Mười năm thực hiện Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị: Cảm nhận của một người trong cuộc
Ngày 10-4-2013 đánh dấu bước chuyển quan trọng của Đảng ta về tư duy và định hướng hội nhập quốc tế khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 22-NQ/TW 'Về hội nhập quốc tế' (Nghị quyết số 22). Phóng viên (PV) Báo Quân đội nhân dân đã có cuộc trao đổi với Đại sứ Đặng Đình Quý, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên Trưởng phái đoàn đại diện Việt Nam tại Liên hợp quốc, Trưởng nhóm biên soạn dự thảo Nghị quyết số 22.
PV: Nghị quyết số 22 đã chỉ rõ các vấn đề cơ bản về tư duy, nhất là khái niệm, quan điểm chỉ đạo và các định hướng lớn cho hội nhập quốc tế. Xin ông chia sẻ thêm về những điều này?
Đại sứ Đặng Đình Quý: Hội nhập quốc tế được đề cập trong nhiều văn kiện của Đảng thời kỳ Đổi mới. Đại hội XI đánh dấu bước chuyển tư duy của Đảng ta, từ hội nhập kinh tế sang hội nhập “toàn diện” và đến Nghị quyết số 22, các vấn đề cơ bản về tư duy hội nhập, nhất là về khái niệm, quan điểm chỉ đạo và các định hướng lớn cho hội nhập quốc tế đã được làm rõ.
Nghị quyết nêu, hội nhập là “Nghiêm chỉnh tuân thủ các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia, đi đôi với chủ động, tích cực tham gia xây dựng và tận dụng hiệu quả các quy tắc, luật lệ quốc tế và tham gia các hoạt động của cộng đồng khu vực và quốc tế”. Điều này có thể coi là khái niệm hội nhập quốc tế. Khái niệm này chỉ rõ ba loại hoạt động hội nhập quốc tế gồm: (I) tuân thủ “luật chơi”; (II) tham gia xây dựng “luật chơi” và (III) tham gia các hoạt động chung của khu vực và quốc tế. Cách tiếp cận này làm cho các tổ chức, cá nhân thấy rõ các việc mình cần và phải làm khi tham gia hội nhập quốc tế.
Về quan điểm chỉ đạo, Nghị quyết nêu, hội nhập quốc tế “là định hướng chiến lược lớn của Đảng nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”. Quan điểm này xác định vị trí quan trọng của hội nhập quốc tế trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, chấm dứt sự do dự trong hội nhập vì quá lo ngại về các tác động tiêu cực từ môi trường bên ngoài. Và do đó, chính quan điểm này đã góp phần tạo nên sự đồng thuận trong nhận thức về tầm quan trọng của hội nhập quốc tế 10 năm qua. Quan điểm chỉ đạo cũng nêu, hội nhập quốc tế là “sự nghiệp của toàn dân và của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước”. Điều này xác định các chủ thể của hội nhập quốc tế, xác định trách nhiệm và quyền lợi của mọi tổ chức, cá nhân phải tham gia vào và được hưởng lợi từ quá trình hội nhập quốc tế.
Về các định hướng lớn, Nghị quyết đã chỉ rõ hơn định hướng hội nhập kinh tế quốc tế và lần đầu tiên nêu những định hướng hội nhập quốc tế trong lĩnh vực chính trị, quốc phòng, an ninh, văn hóa, xã hội và các lĩnh vực khác. Và để tạo nên hiệu quả phối hợp của hội nhập trên các lĩnh vực, Nghị quyết xác định: “Hội nhập kinh tế là trọng tâm, hội nhập trong các lĩnh vực khác phải tạo thuận lợi cho hội nhập kinh tế…”. Tạo thuận lợi có thể được hiểu là tạo ra môi trường thuận lợi, tạo ra hiệu ứng đòn bẩy hoặc ưu tiên nguồn lực… cho hội nhập kinh tế. Nói cách khác, hội nhập trong các lĩnh vực, kể cả quốc phòng an ninh, phải tiến hành song song hai nhiệm vụ: Hội nhập trong lĩnh vực của mình và tạo thuận lợi cho hội nhập kinh tế.
PV: Xin ông nói rõ thêm về hội nhập trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh định hướng và việc thực hiện định hướng của Nghị quyết?
Đại sứ Đặng Đình Quý: Về hội nhập trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, Nghị quyết nêu định hướng “… khai thác hiệu quả các nguồn lực bên ngoài, vị thế quốc tế của đất nước…”; “Đẩy mạnh các hoạt động hợp tác song phương về quốc phòng, an ninh với các nước láng giềng, các nước ASEAN, các nước lớn, các nước bạn bè truyền thống; từng bước đưa hợp tác đi vào chiều sâu, hiệu quả”; “Chủ động và tích cực tham gia các cơ chế đa phương về quốc phòng, an ninh mà nước ta là thành viên, trước hết là các cơ chế trong khuôn khổ ASEAN và do ASEAN làm chủ đạo. Xây dựng và triển khai kế hoạch gia nhập các cơ chế đa phương khác; trong đó, có việc tham gia các hoạt động hợp tác ở mức cao hơn, như hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc…”, nhằm phục vụ mục tiêu bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Triển khai các định hướng đó, 10 năm qua, hội nhập trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh đã được đẩy mạnh, nhất là với các nước láng giềng chung biên giới, các nước ASEAN, các nước lớn thông qua hàng loạt biện pháp như: Tạo dựng và nâng cao hiệu quả các cơ chế hợp tác, xây dựng tăng cường lòng tin, từng bước gia tăng mức độ đan xen lợi ích về quốc phòng, an ninh. Một trong những điểm sáng của hội nhập trong lĩnh vực này là xây dựng và triển khai chiến lược tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.
Tháng 5-2014, hai sĩ quan quân đội Việt Nam đầu tiên nhận nhiệm vụ gìn giữ hòa bình ở Nam Sudan. Đến nay, Việt Nam đã gửi 516 lượt quân nhân tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình đến 3 phái bộ và trụ sở Liên hợp quốc, trong đó 1 bệnh viện dã chiến cấp 2, một đội công binh. Tháng 10-2022, ba sĩ quan công an nhân đầu tiên đã tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình ở Nam Sudan, đánh dấu sự khởi đầu của giai đoạn lực lượng công an tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.
Nói về triển khai Nghị quyết số 22 trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, cũng cần nhắc đến cơ chế ADMM+ do Việt Nam đưa ra năm 2010. Với việc thực hiện các định hướng của Nghị quyết, chúng ta đã có nhiều đóng góp để cơ chế này tiếp được củng cố và nâng cao hiệu quả đối việc tăng cường đối thoại, xây dựng lòng tin, đóng góp thiết thực vào các nỗ lực duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực.
Thông qua các hoạt động nêu trên, hội nhập quốc tế trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh đã hoàn thành tốt nhiệm vụ từng bước gia tăng hội nhập trong lĩnh vực của mình và tạo thuận lợi cho hội nhập kinh tế quốc tế thông qua các nỗ lực gìn giữ môi trường hòa bình, củng cố lòng tin của đối tác vào Việt Nam, gia tăng vị thế, uy tín của Việt Nam trong khu vực và thế giới.
PV: Thế giới đang chuyển sang một cục diện mới mang lại cho tiến trình hội nhập quốc tế của Việt Nam cả cơ hội và thách thức. Ông đánh giá thế nào về những cơ hội và thách thức chúng ta đang gặp phải?
Đại sứ Đặng Đình Quý: Thế giới đang chuyển sang một cục diện mới: Cục diện hậu Covid-19, hậu xung đột Nga - Ukraine. Quá trình chuyển đổi mang lại cho hội nhập quốc tế của Việt Nam cả cơ hội và thách thức. Cơ hội thì có thể nói gọn mấy điểm thế này. Thứ nhất, chiến tranh cục bộ, xung đột, căng thẳng nhưng xu thế hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn tiếp diễn; phần lớn các nước vẫn ưu tiên cho phát triển. Thứ hai, toàn cầu hóa với ý nghĩa là quá trình quốc tế hóa đời sống nhân loại cho dù bị tác động tiêu cực nhưng không dừng lại. Thứ ba và quan trọng nhất, thế và lực của đất nước ta đã khác trước, với mạng lưới các đối tác chiến lược, đối tác toàn diện, mạng lưới các Hiệp định thương mại tự do (FTA) rộng lớn, chúng ta hoàn toàn có khả năng giữ vững được môi trường hòa bình, thuận lợi cho phát triển, tiếp tục tranh thủ được các lợi ích từ hội nhập quốc tế.
Riêng về thách thức, có bốn vấn đề sẽ tác động mạnh tới tiến trình hội nhập quốc tế của Việt Nam thời gian tới, bao gồm: Cách mạng công nghiệp 4.0, toàn cầu hóa, quan hệ giữa các nước lớn và xu hướng phát triển của kinh tế thế giới. Cách mạng công nghiệp 4.0 đặt ra cho các doanh nghiệp Việt Nam khó tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu do năng lực và mức độ sẵn sàng còn thấp; giảm cơ hội thu hút đầu tư nước ngoài và tác động tiêu cực tới các dòng vốn đầu tư dài hạn, nguồn quan trọng để chúng ta gia tăng năng lực sản xuất, xuất khẩu và học hỏi công nghệ, kỹ năng quản lý; đồng thời đội ngũ lao động Việt Nam bị tác động do việc làm bị thay thế bởi người máy. Toàn cầu hóa dưới góc độ là quá trình thể chế hóa các mối quan hệ toàn cầu bị chậm lại, các vòng đàm phán trong khuôn khổ WTO sẽ tiếp tục bế tắc, do mâu thuẫn, cạnh tranh giữa các nước lớn. Trong 5 đến 10 năm tới, các nước lớn tuy vẫn hợp tác nhưng cạnh tranh thậm chí đối đầu, căng thẳng hơn nhiều so với thời gian qua, nhất là trong những vấn đề liên quan đến địa chính trị, an ninh quân sự, khoa học công nghệ… Kinh tế thế giới có thể sẽ khó khăn hơn giai đoạn trước. Chiến sự tại Ukraine chưa có dấu hiệu sớm kết thúc và do đó các chuỗi sản xuất và phân phối toàn cầu đã đứt gãy do Covid-19 lại đứt gãy thêm và càng khó phục hồi.
PV: Để tranh thủ cơ hội và xử lý các thách thức đó, hội nhập quốc tế cần chú trọng điều gì trong thời gian tới, thưa ông?
Đại sứ Đặng Đình Quý: Có nhiều chuyện phải làm và làm tốt hơn. Cái gốc là phải nâng cao sức mạnh quốc gia, mức độ tự cường của nền kinh tế. Và để phục vụ cho điều này, hội nhập quốc tế trong bối cảnh mới cần tập trung triển khai quyết liệt và hiệu quả hơn những quan điểm của Nghị quyết số 22, đặc biệt là: Thứ nhất, thực sự coi hội nhập quốc tế là định hướng chiến lược lớn để phát triển và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Theo đó, phải lồng ghép các quan điểm, định hướng lớn về hội nhập vào chiến lược phát triển; nỗ lực nâng cao hiệu quả của hội nhập, đóng góp vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển và bảo đảm an ninh.
Thứ hai, làm cho hội nhập quốc tế thực sự trở thành sự nghiệp của toàn dân, của cả hệ thống chính trị; mỗi tổ chức, cá nhân thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của mình trong quá trình hội nhập; các chính sách phải khuyến khích và tạo điều kiện cho mọi tổ chức, cá nhân tham gia vào và được hưởng lợi từ hội nhập quốc tế; các cá nhân, tổ chức Việt Nam ngày càng phát triển trong quá trình hội nhập, tham gia ngày càng rộng và sâu vào các chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu.
Thứ ba, thực hiện đúng phương châm “chủ động, tích cực”, càng nhiều khó khăn, thách thức thì càng chủ động hơn, tích cực hơn; sẵn sàng “dấn thân” vì mục đích chung, sẵn sàng đóng góp nguồn lực cho những nỗ lực chung của khu vực và thế giới, thể hiện đúng tinh thần “đối tác tích cực, có trách nhiệm” của cộng đồng quốc tế.
PV: Ông hình dung thế nào về hội nhập quốc tế của Việt Nam trong 10 năm tới?
Đại sứ Đặng Đình Quý: Khó nói lắm, nhưng tôi mong, 10 năm tới, hàng chục doanh nghiệp Việt Nam sẽ noi gương Viettel, TH True milk, FPT có mặt khắp năm châu; lực lượng gìn giữ hòa bình Việt Nam có mặt ở hàng chục phái bộ với tổng số hàng ngàn người; người Việt Nam có mặt, làm việc ở hầu hết các tổ chức quốc tế lớn; khát vọng về một Việt Nam hùng cường sẽ làm người Việt Nam vững bước hội nhập chủ động hơn, tích cực hơn và hiệu quả hơn vào khu vực và thế giới.
PV: Xin cảm ơn ông!
VĂN DUYÊN (thực hiện)