Muộn còn hơn không

Trao đổi cùng phóng viên Báo Quân đội nhân dân, ông Nguyễn Hồng Minh, Phó tổng cục trưởng Tổng cục TDTT cho hay: Kể từ năm nay, ngành thể thao sẽ tiến hành kiểm tra doping tại các giải vô địch quốc gia, giải vô địch trẻ quốc gia theo các phương thức ngẫu nhiên, đột xuất, ngoài thi đấu...

SEA Games 2003, thể thao Việt Nam đại thắng nhưng cũng có chuyện xấu hổ khi 4 tuyển thủ quốc gia dính doping. Lâu nay, nói đến việc kiểm tra doping ở các giải đấu trong nước, người trong cuộc thường coi đó là chuyện... trên trời. Thứ nhất, kinh phí đâu để tiến hành thử doping? Thứ hai, chẳng thấy bộ môn nào tiến hành thử doping, tự nhiên mình lại “gáy” giữa làng? Thứ ba, chuyện thử doping không đưa vào điều lệ tổ chức giải đấu, không thấy trên nhắc nhở, chỉ đạo nên các bên cứ lặng lẽ lờ đi chuyện này.

 Đô cử Văn Vinh bị IWF phát hiện sử dụng doping. Ảnh: IWF.

Đô cử Văn Vinh bị IWF phát hiện sử dụng doping. Ảnh: IWF.

Thế rồi thời gian vừa qua, ngành thể thao "muối mặt" khi liên tiếp có VĐV cử tạ dính doping. 17 năm qua, thể thao Việt Nam có 16 VĐV bị phát hiện dương tính với chất bị cấm. Cử tạ là môn có nhiều VĐV dính nhất, với 6 đô cử bị phát hiện, qua các cuộc kiểm tra bắt buộc tại các giải đấu và kiểm tra đột xuất do Liên đoàn Cử tạ thế giới (IWF) thực hiện. Sau cử tạ, các đội/môn khác của chúng ta có dính tới chất cấm gồm: Điền kinh (2 trường hợp), thể hình (2 trường hợp), lặn (2 trường hợp), canoeing (1 trường hợp), boxing (1 trường hợp), thể dục dụng cụ (1 trường hợp) và futsal (1 trường hợp). Trong đó, sự cố của VĐV thể dục dụng cụ Ngân Thương tại Olympic 2008 chính là ca doping “vô duyên” nhất trong các kỳ đại hội thể thao quốc tế. Ngân Thương dùng thuốc lợi tiểu để giảm cân, thậm chí tuyển thủ này còn dùng liều cao gấp nhiều lần so với chỉ định của bác sĩ. Hậu quả là khi bị ban tổ chức Olympic 2008 lấy mẫu xét nghiệm thì Ngân Thương dính doping.

Tuyển thủ điền kinh Vũ Thi Ly, từng đoạt HCV SEA Games, đã dính doping vì dùng thuốc tây chữa bệnh. Liên đoàn Điền kinh thế giới (IAAF) sau khi điều tra kỹ lưỡng đã quyết định cấm Ly thi đấu một tháng. Mọi chuyện bắt đầu từ Đại hội Thể thao bãi biển châu Á, diễn ra tháng 10-2016 tại TP Đà Nẵng. Xét nghiệm doping cho thấy VĐV Vũ Thị Ly dương tính với chất cấm. Theo tường trình của Ly và HLV, nguyên nhân là do cô bị cảm, phải dùng thuốc tây để điều trị theo toa thuốc của bác sĩ. Loại chất trong thuốc tây điều trị lúc đầu không nằm trong danh mục bị cấm của Ủy ban Phòng, chống doping thế giới (WADA), nhưng sau đó trong danh sách cập nhật lại có chất này. Vũ Thị Ly bị xét nghiệm dính doping nhưng do cô không cố ý sử dụng nên chỉ bị IAAF cấm thi đấu một tháng.

Trước việc cử tạ Việt Nam có nguy cơ bị cấm thi đấu ở Olympic Tokyo, SEA Games 31-2021, ngành thể thao đã phải nhanh chóng vào cuộc. Ông Nguyễn Hồng Minh cho biết: “Trung tâm Doping và Y học Thể thao (Tổng cục TDTT) có thể chọn ngẫu nhiên hay yêu cầu lấy mẫu thử đột xuất của VĐV tại bất cứ giải đấu nào nằm trong giải vô địch quốc gia, giải trẻ vô địch quốc gia. Cùng với đó, việc lấy mẫu còn được thực hiện ngay trong thời gian tập huấn, không chỉ ở đội tuyển quốc gia mà cả các địa phương”.

Được biết, những môn có nguy cơ cao dính chất cấm, như: Điền kinh, bơi, cử tạ, xe đạp, thể hình... sẽ được ngành thể thao tập trung kiểm tra doping theo phương thức đột xuất và ngẫu nhiên. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia và HLV kỳ cựu của làng thể thao nước nhà, việc kiểm tra doping đáng ra phải được ngành thể thao tiến hành từ lâu, trên diện rộng ngay từ sau SEA Games 2003. Nếu không vì cử tạ nước nhà có nhiều đô cử bị IWF phát hiện sử dụng doping ở các giải đấu quốc tế, chưa chắc ngành thể thao đã vào cuộc quyết liệt để xử lý vấn nạn sử dụng chất cấm.

THU HIỀN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/the-thao/trong-nuoc/muon-con-hon-khong-649100