Mười Tường - 'bà trùm' đang bị truy nã đặc biệt nguy hiểm là ai?
Vốn nổi tiếng hay làm từ thiện nhưng mới đây Nguyễn Thị Kim Hạnh (tức Mười Tường, sinh năm 1969, ngụ xã Đa Phước, huyện An Phú, An Giang) đã bị Công an tỉnh An Giang thông báo truy nã đặc biệt nguy hiểm khiến dư luận xôn xao.
Liên quan đến vụ vận chuyển 51kg vàng 9999 qua biên giới, từ Campuchia về Việt Nam, ngày 29/11, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh An Giang cho biết, quá trình mở rộng điều tra, cơ quan chức năng đã thu thập đủ chứng cứ và ra quyết định khởi tố bổ sung 2 đối tượng liên quan: Nguyễn Thị Kim Hạnh (tức Mười Tường, SN 1969, ngụ tại ấp Phước Thọ, xã Đa Phước, huyện An Phú, An Giang) và Lê Thị Bạch Vân (SN 1966, trú tại ấp Kiến Bình 1, xã Kiến An, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang).
Cơ quan CSĐT Công an tỉnh An Giang cũng đã ra quyết định truy nã đặc biệt nguy hiểm đối với 5 đối tượng gồm: Nguyễn Thị Kim Hạnh (tức Mười Tường), Lê Thị Bạch Vân, Nguyễn Hữu Phước (SN 1989, ngụ tại tổ 2, ấp Vĩnh Lợi 2, xã Châu Phong, thị xã Tân Châu, An Giang), Võ Văn Trung (SN 1980, ngụ tại ấp Phước Thọ, xã Đa Phước, huyện An Phú, tỉnh An Giang) và Phạm Tấn Lộc (SN 1986, ngụ tại tổ 2, khóm Châu Thạnh, phường Châu Phú A, TP Châu Đốc, An Giang).
Theo đánh giá của ban chuyên án, trong vụ này đối tượng Mười Tường được xem là "con cá mập" mà ban chuyên án nhắm đến ngay từ khi xác lập chuyên án. Mười Tường là đầu nậu lớn nhất tỉnh An Giang, kiểm soát chặt chẽ 100km biên giới tỉnh An Giang giáp Campuchia.
Đối tượng này vào tháng 7/2005 đã từng bị Công an TP HCM bắt khẩn cấp khi đang lưu trú tại một khách sạn do liên quan đường dây vận chuyển và tập kết số lượng lớn điện thoại di động nhập lậu từ Campuchia.
Một ngày sau đó, Mười Tường được lực lượng chức năng áp giải về nhà riêng tại huyện An Phú để khám xét. Gần 4 tháng sau, TAND TP HCM tuyên phạt bị cáo này 6 năm tù về tội "Buôn lậu".
Vậy nhưng, sau khi mãn hạn tù và trở về địa phương, Mười Tường vẫn chưa chịu hoàn lương mà tiếp tục "hành nghề". Đến năm 2016, "đàn em" của Mười Tường đã nhiều lần bị bắt do tổ chức vận chuyển số lượng lớn đường cát qua biên giới với tổng trị giá hơn 2 tỉ đồng.
Tuy nhiên, với những người dân ở TP Châu Đốc thì Mười Tường lại là một doanh nhân làm ăn buôn bán ở vùng biên giới An Giang, có khối tài sản kếch xù và đặc biệt hay làm từ thiện, giúp đỡ nhiều người nghèo khó ở khu vực này. Chỉ đến khi Mười Tường bị truy nã đặc biệt nguy hiểm bà con nơi đây mới ngỡ ngàng.
Với vỏ bọc doanh nhân thành đạt, "bà trùm" này tạo cho mình rất nhiều mối quan hệ chằng chịt nhằm phục vụ cho hành vi buôn lậu với nhiều thủ đoạn tinh vi gây nhiều khó khăn cho công tác đấu tranh phòng chống buôn lậu của các cơ quan chức năng.
Mười Tường liên hệ chặt chẽ với các đàn em dưới trướng, trực tiếp chỉ đạo các vụ "làm ăn" mà không qua trung gian. Người phụ nữ này không chỉ có khối tài sản "đồ sộ" ở An Giang mà còn phân bố ở các tỉnh và cả nước ngoài.
Ngày 28/11, Công an tỉnh An Giang đã thực hiện khám xét 15 địa điểm là nhà ở, phủ thờ, kho hàng, khách sạn của Mười Tường tại huyện An Phú và TP Châu Đốc cùng nơi ở của các đối tượng khác. Qua đó, lực lượng chức năng đã thu thập được thêm nhiều tài liệu, chứng cứ quan trọng để phục vụ công tác điều tra mở rộng vụ án.
Hương Ly (tổng hợp)