Mừng nhất là người lao động ở lại với công ty!

Trong thời kỳ dịch bệnh, mục tiêu của chúng tôi là mình và khách hàng truyền thống cùng sống sót.

Nam Việt có lẽ là một trong không nhiều doanh nghiệp ít chịu tác động bởi tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng. Các chỉ tiêu kinh doanh quan trọng đều vượt so với kế hoạch, dù khó khăn là không tránh khỏi.

Ông Trần Đinh Việt Hưng

Ông Trần Đinh Việt Hưng

Ngoài một doanh nghiệp FDI ở trong nước, các nhà cung ứng còn lại của Nam Việt đều ở nước ngoài, rải rác ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và châu Âu. Nếu nhập khẩu, nguyên liệu về đến nhà máy khá chậm, thường cần 3 - 4 tháng kể từ khi đặt hàng.

Đây là quy trình đã được Nam Việt áp dụng nhiều năm. Dịch bệnh bất định đòi hỏi nghiên cứu, đánh giá, dự báo thị trường thận trọng hơn. Nhập nguyên liệu quá nhiều thì chi phí lãi vay nhiều, tăng chi phí trong trường hợp nhà máy bị tạm dừng hoạt động do F0. Nhập quá ít, chuỗi cung ứng đứt gãy, không đủ nguyên liệu để sản xuất.

Đây là bài toán cân não. Ở khâu đầu vào, Nam Việt chấp nhận đặt nguyên liệu nhiều hơn nhưng chia thành nhiều đơn hàng, dự phòng trường hợp đơn hàng bị rớt.

Ở đầu ra, Nam Việt thay đổi chiến lược đáng kể. Trước dịch, doanh nghiệp nhận đơn hàng có phần đại trà, khuyến khích bộ phận kinh doanh bán hàng theo định hướng tăng doanh số. Dịch bùng phát, ngay cả với những khách hàng thân thiết, Nam Việt vẫn nỗ lực “chắt chiu”, đảm bảo đầu ra không quá nhiều và cũng không tập trung vào một khách hàng cụ thể do nguyên vật liệu khan hiếm.

Nhận dạng xu hướng thị trường cũng dịch chuyển sang hàng thiết yếu, doanh nghiệp giảm nhập khẩu các đơn hàng hóa chất tiêu dùng không trọng điểm, tập trung cho nguyên vật liệu chính là thép mạ thiếc. Có thể linh hoạt điều tiết sản xuất là bởi chiến lược đa dạng hóa mặt hàng, không bỏ hết trứng vào một giỏ mà người sáng lập (ông Trần Võ Hoan, cha của Việt Hưng - NV) vạch ra từ khi thành lập doanh nghiệp này.

Đầu vào chiếm tỷ trọng rất lớn trong cơ cấu chi phí, đặc biệt là nhà máy ở Long Thành, Đồng Nai. Dây chuyền sản xuất tự động hóa cao tiết giảm chi phí lao động, là cơ sở để doanh nghiệp chăm lo cho nguồn nhân lực khi mà các chỉ tiêu kinh doanh đều vượt xa kế hoạch.

Kết thúc giai đoạn ba tại chỗ, thị trường lao động cạnh tranh khốc liệt nhưng gần như toàn bộ người lao động đều ở lại với Nam Việt. Dù biết thu nhập, phúc lợi của người lao động được đảm bảo, thậm chí nhiều trường hợp có phần cải thiện, cũng khó thể so sánh với lời đề nghị hấp dẫn từ những công ty đa quốc gia đang rất cần thu hút lao động. Chất keo gắn kết anh chị em với công ty có lẽ là nhờ chính sách quan tâm, chăm lo cho người lao động mà người sáng lập đã bền bỉ gầy dựng suốt hai thập niên qua.

Thượng Tùng thực hiện

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/mung-nhat-la-nguoi-lao-dong-o-lai-voi-cong-ty-33041.html