Muốn chuyển đổi số, công việc của mọi người phải được ghi nhận trên môi trường số

Chuyển đổi số (CĐS) thì có một việc quan trọng nhất, quyết định nhất là công việc của mọi người, từ người thấp nhất đến cao nhất, được ghi nhận trên môi trường số.

Báo VietNamNet xin giới thiệu đến quý độc giả một số nội dung được Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng tổng kết và định hướng tại Hội nghị sơ kết công tác TT&TT 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024, ngày 29/7.

Về giảm tải báo cáo, không bắt cấp dưới báo cáo cấp trên. Giảm tải cho hệ thống thì đầu tiên là giảm báo cáo, chuyển đổi số (CĐS) để cấp dưới không phải báo cáo cấp trên về những việc thường xuyên. Tải báo cáo hiện nay là rất nặng. Một năm, các sở TT&TT phải báo cáo về bộ, về các đơn vị của bộ trên 8.000 báo cáo các loại. Bộ đã xây dựng và đưa vào vận hành hệ thống, mỗi tháng, mỗi sở chỉ phải 1 lần điền vào mẫu báo cáo các số liệu của sở. Các đơn vị của Bộ và Bộ muốn báo cáo lên trên thì lấy dữ liệu từ CSDL để làm báo cáo, không yêu cầu các sở báo cáo, không bắt cấp dưới báo cáo cấp trên. Đây là cải cách quan trọng. Tương tự như vậy, sẽ làm với các doanh nghiệp, các đơn vị sự nghiệp đang phải làm báo cáo về Bộ.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Công cuộc lớn nhất của CĐS là số hóa mọi thứ của thế giới thực, mô phỏng nó, tạo ra một ánh xạ 1-1 và tạo ra sự tương tác giữa thế giới thực và thế giới số. Ảnh Lê Anh Dũng

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Công cuộc lớn nhất của CĐS là số hóa mọi thứ của thế giới thực, mô phỏng nó, tạo ra một ánh xạ 1-1 và tạo ra sự tương tác giữa thế giới thực và thế giới số. Ảnh Lê Anh Dũng

Về kết nối online, báo cáo online. Quản trị số thì đầu tiên là kết nối online từ hệ thống CNTT của cấp trên vào hệ thống CNTT cấp dưới, không để con người can thiệp vào số liệu báo cáo. Quản trị số thì đầu tiên là cấp dưới không phải viết báo cáo gửi cấp trên, nhất là về số liệu. Bộ TT&TT đã triển khai hệ thống báo cáo kết nối thẳng vào hệ thống CNTT của các bộ ngành và địa phương để lấy số liệu về dịch vụ công trực tuyến. Số liệu báo cáo online chính xác cao. Trước đây, các tỉnh báo cáo người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến là trên 30%, nhưng khi đo trực tuyến thì chỉ được 17%. Cùng làm việc trên một nền tảng số, từ Trung ương đến địa phương, là cách tốt nhất để kết nối online, báo cáo online. Nhưng nếu làm việc trên các nền tảng khác nhau thì vẫn kết nối và báo cáo online được.

AI không thay thế con người, không vượt lên trên con người mà là trợ lý của con người. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng

Về trợ lý ảo (TLA). AI không thay thế con người, không vượt lên trên con người mà là trợ lý của con người. Quan điểm tiếp cận của Bộ TT&TT về AI là AI trở thành trợ lý, thành người giúp việc của mỗi người, giúp mỗi người làm việc của mình tốt hơn, giải phóng con người khỏi một số việc cũ trong nghề nghiệp của mình để con người có thêm thời gian làm những việc mới trong nghề nghiệp của mình, mở rộng nội hàm nghề nghiệp của mình, nâng cái nghề của mình lên một tầm cao hơn. Công ty công nghệ cung cấp hạ tầng lưu trữ, Engine AI (giống như cung cấp công nghệ AI như một dịch vụ) và các công cụ hỗ trợ huấn luyện TLA. Cá nhân, tổ chức nào muốn có TLA thì đưa hệ tri thức của mình vào, tập huấn AI và dùng, trong quá trình dùng thì xuất hiện tri thức mới và sẽ được cập nhật tiếp vào TLA. Đây là cách tiếp cận hoàn toàn khác ChatGPT, là công ty công nghệ làm dữ liệu, còn cách của ta là công ty công nghệ làm công cụ để giúp khách hàng làm dữ liệu của mình. Cách này thì có thể làm nhiều TLA đến mức từng cá nhân. TLA cá nhân thì mình làm ra và dùng, mình chết đi thì TLA trở thành chính mình luôn và tiếp tục tồn tại, con cháu có thể tiếp tục nói chuyện, tham vấn. Con người trở thành bất tử.

CĐS thì có một việc quan trọng nhất, quyết định nhất là từ người nhân viên cấp thấp nhất trong hệ thống phải hoạt động trên môi trường số hoặc nếu không thì phải cập nhật hàng ngày công việc của mình lên môi trường số. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng

Về việc quan trọng nhất, quyết định nhất của CĐS. CĐS thì việc khó nhất là việc dễ nhất và ngược lại. Đối với hệ thống chính quyền (hoặc một tổ chức) thì dễ nhất là ra quy định mọi công việc của nhân viên phải được ghi nhận trên môi trường số, khó nhất là xử lý "đống" dữ liệu đó. Đối với doanh nghiệp công nghệ số thì khó nhất là việc số hóa một tổ chức, việc dễ nhất là xử lý dữ liệu. Chúng ta nghĩ về CĐS là rất phức tạp nên rất khó làm. CĐS thì có một việc quan trọng nhất, quyết định nhất là từ người nhân viên cấp thấp nhất trong hệ thống phải hoạt động trên môi trường số hoặc nếu không thì phải cập nhật hàng ngày công việc của mình lên môi trường số. Xong việc này (công việc của mọi người, từ người thấp nhất đến cao nhất, được ghi nhận trên môi trường số) thì gần như xong CĐS, nhất là đối với cơ quan nhà nước, doanh nghiệp. Mà việc này lại rất dễ vì hành chính hóa được, người đứng đầu tổ chức phải quy định việc này, thể chế hóa, luật hóa việc này. Sau khi mọi công việc đã diễn ra trên môi trường số thì việc còn lại là dùng AI để phân tích, đánh giá, đề xuất. Vậy CĐS, việc khó thì máy làm (giám sát, phân tích, phát hiện, cảnh báo sớm, tìm ra giá trị mới), việc dễ thì người làm (mỗi người nhập liệu công việc hàng ngày của mình, để nhập liệu không tốn thời gian thì nhập liệu theo mẫu. Nếu khi đã có phần mềm làm việc thì không phải nhập liệu nữa). Cũng phải qua 4 năm CĐS chúng ta mới tìm ra điểm mấu chốt này về CĐS các tổ chức.

Thế giới thực không có cái gọi là "trăm tay nghìn mắt" của Phật, nhưng trong thế giới số thì AI có thể có năng lực này. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: "CĐS thì việc khó nhất là việc dễ nhất và ngược lại." Ảnh: Lê Anh Dũng.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: "CĐS thì việc khó nhất là việc dễ nhất và ngược lại." Ảnh: Lê Anh Dũng.

Về 2 công đoạn của CĐS. CĐS gồm 2 công đoạn, số hóa toàn diện rồi sau đó thay đổi cách thức hoạt động. Công đoạn 1: Các hoạt động của con người được ghi nhận trên môi trường số, rộng hơn là toàn bộ thế giới thực được số hóa và tạo ra ánh xạ 1-1, tạo ra sự tương tác giữa thế giới thực vật lý và thế giới số. Công đoạn 2: Thay đổi cách thức hoạt động của tổ chức, cả trong thế giới thực và thế giới số. Thí dụ, dùng AI để phân tích dữ liệu, phân tích thế giới số, đó cũng chính là dùng AI để phân tích thế giới thực (sau khi đã được số hóa). Vì AI chỉ hiểu ngôn ngữ số, nên muốn dùng nó thì phải số hóa trước. Thế giới thực không có cái gọi là "trăm tay nghìn mắt" của Phật, nhưng trong thế giới số thì AI có thể có năng lực này. Việc phát hiện sớm các sai phạm để nhắc nhở, ''vỗ vai" sẽ giúp cán bộ trưởng thành, tránh được các tai nạn lớn, cũng giúp phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Việc giám sát phân tích, đánh giá online, kịp thời sẽ giúp đẩy nhanh việc phân cấp, ủy quyền cho cấp dưới, đất nước sẽ phát triển nhanh và bền vững hơn. Bởi vì, điều kiện của phân cấp ủy quyền là nhìn thấy.

Về làm thí điểm rồi phổ cập. Làm thí điểm thành công rồi phổ cập. Cái mới thì làm thí điểm. Làm thí điểm thì người đứng đầu chỉ đạo làm. Thí điểm thì cách làm là quan trọng. Làm thí điểm thì phải làm nhanh, làm đến cùng, làm xong, dùng được, có hiệu quả thiết thực. Cấp trên phải khuyến khích, hỗ trợ cấp dưới làm thí điểm. Thí điểm thì trọng tâm vào chỗ nào có thể tạo ra cái đột phá. Sau thí điểm thành công thì nhanh chóng tổng kết để nhân rộng, phổ cập ra toàn quốc. Phổ cập được thì mới gặt hái được thành công, thu hoạch được mùa màng. Là giai đoạn quyết định của thành công về đổi mới sáng tạo của một quốc gia hay một tổ chức. Phổ cập thì mục tiêu là quan trọng. Giai đoạn phổ cập thì giao mục tiêu cụ thể (có tiêu chuẩn, có chất lượng, có thời hạn), quản lý theo mục tiêu, không quản lý theo cách làm. Đây là giai đoạn đánh giá cán bộ (người đứng đầu) đạt hay không đạt.

Nguyễn Mạnh Hùng

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/muon-chuyen-doi-so-phai-ghi-nhan-cong-viec-cua-moi-nguoi-tren-moi-truong-so-2310595.html