Muốn biết con đã sẵn sàng du học chưa, thực hiện ngay 'bài test' này

Anh Bảo Nguyễn chia sẻ một số bí kíp hữu ích để giúp các bạn học sinh, sinh viên có thể kiểm tra khả năng tiếng Anh của mình khi có ý định đi du học.

 Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Tiếng Anh là chìa khóa để đi du học, để hòa nhập với môi trường học tập mới, vì thế nếu không có tiếng Anh hoặc giao tiếp bập bõm sẽ gặp rất nhiều bất lợi. Nếu bạn đang học tiếng Anh ở Việt Nam để chuẩn bị du học Canada hay Mỹ và muốn biết trình độ tiếng Anh mình tới đâu, có sử dụng được khi sang nước ngoài không thì phải "test" (kiểm tra) bằng cách nào?

Anh Bảo Nguyễn - công chức của một trường đại học ở Canada với 20 năm kinh nghiệm, đồng thời là người có nhiều bài viết được phụ huynh yêu thích về du học Canada chia sẻ một số bí kíp hữu ích để giúp các bạn học sinh, sinh viên có thể kiểm tra khả năng tiếng Anh của mình.

Các bạn có thể test trình độ qua hai video sau:

1/ Enquiring About an Ill Friend – English conversation Free

Đây là video dạy tiếng Anh, người ta nói rất chậm rãi. Bạn hiểu bao nhiêu phần trăm?

2. Real English Conversation – Daily English Speaking

Tiếp theo, hãy xem video số 2, cũng vẫn là video dạy tiếng Anh:

Điểm nhấn ở video 2 là tính tự nhiên nội dung bất chợt của đời thường, tốc độ và giọng nói. Bạn hiểu bao nhiêu phần trăm?

Theo anh Bảo Nguyễn, sau 2 video này, bạn sẽ biết trình độ Anh ngữ của mình ở mức nào. Video 1 là cách dạy thuần túy trong trường học. Người ta nói rất chậm rãi và có phần hơi diễn. Cũng như khi nói IELTS, bạn và giám khảo cũng sẽ "diễn" thôi chứ không phải nói thật như ở ngoài đời. Bạn có thể thi được điểm cao, nhưng đó vẫn là điểm sách vở chưa qua trải nghiệm thực tế. Đa số các bạn đạt điểm cao IETLS nhưng lần đầu sang Canada, Mỹ sẽ vẫn chới với như thường.

"Ở ngoài đời người ta sẽ nói chuyện với nhau như video số 2. Giọng mọi người đều khác nhau, không nhấn giọng nhiều, mạnh ai nấy nói, không hề theo trình tự công thức, sách vở cụ thể. Muốn xài được tiếng Anh khi qua Canada hoặc Mỹ thì phải đạt tới trình độ nghe hiểu liền video số 2 vì đó là đời thật nơi các bạn sẽ sống.

Khi đi làm trong hãng, siêu thị, shopping... hay giao tiếp xã hội thì người ta cũng sẽ nói chuyện với các bạn như vậy. Nhịp sống nhanh, họ sẽ không nói chậm rãi hay lặp lại nhiều. Nếu các bạn luyện nghe ở Việt Nam tốt chừng nào thì qua nước ngoài bạn sẽ bắt kịp nhịp nhanh chừng đó, tiết kiệm nhiều thời gian và tiền bạc.

Mỗi năm học phí tiếng Anh thôi cũng trên 15 ngàn USD (gần 400 triệu đồng), cộng thêm tiền ăn vào sẽ "tròm trèm" 30 ngàn USD (gần 700 triệu đồng). Và khi đi học những lớp này cũng không thực tế lắm vì các bạn cũng chỉ giao tiếp giới hạn trong môi trường những sinh viên Việt Nam hay Trung Quốc bập bõm tiếng Anh", anh Bảo nói.

Học tiếng Anh: Thực hành quan trọng hơn lý thuyết

Anh Bảo cho rằng, chuyện học tiếng Anh giỏi là hoàn toàn khả thi. Các trẻ em bán dạo ở phố Tây hay các em ở các địa phương có khách nước ngoài du lịch nhiều không được đi học nhưng có khi nói tiếng Anh vẫn giỏi hơn nhiều người lớn, đó là vì các em tiếp xúc thực tế, thực hành tiếng Anh mỗi ngày.

"Ngôn ngữ tồn tại phát triển là nhờ có sự tái lặp. Cứ lặp đi lặp lại nhiều lần sẽ thành thói quen phản xạ. Ngữ pháp, từ vựng không quan trọng trong ngôn ngữ nói. Nói sai ngữ pháp không ai bắt lỗi vì mục đích chính là truyền tải nội dung trong một thời điểm nhanh nhất. Những tiểu tiết khác đều có thể sửa được theo thời gian. Đặc tính của ngôn ngữ là sự sống động, có nghĩa là xài được và xài nhiều trong cuộc sống. Đừng "học tủ" IELTS kiểu luyện thi cấp tốc vì nó sẽ có hại cho bạn sau này", anh nói.

Khi gặp những người Philippines các bạn sẽ ngạc nhiên vì đa số họ nói tiếng Anh rất trơn tru, hơn hẳn các quốc gia Châu Á khác... Đó là bởi vì họ sử dụng tiếng Anh như một phương tiện giao tiếp. Họ NÓI MỖI NGÀY chứ không nghiên cứu nó như một môn khoa học. Trong tiếng Anh hay bất cứ ngôn ngữ nào thì thực hành quan trọng hơn lý thuyết.

Hãy học tiếng Anh như một ngôn ngữ sống, phương tiện giao tiếp hàng ngày thay vì coi nó là một môn khoa học để thi cử hay lấy điểm. Đừng chú trọng nhiều vào việc phân tích ngữ pháp, cấu trúc câu, thể thức hành văn... vì đó là khoa học ngôn ngữ, sẽ không có ứng dụng thực tế. Chúng chỉ có giá trị nền tảng căn bản mà thôi. Đi chuyên sâu vào đó sẽ mất thời giờ nếu bạn là người bình thường.

Hiểu Đan

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/muon-biet-con-da-san-sang-du-hoc-chua-thuc-hien-ngay-bai-test-nay-20221101151439947.htm