Muốn có điểm tựa, thì lắng nghe dân

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lập tức giao Ủy ban Tài chính - Ngân sách, Ủy ban Kinh tế và các cơ quan có liên quan theo dõi diễn biến của giá xăng dầu, ngay khi giá mặt hàng này khiến dư luận hoài nghi, phân tâm, thậm chí một số nơi còn có tình trạng nháo nhác vì giá xăng.

Lời chào tháng 3

Theo yêu cầu của Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Tài chính - Ngân sách chủ trì, phối hợp với Ủy ban Kinh tế và các cơ quan có liên quan thực hiện: theo dõi, nắm bắt tình hình về sản xuất, nhập khẩu, bảo đảm nguồn cung ứng xăng dầu trong giai đoạn hiện nay và việc bình ổn thị trường xăng dầu trong nước; tình hình hoạt động và thực trạng về tài chính của Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn; giám sát việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 42/2021/QH15 ngày 13/11/2021 của Quốc hội (Nghị quyết kỳ họp thứ 2, Quốc hội Khóa XV). Báo cáo kết quả giám sát phải được hoàn thành và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) kết quả giám sát trong tháng 3/2022.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì phiên họp thứ 8 của UBTVQH, ngày 17/2/2022.

Chào tháng 3, giá xăng ngày 1/3 tăng 540 - 550 đồng mỗi lít, tiến sát con số 27.000 đồng mỗi lít, mức cao nhất từ trước tới nay. Trong vòng chưa đến 3 tháng, từ giữa tháng 12/2021 đến nay, đây là lần tăng thứ 6 liên tiếp của giá xăng trong nước. Tăng giá liên tục, nhưng điều làm người dân thấy bất an hơn là sự xuất hiện của các cây xăng “ba ngón”, chỉ bán nhỏ giọt mỗi khách hàng 30 nghìn đồng, tạo cảm giác mặt hàng này không những trở nên ngày càng đắt đỏ mà còn ngày càng khan hiếm.

Trong khi ở bên ngoài, căng thẳng giữa Nga và Ukraina khiến cả thị trường năng lượng thế giới “nín thở” theo. Ở trong nước, Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn giảm công suất từ trung tuần tháng 1 vì thiếu tiền nhập nguyên liệu và theo Bộ Công thương. Đây là khởi nguồn cho sự khan hiếm nguồn cung xăng dầu trong nước vừa qua, vì nhà máy này cung ứng tới hơn 30% cho thị trường nội địa. (Năm 2021, Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn sản xuất 6,7 triệu m3, tấn xăng dầu các loại, chiếm 34% thị phần cung ứng nội địa).

Nguồn: TTXVN

Giám sát tình hình hoạt động và thực trạng về tài chính của Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn, chính là một giải pháp mạnh để làm rõ ràng được việc khi đã được hưởng rất nhiều chính sách ưu đãi thì trách nhiệm của doanh nghiệp này với Nhà nước trong lúc khó khăn là thế nào; rõ được phương hướng điều hành xăng dầu. Nếu Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn vì lý do tài chính vẫn chưa thể hoạt động ổn định sau tháng 5, thì các kịch bản cụ thể thế nào đảm bảo nguồn cung, chứ không thể để xuất hiện nhiều hơn những cây xăng “ba ngón”, tạo áp lực kép cho người dân. Sự chủ động của Quốc hội, thêm một lần nữa, trở thành điểm tựa cho người dân, thêm một lần nữa giúp an dân.

“Nợ” dân quá nhiều

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thường nêu rõ quan điểm trong hoạt động của Quốc hội rằng, Quốc hội muốn có sức mạnh thì phải có điểm tựa là nhân dân, muốn có điểm tựa là nhân dân thì mọi lúc, mọi nơi phải luôn lắng nghe nhân dân.

Bởi vậy, ngay trong phiên khai mạc Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, tháng 7/2021, người đứng đầu Quốc hội đã kêu gọi các đại biểu Quốc hội trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội và đại biểu được quy định trong Hiến pháp, pháp luật; phát huy truyền thống 75 xây dựng và phát triển, kế thừa những kinh nghiệm, thành tựu của các khóa trước. Quốc hội và các vị đại biểu Quốc hội khóa XV cần nhận thức sâu sắc niềm tin, sự kỳ vọng của cử tri, thấy rõ những khó khăn, thuận lợi, thời cơ, đặc biệt trong bối cảnh đất nước đang đứng trước những thách thức chưa có tiền lệ để tiếp tục phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, gần dân, trọng dân, cầu thị, lắng nghe ý kiến của nhân dân; phát huy tối đa năng lực, bản lĩnh, trí tuệ, quyết tâm đổi mới, sáng tạo, bám sát thực tiễn, đem “hơi thở cuộc sống” vào nghị trường.

Có gắn kết, có quyền lực cao nhất

“Trong lắng nghe, giải tỏa các bức xúc cho người dân phải rà soát kỹ, thống kê cụ thể các vụ việc tồn đọng, kéo dài, xác định các vụ việc trùng lặp, phân loại theo từng lĩnh vực cụ thể nhằm xử lý triệt để, hạn chế phát sinh các vụ việc mới… Cùng với đó, quan tâm đến những vấn đề nổi lên thời gian gần đây có nguy cơ trở thành khiếu nại tố cáo phức tạp, như trong lĩnh vực đất đai có tình trạng bỏ cọc đấu thầu, cố tình không thực hiện hợp đồng mua bán đất đai, hợp đồng hứa mua hứa bán… Chọn lọc một số vụ việc nổi cộm, huy động báo chí, truyền thông đi sâu tìm hiểu, điều tra độc lập để có thêm một kênh thông tin phục vụ cho giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Nhân dân dựa vào Quốc hội. Quốc hội dựa vào nhân dân, có sự gắn kết như vậy mới làm nên một Quốc hội thực sự là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất”. - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Một trong những lĩnh vực mà Quốc hội khóa XV xác định phải có đổi mới đột phá đó là lắng nghe dân. Lần đầu tiên, trong các phiên họp hàng tháng, UBTVQH dành thời gian để xem xét về kết quả lắng nghe dân. UBTVQH cũng thành lập Đoàn giám sát của về “Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 1/7/2016 đến ngày 1/7/2021”.

Đoàn giám sát đã chỉ ra thực tế chính quyền các cấp còn “nợ” dân quá nhiều trong việc lắng nghe, khi tiếp công dân định kỳ của người đứng đầu. Phần lớn các địa phương chưa nêu cụ thể số ngày phải tiếp định kỳ theo quy định, chưa đánh giá đầy đủ trách nhiệm, hiệu quả tiếp công dân định kỳ của người đứng đầu.

Về giải quyết khiếu nại, tố cáo, báo cáo của các địa phương có nêu số vụ việc công dân khiếu nại đúng, tố cáo đúng chiếm tỷ lệ trên 6%, đúng một phần chiếm tỷ lệ khoảng 20% nhưng lại chưa nêu cụ thể sai sót của cơ quan hành chính các cấp; chưa nêu việc xử lý trách nhiệm, hình thức xử lý thuộc cấp nào, ngành nào…

Liên tục họp giải trình

Cũng trên tinh thần lắng nghe dân, UBTVQH yêu cầu các ủy ban của Quốc hội liên tục tiến hành các phiên giải trình đối với các thành viên Chính phủ. Theo đó, chỉ trong tuần cuối tháng 2, đã có ít nhất 3 phiên như vậy diễn ra, với sự có mặt của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ trưởng Bộ Nội vụ…

Các phiên giải trình theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội: Phải là hơi thở của cuộc sống.

Như phiên giải trình về “Tình hình tổ chức triển khai dạy và học trong bối cảnh Covid-19”, đại biểu Quốc hội Điểu Huỳnh Sang (Bình Phước) nêu lên tình trạng đứng trước “ngã ba đường” của phụ huynh học sinh: nếu không đưa học sinh đến trường sẽ ảnh hưởng đến quyền được học tập tốt nhất của các em, nhưng đi học trực tiếp thì lo nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn nêu rõ định hướng nhất quán của Bộ Giáo dục và Đào tạo là đưa học sinh quay lại trường. “Việc đưa học sinh quay trở lại trường học là xu thế tất yếu, không thể khác được. Tính đến 11 giờ trưa 25/2, tỷ lệ học sinh quay trở lại trường học là hơn 88,25%, tăng trên 15% so với thời điểm chưa quyết liệt với chủ trương này” - Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn thông tin

Hơn 2 năm qua, bởi dịch Covid-19, kế hoạch năm học bị đứt đoạn, chương trình và nội dung giáo dục phải điều chỉnh; gần 20 triệu trẻ em, học sinh, sinh viên và hơn 1 triệu giáo viên phải tạm dừng đến trường, chuyển sang dạy học trực tuyến, dạy học qua truyền hình trong nhiều tháng liên tiếp; hơn 70.000 sinh viên không thể ra trường đúng hạn. Bên cạnh việc học sinh phải ở nhà kéo dài, đặc biệt ảnh hưởng về sức khỏe thể chất và sức khỏe tâm thần, là đời sống vật chất đã khó khăn lại càng khó khăn của các thầy cô.

Bởi vậy, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tiếp tục tổ chức phiên giải trình “Về việc thực hiện chính sách, pháp luật trong tuyển dụng, sử dụng, quản lý đội ngũ giáo viên phổ thông, mầm non”. Tại phiên giải trình, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết Bộ Nội vụ thẩm định thấy thiếu trên 65.000 giáo viên. Bộ Nội vụ và Bộ Giáo dục, đào tạo sẽ cùng rà soát, nghiên cứu để bảo đảm nâng phụ cấp với giáo viên, ưu tiên cho giáo viên mầm non.

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/muon-co-diem-tua-thi-lang-nghe-dan-101290.html