Mượn 10 cây vàng, 14 năm sau trả tiền hay trả vàng?
Bên vay tài sản là vàng thì phải trả vàng cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Những ngày gần đây, mạng xã hội xuất hiện đoạn chia sẻ của một người về câu chuyện mượn 10 cây vàng, sau 14 năm xin trả bằng tiền giá gốc đã thu hút nhiều sự quan tâm của nhiều người.
Mượn 10 cây vàng, 14 năm sau trả tiền gốc
Cụ thể bài đăng như sau: “Năm 2010, mình vay của anh chị chồng 10 cây vàng (giá vàng khi đó là 36 triệu đồng/lượng). Khi vay, anh chị có nói tính tiền ra là 360 triệu đồng và bảo vợ chồng mình mỗi tháng trả lãi cho anh chị 2 triệu đồng, còn gốc khi nào có thì trả. Vợ chồng mình trả lãi đầy đủ hàng tháng.
Đầu tháng 4 này, vợ chồng mình bán được miếng đất nên gom tiền trả anh chị chồng, thì anh chị lại đòi phải trả 10 cây vàng. Giờ vợ chồng mình muốn trả tiền, còn anh chị đòi vàng. Mong cả nhà tư vấn giúp mình để anh chị đồng ý nhận tiền chứ giờ đòi vàng giá cao quá, mình trả không nổi. Bữa giờ, hai nhà cãi nhau rất căng, anh chị luôn miệng nói vợ chồng mình ‘ăn cháo đá bát’, không biết điều”".
Bài chia sẻ này nhanh chóng nhận được sự quan tâm của hàng ngàn cư dân mạng, cùng với nhiều bình luận một số người cho rằng trước kia mượn vàng thì phải trả bằng vàng. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng việc quy đổi vàng trả bằng tiền là hợp lý bởi người mượn hàng tháng đã trả lãi.
Một số bạn đọc thắc mắc với tình huống trên, pháp luật hiện nay quy định như thế nào về việc vay mượn “hiện kim”.
Nếu mượn vàng thì phải trả bằng vàng
Luật sư Lê Văn Hoan, Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết: Một trong những nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự được quy định tại Điều 3 Bộ luật Dân sự đó là “Cá nhân, pháp nhân xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình trên cơ sở tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận. Mọi cam kết, thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội có hiệu lực thực hiện đối với các bên và phải được chủ thể khác tôn trọng. Cá nhân, pháp nhân phải tự chịu trách nhiệm về việc không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ dân sự”.
Tại Điều 463 Bộ luật Dân sự quy định: “Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.”
Ngoài ra, Điều 466, Bộ Luật Dân sự quy định bên vay có nghĩa vụ phải trả đủ tiền khi đến hạn nếu tài sản vay là tiền. Trường hợp tài sản là vàng thì phải trả vàng cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Trường hợp bên vay không thể trả vật thì có thể trả bằng tiền theo trị giá của vật đã vay tại địa điểm và thời điểm trả nợ, nếu được bên cho vay đồng ý.
Như vậy, theo LS Hoan, về nguyên tắc thì việc vay tài sản giữa các bên với nhau là do các bên tự thỏa thuận. Nếu thời điểm cho vay các bên xác định tài sản vay là vàng và phải trả bằng vàng thì khi đến hạn trả nợ bên vay phải trả bằng vàng hoặc bằng tiền quy ra giá vàng tại thời điểm trả nợ nếu được bên cho vay đồng ý. Còn nếu tài sản vay là tiền thì đến hạn bên vay phải trả là tiền.
Còn đối với tình huống trên, có thể thấy các bên không lập thành văn bản và thỏa thuận không rõ ràng. Do đó cần làm rõ thêm là giao vàng cho vay nhưng có thỏa thuận là số vàng đó quy ra tiền và xác nhận là cho vay tiền hay không để biết là trả vàng hay trả tiền.
Do thời điểm trả nợ giá vàng cao hơn so với thời điểm vay nên các bên đều hiểu hoặc suy diễn theo hướng có lợi cho mình. Nếu các bên không thỏa thuận được với nhau thì có thể khởi kiện ra tòa án có thẩm quyền để giải quyết. Khi đó, tòa án sẽ xác định tài sản vay ở đây là tiền hay vàng trên cơ sở thu thập chứng cứ là lời khai của các bên, người làm chứng (nếu có) và các bằng chứng khác.
VÕ HÀ
Nguồn PLO: https://plo.vn/muon-10-cay-vang-14-nam-sau-tra-tien-hay-tra-vang-post787672.html