Mừng tuổi mẹ - truyện ngắn của NGUYỄN THỊ BÍCH NHÀN

1.Năm nào cũng vậy, mùa xuân cơ man là hoa nhưng mẹ vẫn chọn sống đời. Trước hiên chưng bốn chậu sống đời, lá xanh dày, hoa đỏ tươi rực rỡ.

- Hoa trường sinh (tên gọi khác của sống đời) chỉ được mỗi cái tên đại ngôn chứ hoa lá thì tầm thường - con Út nói xong thì “bất đắc chí” than: Người ta đã lên tới sao kim sao hỏa, nhà mình còn thần tượng sống đời, quê ơi… quê…

Mẹ đáp, hoa vương giả tại tâm chứ không tại sắc.

Con Út chưa hiểu câu trả lời đa tầng của mẹ nên rướn cổ nói thêm, cứ gần Tết là mấy đứa bạn đòi tới nhà xin sống đời, ngại muốn chết luôn… Thì kêu chúng tới.

- Chị tưởng chúng xin thiệt hả? Chúng đang sỉ nhục em thì có!

- Tại mình nghĩ thậm vậy thôi chứ bạn bè không có ý xỏ xiên cạnh khóe chi đâu.

Không lý được với tôi, con Út lại “ràm”:

- Chừng nào lớn, mùa xuân của nhà em sẽ là mai, cúc, hồng - muôn kiểu hoa kiêu kỳ. Còn hoa sống đời, cho nó vào viện bảo tàng. Mẹ là điển hình hoàn hảo nhất của người nhà quê!

- Con nít con nôi chỉ giỏi đua đòi. Tôi lườm một cái thế là bụm miệng bỏ đi.

Tôi vì hiểu mẹ nên không công kích sở thích chân phương, ngược lại còn phụ mẹ trồng sống đời.

2. Sống đời chắc là loài cây dễ chịu và ham sống nhất thế gian. Lá cây mọc hoang dã nên trồng cực kỳ đơn giản, chỉ cần một nắm lá già cắm dưới đất cây sẽ đâm rễ nứt mầm, vài ngày sau bung ngọn.

Hoa sống đời không kiêu, không hương nhưng đa sắc. Mỗi đọt trổ cái vòi to và bung thành những nhánh nhỏ, trên mỗi nhánh chấm những bông hoa bé xíu. Những bông hoa li ti đã tạo nên những chùm hoa to, bồng bềnh rực rỡ.

Năm nào cũng vậy, hai tám Tết mẹ sẽ cẩn thận xếp mười chậu hoa vào mé hiên, góc sân, căn nhà nhỏ bỗng bừng sáng vì những bông hoa “đại ngôn”.

- Nhà người ta chưng mai chưng cúc, nhà mình năm nảo năm nao cũng trung thành mù quáng với sống đời, quê bắt ớn…

- Tận cùng quê sẽ là tận cùng sang trọng. Cái tầm thường tỏa sáng mới đáng quý.

- Huyễn hoặc để tự an ủi mình thôi…

Con nhỏ Út láu cá láu tôm gớm, luôn tỏ ra “nguy hiểm”, cũng không thể áp đặt suy nghĩ cho nó được, còn con nít quá, suy nghĩ cũng rất phù phiếm và chuộng hình thức. Tôi sợ mẹ buồn nên lườm rồi đuổi nó đi chỗ khác chơi.

Lúc nào cũng vậy, đặt chậu hoa xuống, mẹ đứng nhìn ở nhiều góc, nhìn chán chê rồi mới chịu đi làm việc khác. Tôi thích cách mẹ yêu sống đời. Con Út xảnh xẹ, tôi có giận nhưng chỉ lườm. Con Ba nóng tính hơn nên hét: mầy nhỏ biết gì mà lý sự… cùn, không thấy mười chậu giờ còn duy nhứt một hả, hoa quê hoa xấu sao nhiều người xin vậy? Cũng may là chỉ còn mỗi chậu, cho đỡ quê… Cái tật trả treo, có tin chị vả sưng mồm không?

Mẹ thấy tới hồi gay cấn nên vào cuộc:

- Nhờ có sống đời mà cái tay bỏng bây giờ không có sẹo lồi sẹo lõm đấy! Lanh chanh láu táu, chụp cây đèn dầu… Cánh tay lộ lên lớp thịt đỏ hoe, làm tui tái mặt tái mày…

- Nhờ cây sống đời á?

- Sống đời chữa bỏng, cầm máu, vết thâm vết bầm rất tốt. Chị em bây mai mốt lấy chồng sinh con nên trồng sống đời, sẽ có lúc cần.

3. - Muốn sống tốt thì phải cắm vào đâu cũng sống được.

Mẹ nói rất bâng quơ khi tỉa tót lại chậu sống đời, tôi im lặng vì hiểu thông điệp của mẹ.

Nhiều lúc tôi nghĩ mẹ là hoa sống đời hay sống đời là mẹ. Đoạn trường từ thuở còn nằm nôi. Mồ côi cha khi còn là cái thai, bảnh mắt đã bồng em cắt lúa mướn hết đồng trong ra đồng ngoài. Yêu và lấy người đàn ông nghèo tới mức không có mồng tơi để rớt. Chồng chết vì sập hầm trong núi khi bụng có chửa (tôi). Ông ngoại bắt tái giá trong tình cảnh làm lẽ. Mẹ sinh thêm hai em. Dượng mất khi con Út mới hoài thai.

Dưới gầm trời này chắc mẹ là số ít lận đận!

Miền đất Phú trời Yên (quê tôi Phú Yên) nhưng mưa bão rát mặt. Mất mùa đói khát, mẹ tay bế tay bồng dắt cụm con từ Phú Yên trôi vô Cam Ranh lạc về Vạn Giã và trở lại nơi chôn nhau cắt rốn lúc về già. Người ta bảo một lần chuyển nhà bằng một lần đốt nhà, vậy mà mẹ di cư liên tục. Không biết bằng cách nào mà mẹ lo cho ba chị em tôi đủ đầy. Không đứa nào phải tới nhà giàu bồng em hay phải ăn nhờ ở đậu, đặc biệt hơn, không có đứa thất học. Không ưu tú nhưng đứa nào cũng học qua trung cấp. Càng nghĩ càng khâm phục mẹ.

Điều mọn mằn không thể không kể là dù đi đâu ở đâu, Tết nào mẹ cũng để một chậu sống đời bên hè.

Tôi kể chuyện này với Út rồi động viên:

- Thấy mẹ vĩ đại chưa? Sống đời chắc cũng chào thua.

- Em yếu đuối nhu nhược, khó ăn khó ngủ chứ không được như… - con Út vừa nói vừa khóc.

- Lại khóc… - tôi chỉ biết nói vậy rồi thở dài chứ chẳng biết làm gì hơn.

Út tôi cũng dạng hồng nhan đa truân (giống mẹ).

Trong mấy chị em thì Út hương sắc nhất. Học xong trung cấp Kế toán nhưng không xin được việc. Yêu đương rồi lấy chồng, nhỏ hơn bốn tuổi. Lúc đòi cưới thì sống chết nói tình yêu không có tuổi nhưng rinh về rồi không đánh được không nuốt trôi cơm. Con nhỏ đi làm ở xưởng cá, lúc nào cũng chố đôi kính đen trên mặt, ai cũng hỏi mắt gì ngày nào cũng đau, nó chỉ cười. Đau gì mà đau, bị đánh bầm mắt nên phải che thôi.

Tôi thấy con nhỏ bị đánh nhừ tử, xót lòng quá nên biểu:

- Cái thứ vũ phu ở đâu trôi tấp mầy bỏ quách đi, tiếc gì mà để ăn đòn?

- Mình em sao nuôi nổi hai cái tàu há mồm…

- Biểu mẹ bày cho. Người ta sẽ làm nên kỳ tích khi không còn cách nào để an phận.

*

Tết này tôi từ thành phố đem con về mẹ ăn tất niên.

Bước vô sân thấy thiếu thiếu vì trước hè không còn chậu sống đời. Mẹ nói năm nay bão to, mưa lớn, lạch ạch bệnh đau nên không ra vườn trồng hoa kịp Tết. Tôi chưa kịp nói gì thì con Út bê vào một chậu sống đời đỏ tươi đặt xuống hè rồi tươi cười:

- Con sẽ làm truyền nhân của mẹ.

Tôi liếc nhìn thì em giải trình:

- Hai năm vợ chồng chị vô thành phố chạy mánh, em ở nhà ly hôn và trở thành bà chủ vườn sống đời.

- ???

- Lúc đầu khó khăn cũng nản nhưng trời thương nên vườn hoa cũng đủ nuôi hai mẹ con. Em đầu tư trí lực, tâm lực tìm kiếm những giống mới rất đẹp. Sống đời không chỉ chưng Tết nên vườn hoa quanh năm có khách.

Rồi Út nheo mắt nói thêm:

- … và em còn biết một chuyện tình hoa sống đời đấy.

- Lại tạo hiệu ứng tò mò?

- Mối tình đầu đã tặng chậu sống đời cho mẹ với lời hẹn cả hai sẽ sống đời đón xuân…

Tôi đứng nhìn trân trân vào chậu hoa, chảy nước mắt:

- Ba ơi…

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/93/249698/mung-tuoi-me-truyen-ngan-cua-nguyen-thi-bich-nhan.html