Mười năm xây đắp nông thôn mới (Bài cuối)

TIN LIÊN QUAN

Mười năm xây đắp nông thôn mới (Bài 7)
Mười năm xây đắp nông thôn mới (Bài 6)
Mười năm xây đắp nông thôn mới (Bài 5)
Mười năm xây đắp nông thôn mới (Bài 4)
Mười năm xây đắp nông thôn mới (Bài 3)
Mười năm xây đắp nông thôn mới (Bài 2)
Mười năm xây đắp nông thôn mới (Bài 1)

Ðơn Dương hướng đến huyện nông thôn mới kiểu mẫu

Là huyện đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) đầu tiên của Lâm Ðồng từ tháng 9/2015, Ðơn Dương đang hướng đến xây dựng huyện NTM kiểu mẫu đầu tiên của tỉnh trong những năm đến.

Đồng chí Nguyễn Xuân Tiến - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy thăm một doanh nghiệp hoa tại Đơn Dương. Ảnh: V.T

Những con số ấn tượng

Như ngành chức năng huyện Đơn Dương nhận xét, Đơn Dương có nhiều lợi thế khi bước vào xây dựng NTM trên địa bàn.

Đó là những lợi thế về đất đai, khí hậu, nguồn nhân lực để đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội địa phương, nâng cao thu nhập cho người dân.

Nằm kề Đà Lạt, khi thành phố này bùng nổ về hoa, đất canh tác được người dân đổ sang trồng hoa vì lợi tức cao hơn thì diện tích rau thương phẩm bắt đầu chuyển nhanh về Đơn Dương, từ các xã bờ bắc sông Đa Nhim nơi đây rồi lan sang phía bờ nam.

Từ một vùng đất canh tác chủ yếu lúa, bắp với thu nhập mỗi hecta chừng 16 triệu đồng/năm thời điểm năm 2010, đến nay Đơn Dương đã là một vùng chuyên canh rau thương phẩm vào hàng lớn nhất nước với thu nhập bình quân đầu người 63 triệu đồng/ năm vào cuối năm 2018, còn năm 2019 này huyện đang phấn đấu cuối năm đạt 68 triệu đồng/người/năm.

Điều đáng nói, toàn huyện hiện đã có 9.650 ha ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, chiếm 84% diện tích canh tác rau tại địa phương hiện nay, người dân nơi đây đã sử dụng thành thục giống mới, nhà lưới, nhà kính, hệ thống tưới nước tự động, phủ bạt, biết áp dụng các quy trình canh tác tiến bộ.

Tham quan vườn rau thủy canh tại Đơn Dương. Ảnh: Văn Báu

Theo ông Lê Hữu Túc, Phó Chủ tịch UBND huyện, quá trình chuyển đổi cây trồng diễn ra tại huyện rất nhanh. Đến nay hầu hết những diện tích đất có cây trồng kém hiệu quả đều được người dân từng bước chuyển sang trồng rau, trồng hoa, cây dược liệu, cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, trong đó chủ yếu là rau thương phẩm.

Huyện lâu nay không chỉ chú trọng chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người dân mà còn khuyến khích thành lập hợp tác xã, tổ hợp tác nông nghiệp, khuyến khích người làm nông đăng ký tiêu chuẩn rau VietGAP, tiến tới đăng ký sử dụng thương hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành”.

Từ việc chuyển đổi cây trồng ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, kết quả mang lại được nâng lên thấy rõ. Giá trị thu nhập bình quân trên một đơn vị diện tích đất hiện nay đã đạt mức khoảng 200 triệu đồng/ha/năm trong đó có không ít mô hình thu nhập từ 1 - 2 tỷ đồng/ha/năm.

Nhưng Đơn Dương không chỉ có rau thương phẩm, có hoa như Đà Lạt mà địa phương này còn có một thế mạnh khác mà ít huyện thành nào trong tỉnh bắt kịp hiện nay, đó là bò sữa. Tổng đàn bò của huyện đến nay trên 12.600 con, với sản lượng sữa toàn huyện đạt 100 tấn/ngày. Không chỉ hiện diện các trang trại sữa đạt chuẩn quốc tế của các công ty lớn trên địa bàn để làm hình mẫu cho nông dân đi theo, rất nhiều nông dân của huyện đã hướng việc chăn nuôi của mình theo qui mô trang trại gia đình và đang giàu lên rất nhanh, trong đó có cả những hộ dân người dân tộc thiểu số Tây Nguyên.

Chỉ trong vòng 5 năm, từ 2010 đến 2015, huyện đã huy động được trên 4.500 tỷ đồng từ tất cả các nguồn lực để thực hiện chương trình xây dựng NTM trên địa bàn, trong đó có 36,9 tỷ đồng từ vốn đóng góp của cộng đồng dân cư. Đến năm 2015, toàn huyện đã có 7/8 xã đạt chuẩn, huyện đã được công nhận huyện NTM trong tháng 9/2015.

Từ năm 2016 đến nay, Đơn Dương đã có 11.349 tỷ đồng được đầu tư vào NTM từ nhiều nguồn, trong đó có 21,2 tỷ đồng từ sự đóng góp của người dân. Toàn bộ 8/8 xã đều đạt 19/19 tiêu chí và đạt chuẩn NTM. Riêng năm 2019 này, người dân trong huyện ước tính đóng góp 4,6 tỷ đồng cho các công trình dân sinh.

Như một tất yếu, số lượng hộ nghèo trong huyện đã giảm rất nhanh. Nếu như năm 2010, toàn huyện số hộ nghèo chiếm tỷ lệ 11,47%, trong đó hộ nghèo người dân tộc thiểu số chiếm 29,29% thì đến nay tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện chỉ còn 3,01%, trong đó hộ nghèo người dân tộc thiểu số chỉ còn 6,34%

Đến nay, hệ thống hạ tầng giao thông tại Đơn Dương đã đồng bộ, đặc biệt là giao thông nông thôn được nâng cấp, có đèn đường chiếu sáng ban đêm, các địa phương tổ chức thu gom rác thải, bộ mặt nông thôn đã thay đổi đầy tích cực. Đồng thời địa phương hiện có hệ thống 38 công trình thủy lợi cung cấp nước tưới cho trên 2.300 ha, tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia cao của tỉnh; 8/8 xã đã có nhà văn hóa.

Nông dân chăm sóc cây trồng. Ảnh: V.T

Hướng đến huyện nông thôn mới kiểu mẫu

Như ông Lê Hữu Túc cho biết, chương trình xây dựng NTM tại địa phương đã trở thành phong trào, là trách nhiệm chung của toàn bộ hệ thống chính trị, được sự đồng thuận, hưởng ứng tích cực của người dân trên địa bàn.

Trong xây dựng NTM, theo ông Túc, huyện luôn chú ý phát huy vai trò chủ thể của người dân với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng thụ”. Huyện yêu cầu các địa phương trong huy động vốn xây dựng cơ sở hạ tầng, làm hội trường, làm mương thoát nước, thi công hệ thống chiếu sáng đường làng ngõ xóm và hạ thế điện phục vụ sản xuất không quá sức dân, không để nợ đọng.

Một trong những kinh nghiệm của Đơn Dương trong xây dựng NTM chính là việc huyện luôn xây dựng kế hoạch và thực hiện những bước đi cụ thể, phân công trách nhiệm rõ ràng; chủ động và linh hoạt trong triển khai; tiến hành đồng bộ giữa phát triển kinh tế - xã hội với việc thực hiện các chính sách, đảm bảo an sinh xã hội, chăm lo đời sống tinh thần người dân.

Tuy nhiên, như ông Túc nhận xét, yếu tố tiên quyết trong xây dựng thành công NTM trên địa bàn chính là việc huyện luôn chú ý tập trung phát triển sản xuất để nâng cao thu nhập cho người dân thông qua phát huy tốt các tiềm năng, lợi thế của địa phương, gắn với huy động nguồn lực rộng rãi và phù hợp.

Ðể xây dựng Ðơn Dương thành huyện NTM kiểu mẫu về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng thông minh trong thời gian đến, lãnh đạo huyện Ðơn Dương cho biết sẽ duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM ở cấp xã và cấp huyện, lấy doanh nghiệp làm nòng cốt, lấy nông dân làm chủ thể, lấy khoa học công nghệ làm then chốt, lấy liên kết theo chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp và hợp tác xã/tổ hợp tác làm nền tảng để phát triển nông nghiệp bền vững.

Thu hoạch rau tại Lạc Lâm - Đơn Dương. Ảnh: V.T

Huyện đặt ra mục tiêu cụ thể trong năm 2020 sẽ có 6/8 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, có 3 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng thông minh (Lạc Lâm, Quảng Lập và Ka Đô); 90% diện tích đất sản xuất nông nghiệp với 3 sản phẩm chủ lực (rau, hoa, bò sữa) được ứng dụng công nghệ cao; nâng giá trị sản xuất bình quân đạt 220 triệu đồng/ha; thu nhập bình quân đầu người đạt 75 triệu đồng/năm.

Đến 2025, huyện sẽ có toàn bộ 8/8 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; thêm 2 xã nữa đạt chuẩn NTM kiểu mẫu về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là Đạ Ròn và Tu Tra; nâng giá trị sản xuất bình quân 1ha đất nông nghiệp lên 250 triệu đồng; thu nhập bình quân đầu người đạt mức 100 triệu đồng/năm. Trong các mục tiêu đến năm 2030 đáng chú ý là tất cả 8/8 xã đều đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 2 thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị; huyện không còn hộ nghèo và tỷ lệ bảo hiểm y tế toàn dân đạt 98%.

Dự kiến giai đoạn 2019 - 2025, Đơn Dương sẽ cần khoảng 7.593 tỷ đồng vốn từ các nguồn nhà nước, tín dụng, doanh nghiệp lẫn Nhân dân đóng góp cho việc thực hiện chương trình này.

VIẾT TRỌNG

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/xahoi/201907/muoi-nam-xay-dap-nong-thon-moi-bai-cuoi-2956310/