biên, tỉnh An Giang. Thời gian gửi tác phẩm dự thi được tính từ lúc 11-12 giờ 30, ngày 24/9.
Đua bò là lễ hội truyền thống của đồng bào Khmer An Giang để mừng lễ Sen Dolta (còn gọi là lễ Đôn-ta hay lễ cúng ông bà). Đây là một trong ba dịp Tết cổ truyền của người Khmer. Chùa Rô là một nơi hiếm hoi còn giữ đúng những phong tục truyền thống độc đáo này. Hội đua bò chùa Rô đã được chính quyền địa phương cho phép hoạt động, tính đến nay đã trải qua 8 lần tổ chức.
Không ai biết đồng bào Khmer có tục đua bò từ khi nào. Tương truyền, khi xưa, các đôi bò trong phum sóc đều kéo đến cày bừa cho đất của chùa. Sau những buổi như vậy, các chủ bò lại rủ nhau chạy thi cho vui. Dần dà, các sư trụ trì đứng ra tổ chức thành cuộc đua, từ đó, đua bò trở thành tập quán của người Khmer ở vùng đất Bảy Núi trong dịp lễ Sen Dolta hằng năm, như một hành động cảm tạ thiên nhiên, vật nuôi đã góp phần làm nên vụ mùa bội thu, cuộc sống ấm no, sung túc.
Từ lúc bắt đầu cho đến khi kết thúc, không khí xung quanh trường đua lúc nào cũng tưng bừng, náo nhiệt bởi tiếng vỗ tay, hò reo, tiếng hét của chủ bò nhằm thúc bò bứt phá tốc độ để về đích, tiếng trẻ con chơi đùa sau khoảnh ruộng hay cả tiếng hát của những người phụ nữ nhổ mạ cấy lúa.
Khi bắt đầu cuộc đua, người điều khiển bò cầm roi hoặc khúc gỗ tròn, dài chừng 1m có tra đinh nhọn ở đầu. Lúc cần thúc bò đi nhanh thì họ dùng cây gậy này chích mạnh vào mông bò, bò bị đau sẽ phóng nhanh về phía trước, người điều khiển phải rất khéo léo để giữ cương chắc khi bò bứt tốc để không bị ngã về phía sau.
Người dân ở đây luôn tự hào nếu đội của phum sóc mình giành giải cao trong lễ hội đua bò, vì họ quan niệm nếu chiến thắng thì mùa màng sẽ bội thu. Đồng bào Khmer cũng sẽ không giết thịt đôi bò thắng cuộc mà sẽ giữ và chăm sóc như một tài sản của gia đình và phum sóc.
Hải An - Nguyễn Bảo