Mừng thọ - Nét đẹp văn hóa truyền thống
Thành thông lệ, hằng năm, mỗi dịp tết đến, xuân về, các địa phương tổ chức lễ mừng thọ, chúc thọ những người từ 70 tuổi trở lên. Đây là nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc, cũng là dịp để các thành viên trong gia đình sum họp, chúc thọ ông bà, cha mẹ.
Tết này, cụ Quàng Thị Ánh, tổ 10, phường Chiềng Sinh, Thành phố, bước sang tuổi 103. Với cụ Ánh, mong nhất ngày tết để gặp mặt đông đủ các con, cháu, chắt. Một năm bận rộn, mỗi người một công việc, chỉ có dịp tết mới có thời gian quây quần, đông đủ bên nhau. Năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nên giáp tết, đại diện Hội Người cao tuổi phường Chiềng Sinh và tổ dân phố nơi cụ Ánh sinh sống đã đến tận nhà chúc mừng và trao quà mừng thọ cho cụ.
Chị Quàng Thị Họp, con gái của cụ Ánh, chia sẻ: Sau những tháng ngày bận rộn, tết đến con cháu mới được quây quần bên cụ. Bên mâm cơm gia đình, chúng tôi được nghe bà cụ kể chuyện về những cái tết xa xưa, để chúng tôi phần nào hiểu được những khó khăn, vất vả mà ông bà, cha mẹ đã trải qua, lấy đó làm động lực để phấn đấu lao động, học tập cho cuộc sống hiện tại.
Tết Nhâm Dần thật ý nghĩa với gia đình ông Lò Văn So, bản Pá Uôn, xã Mường Giàng, huyện Quỳnh Nhai, khi người cha của ông là cụ Lò Văn Thi năm nay tròn 100 tuổi. Các con, cháu của cụ Thi thống nhất ngày sum họp đại gia đình để tổ chức mừng thọ cụ, Sum vầy bên mâm cơm đầm ấm, con cái, cháu chắt phấn khởi kể cho cụ nghe thành quả lao động, học tập trong một năm vừa qua, nói về những kế hoạch, dự định trong năm tới. Cụ Thi phấn khởi khoe: Vợ chồng tôi sinh được 8 người con, đến nay, đại gia đình tôi có đến 70 người tất cả. Bình thường, các con cháu ở xa cũng thường gọi điện cho tôi để hỏi thăm sức khỏe, nhưng chẳng gì bằng gặp gỡ, được nhìn thấy các con, các cháu. Tuổi cao như tôi, con cái, cháu chắt sum vầy là hạnh phúc rồi.
Ông Lò Văn So, con trai út của cụ Thi, chia sẻ: Những người sống đến 100 tuổi như bố tôi không nhiều, đây cũng là niềm tự hào của gia đình. Lẽ ra, tôi sẽ mời khách dự lễ mừng thọ, nhưng do dịch Covid-19 nên chỉ tổ chức nội bộ gia đình để bảo đảm sức khỏe cho các thành viên, nhất là bố tôi tuổi đã cao, sức đã yếu.
Lễ mừng thọ cho người cao tuổi thường được tổ chức vào những ngày đầu năm mới của Tết Nguyên đán tại nhà văn hóa các xã, phường, thị trấn. Các cụ được tổ chức mừng thọ mặc áo dài đỏ ra dự lễ, nhận lời chúc sức khỏe, trường thọ của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể. Sau lễ mừng thọ chung, các con, cháu về tổ chức mừng thọ tại gia đình cho ông bà, bố mẹ.
Ông Lò Mai Kiên, Trưởng Ban đại diện Hội người cao tuổi tỉnh, cho biết: Hiện, toàn tỉnh có trên 100 nghìn người cao tuổi. Dịp tết này, các huyện, thành phố chúc thọ, mừng thọ cho trên 10.700 cụ từ 70 tuổi đến trên 100 tuổi. Năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nên các địa phương không tổ chức lễ mừng thọ cho các cụ tại nhà văn hóa xã như các năm trước đây, mà đến tận nhà trao giấy chứng nhận và quà cho người cao tuổi. Mặc dù tổ chức gọn nhẹ, nhưng nét đẹp mừng thọ, chúc thọ vẫn vẹn nguyên giá trị. Đây là hoạt động quan tâm, chăm lo người cao tuổi của chính quyền địa phương, cũng là dịp để các con, cháu bày tỏ sự hiếu thảo, kính trọng ông bà, cha mẹ.
Mừng thọ đầu xuân, tô thắm truyền thống đạo lý nhân văn của dân tộc, thể hiện sự tôn trọng của xã hội với người cao tuổi, tấm lòng hiếu thảo của con, cháu với ông bà, cha mẹ, giáo dục truyền thống "kính lão, trọng thọ". Qua đó, khẳng định vai trò, vị thế của người cao tuổi đối với gia đình và xã hội, đồng thời, thể hiện sự trân trọng kho kinh nghiệm sống quý báu của người cao tuổi.
Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/mung-tho--net-dep-van-hoa-truyen-thong-47765