Muốn dân tin yêu thì Công an nhân dân phải 'thực sự trong sạch, vững mạnh'

Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chú trọng công tác giáo dục đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên. Người nhấn mạnh, để Đảng trong sạch, vững mạnh, xứng đáng là đạo đức, là văn minh, mỗi cán bộ, đảng viên phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân. Trong Di chúc, Người căn dặn: 'Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân'. Vinh dự, tự hào được sống trong thời đại Hồ Chí Minh; được học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Nhìn lại, những lời huấn thị, căn dặn, bài học lịch sử vẫn còn vẹn nguyên giá trị thời đại. Kế thừa và tiếp nối, Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 16-3-2022 của Bộ Chính trị về xây dựng lực lượng Công an nhân dân đã dùng thuật ngữ 'thực sự trong sạch, vững mạnh' để nhấn mạnh, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII và các Nghị quyết chuyên đề về xây dựng lực lượng Công an nhân dân đặt trong tổng thể chủ trương xây dựng, chỉnh đốn Đảng, hệ thống chính trị 'trong sạch, vững mạnh', xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, xây dựng đội ngũ cán bộ ngang tầm nhiệm vụ. An ninh Thủ đô đã có cuộc trao đổi với Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Viết Thảo - nguyên Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh xung quanh vấn đề này.

Chuẩn mực đạo đức của công cụ chuyên chính, sắc bén của Đảng

- Phóng viên: Thưa Phó Giáo sư, sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến việc giáo dục đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên nói chung và lực lượng Công an nhân dân nói riêng. Tại Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh xây dựng lực lượng Công an nhân dân thực sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có gợi mở một số vấn đề về công tác xây dựng lực lượng Công an nhân dân, trong đó yêu cầu phải chú trọng xây dựng lực lượng Công an nhân dân có phẩm chất đạo đức trong sáng. Vậy vấn đề này có tầm quan trọng như thế nào?

- Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Viết Thảo - nguyên Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh: Để hiểu sâu sắc vấn đề này, chúng ta cần phải bắt đầu từ một số dấu mốc của công tác xây dựng đảng, bởi lực lượng Công an nhân dân là công cụ chuyên chính, sắc bén của Đảng. Công tác xây dựng đảng nói chung, xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng trong đó có lực lượng Công an nhân dân nói riêng, là mối quan tâm lớn, thường xuyên của những nhà kinh điển trên thế giới, sau đó đến các đồng chí lãnh tụ, lãnh đạo sự nghiệp cách mạng của tất cả các quốc gia. Hai nhà kinh điển C. Mác và Ph. Ănghen là những người sáng lập ra học thuyết của giai cấp vô sản, trong đó có nội dung xây dựng chính đảng tiền phong. C.Mác và Ph.Ănghen rất chú trọng đến nhiệm vụ xây dựng đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức bộ máy, cán bộ. Nhưng bản thân hai nhà kinh điển này chưa phải đảm nhiệm trực tiếp sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội nào, chưa thật sự phải lãnh đạo một cuộc cách mạng vô sản nào. Tuy nhiên trên phương diện lý luận, tư tưởng thì cả hai đã rất chú trọng đến học thuyết xây dựng đảng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Sở Công an Hà Nội tại Hội nghị tổng kết công tác năm (ngày 21-12-1956)

V.I. Lênin là vị lãnh tụ đầu tiên trên thế giới phải trực tiếp lãnh đạo một cuộc cách mạng vô sản (Cách mạng Tháng Mười Nga), đồng thời phải trực tiếp lãnh đạo công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội đầu tiên ở nước Nga Xô Viết và sau đó là Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô Viết. Vì thế, V.I. Lênin đã kế thừa, bổ sung, phát triển học thuyết xây dựng đảng do C.Mác - Ph.Ănghen nêu ra và phát triển ngang tầm với yêu cầu nhiệm vụ của sự nghiệp cách mạng ở nước Nga vào đầu thế kỷ XX. V.I. Lênin rất nổi tiếng với học thuyết xây dựng chính đảng kiểu mới của giai cấp công nhân. Đảng kiểu mới là Đảng Bôn-sê-vích, ra đời ở một nước không phải là tư bản phát triển và phải lãnh đạo sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội tại đó, phải chống nguy cơ chiến tranh của bè lũ đế quốc trên thế giới nhằm đè bẹp nước Nga Xô Viết. Đặc biệt, chính đảng ấy phải xây dựng công cuộc kiến thiết chủ nghĩa xã hội, cải tạo kinh tế - xã hội theo các mục tiêu của chủ nghĩa xã hội.

Đó là sự nghiệp rất gian nan, vĩ đại trên tất cả các lĩnh vực từ kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại… Nó lớn lao và mới mẻ đến mức, ngay từ ngày ấy, V.I. Lênin đã nói là phải thay đổi căn bản toàn bộ nhận thức của chúng ta về chủ nghĩa xã hội, trong đó có nhiệm vụ xây dựng đảng, thì mới đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước Nga và Liên Xô. V.I. Lênin đặc biệt coi trọng việc xây dựng chính đảng tiền phong của giai cấp công nhân, của quần chúng cách mạng, tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ. Đây là điều rất đúng đắn cho sự nghiệp cách mạng, để làm sao toàn Đảng trở thành một bộ tham mưu, chiến đấu có tổ chức, tập trung dân chủ, thống nhất, đủ sức lãnh đạo quần chúng chống thù trong giặc ngoài, vì mục tiêu của chủ nghĩa xã hội. Trong các nguyên tắc tổ chức sinh hoạt Đảng mà V.I. Lênin nêu ra có một nguyên tắc rất quan trọng - đó là nguyên tắc đảng phải gắn bó mật thiết với nhân dân.

Lãnh tụ Hồ Chí Minh của chúng ta ngay từ ngày thành lập Đảng cho đến quá trình lãnh đạo Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa với tư cách là Nhà nước xã hội chủ nghĩa, một mặt lãnh tụ Hồ Chí Minh yêu cầu quán triệt, thực hiện rất nghiêm túc các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt đảng cộng sản do C. Mác, Ph. Ănghen, V.I. Lênin nêu ra. Nhưng mặt khác, lãnh tụ Hồ Chí Minh cũng xuất phát từ những yêu cầu cụ thể của sự nghiệp cách mạng ở nước ta - một đất nước thuộc địa làm cách mạng giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước, quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội từ xuất phát điểm rất thấp về kinh tế, xã hội - đã đặc biệt coi trọng việc xây dựng đảng về mặt đạo đức chứ không chỉ xây dựng đảng về mặt chính trị, tư tưởng, tổ chức cán bộ…

Chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng đồng chí Phạm Hùng tại Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ V (năm 1950) và đã được đồng chí Phạm Hùng tặng lại Ty Công an Gia Định để nhắc nhở cán bộ, chiến sĩ học tập, thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy

Ngay trong tác phẩm “Đường cách mệnh” mà Bác sử dụng để huấn luyện cán bộ cách mạng trong quá trình thành lập đảng, điều đầu tiên Bác đề cập đến là “tư cách người cách mạng”. Vậy người cách mạng phải có những tư cách gì? Đó là tư cách đạo đức, tư cách cán bộ, tư cách công dân, tư cách con người… Tại sao Bác lại quan tâm đến tư cách người cách mạng như vậy? Vì Bác hiểu rằng, cái đức là gốc của con người. Bác luôn luôn chú trọng thực hiện xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa, trong đó có người cán bộ cách mạng vừa hồng, vừa chuyên, vừa có đức, vừa có tài. Trong đó, cái đức là gốc của mọi công việc. Bác nói: “Người có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó. Nhưng có tài mà không có đức là người vô dụng”. Vì thế, tổ chức, cách mạng không nên dùng những con người chỉ có tài mà không có đức.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Viết Thảo, nguyên Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (bên trái) trao đổi với phóng viên An ninh Thủ đô

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Viết Thảo, nguyên Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (bên trái) trao đổi với phóng viên An ninh Thủ đô

Trong sự nghiệp giáo dục cán bộ, đào tạo cán bộ - mà Bác luôn định nghĩa là công tác huấn luyện cán bộ - phải rất chú trọng huấn luyện về mặt đạo đức, về mặt tư cách cán bộ cách mạng, sau đó mới huấn luyện về mặt năng lực, trình độ lãnh đạo, quản lý… Năm 1949, khi đến thăm lớp học của trường Nguyễn Ái Quốc Trung ương (nay là Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh), Bác đã nói một câu mà nay trở thành phương châm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo quản lý, đồng thời là một triết lý về giáo dục của Việt Nam. Bác hỏi: “Các cô, các chú đến đây học để làm gì?”. Rồi Người giải thích luôn: “Học để làm việc.

Học để làm người. Sau đó mới học để làm cán bộ”. Do đó, khi thực hiện biên soạn giáo trình, chương trình, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh luôn luôn quán triệt điều đó. Huấn luyện cán bộ để “làm việc” như lời Bác nói tức là phải đào tạo người cán bộ lãnh đạo sao cho họ đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong từng thời kỳ. Vì thế, nội dung chương trình cũng phải thay đổi thường xuyên. Tiếp đến, phải đặc biệt giáo dục cán bộ nguyên tắc “làm người” - làm người hiểu theo đúng nghĩa của từ này, sau đấy mới học để đáp ứng những chuẩn chức danh của cán bộ. Muốn vậy phải “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”, đó là chuẩn đạo đức của người cán bộ cách mạng. Có thể xem đây cũng là tiêu chuẩn của người công dân cách mạng, nhưng với tư cách là người cán bộ quản lý thì chính họ phải tiên phong đi đầu trong việc thực hiện những chuẩn mực con người này.

Lực lượng Công an nhân dân với tư cách là lực lượng vũ trang, là công cụ chuyên chính của Đảng thì đương nhiên phải đi đầu thực hiện những chuẩn mực trên. Thế mới xứng đáng là “thanh bảo kiếm và lá chắn” của Đảng, của chế độ. Khi Bác nêu ra quan điểm, tư tưởng, cũng như chỉ đạo thực hiện việc xây dựng đảng về mặt đạo đức như thế nghĩa là Người đã góp phần bổ sung, phát triển lý luận xây dựng đảng cộng sản trong thời đại mới. Các nhà kinh điển chỉ nhấn mạnh xây dựng đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức bộ máy, cán bộ, còn lãnh tụ Hồ Chính Minh nhấn mạnh thêm xây dựng đảng về mặt đạo đức.

Không có ai khác trên thế giới ngoài Hồ Chí Minh định nghĩa Đảng cộng sản là đạo đức, là văn minh. Vì thế, mỗi cán bộ, đảng viên phải thấm nhuần đạo đức cách mạng, phải trở thành người đầy tớ thật trung thành của nhân dân. Hồ Chí Minh của chúng ta, Hồ Chí Minh của cộng sản toàn thế giới là lãnh tụ đầu tiên, duy nhất cho đến nay xác lập phương diện xây dựng đảng về mặt đạo đức và đặc biệt coi trọng vấn đề đạo đức của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, trong đó có lực lượng Công an nhân dân.

Cách mạng nghĩa là phải “thực sự trong sạch, vững mạnh”

- Nói như vậy nghĩa là phẩm chất đạo đức của cán bộ là yếu tố quyết định trực tiếp đến việc xây dựng lực lượng Công an nhân dân “thực sự trong sạch, vững mạnh” có phải vậy không, thưa Phó Giáo sư?

- Đúng vậy! Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 16-3-2022 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh xây dựng lực lượng Công an nhân dân thực sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới” đã đặt lên hàng đầu nhiệm vụ phải “thực sự trong sạch, vững mạnh”. Đó là sự thấm nhuần sâu sắc Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng ở mặt đạo đức. Khi có đạo đức thì sẽ “thực sự trong sạch”, và khi đã “thực sự trong sạch” thì chắc chắn sẽ “vững mạnh” - đó sẽ là một đội ngũ thực sự cách mạng. Việc cụ thể hóa “xây dựng lực lượng Công an nhân dân thực sự trong sạch, vững mạnh” thay cho “xây dựng lực lượng Công an nhân dân cách mạng” là một điểm mới, có thể gọi đó là sự sáng tạo rất kịp thời của Đảng. Chúng ta sẽ không hiểu khái niệm “cách mạng” một cách chung chung, trừu tượng, mà trong hoàn cảnh cụ thể hiện nay, cách mạng nghĩa là phải thực sự trong sạch, vững mạnh.

Trong sạch là không bị vướng vào những tham nhũng, tiêu cực. Ở đây, Đảng còn nhấn rất mạnh là phải “thực sự trong sạch”, nghĩa là phải kiên quyết phòng, chống, tẩy trừ, khắc phục những hiện tượng, nguy cơ tham nhũng, tiêu cực trong lực lượng Công an nhân dân. Trong sạch phải được hiểu theo nghĩa đó. Tại sao bây giờ Đảng lại phải đặt ra vấn đề này với lực lượng Công an nhân dân? Không phải chỉ vì cơ sở lý luận Công an nhân dân là lực lượng chuyên chính của Đảng cầm quyền, mà xuất phát từ thực tiễn.

Trong những năm qua, lực lượng Công an nhân dân của chúng ta đã rất cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, ngày càng hiện đại. Đã có rất nhiều tấm gương trên mọi phương diện được Đảng, Nhà nước và nhân dân tin yêu. Nhưng bên cạnh đó cũng phải thừa nhận sự thật là có một bộ phận không nhỏ cán bộ, chiến sĩ chưa thực sự xứng đáng với niềm tin ấy, chưa thực sự xứng đáng với vai trò, vị trí cực kỳ quan trọng của lực lượng Công an nhân dân trong sự nghiệp cách mạng. Những trường hợp bị xử lý vừa qua, từ cán bộ cấp cao đến cán bộ cấp cơ sở trong lực lượng Công an nhân dân không còn là cá biệt nữa.

Đây không chỉ là nỗi lo của riêng lực lượng Công an nhân dân mà còn là sự quan tâm, lo lắng chung của toàn Đảng, toàn xã hội. Khi Bộ Chính trị đặt ra yêu cầu phải xây dựng lực lượng Công an nhân dân “thực sự trong sạch” - đó là bản lĩnh chính trị nhìn thẳng vào vấn đề. Chúng ta ý thức được điều này và phải quyết tâm làm trong sạch đội ngũ, phải “thực sự trong sạch”. Công an phải cùng với toàn Đảng, toàn dân làm công việc này. Đảng ta rất sáng tạo khi là một trong những đảng đầu tiên trên thế giới nói rằng “phải dựa vào dân để xây dựng Đảng”. Chưa có một nhà kinh điển nào, chưa có một Đảng cộng sản nào trên thế giới nêu ra quan điểm như thế. Khi Đảng “phải dựa vào dân để xây dựng Đảng” thì Công an nhân dân cũng vậy. Công an của chúng ta là Công an của nhân dân thì dứt khoát phải dựa vào dân để xây dựng lực lượng, điều này vô cùng quan trọng. Và muốn dựa vào dân thì phải làm cho dân tin yêu, muốn dân tin yêu thì lực lượng Công an nhân dân phải “thực sự trong sạch, vững mạnh”.

Đảng và toàn dân rất tin tưởng ở lực lượng Công an nhân dân

- Bên cạnh việc xây dựng lực lượng Công an nhân dân thực sự trong sạch, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng lưu ý là phải có cả bản lĩnh chính trị, tư tưởng vững vàng. Điều này có ý nghĩa như thế nào đối với lực lượng Công an nhân dân trong hoàn cảnh hiện nay?

- Hãy nhìn lại sự đổ vỡ đầy bị kịch của chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa xã hội trên thế giới trong hơn 100 năm qua, đặc biệt là cơn đổ vỡ năm 1991. Những thứ đó có phải xuất phát từ việc bị thực dân, đế quốc tấn công bằng bom đạn, vũ khí không? Không! Chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa xã hội chưa bao giờ thất bại trước bom đạn của thực dân, đế quốc. Nhưng những tổn thất, mất mát đó hoàn toàn là do tự thất bại, tự tan rã từ bên trong. Liên Xô hùng cường từng chiến thắng chủ nghĩa phát xít như thế, vậy mà chính Đảng cộng sản Liên Xô lại bị phân rã, phân hóa, phân liệt từ bên trong.

Điều này bắt đầu từ đâu? Đó chính là từ tư tưởng. Các đảng viên Đảng cộng sản Liên Xô, trong đó có lực lượng Công an Xô Viết, là con em một dân tộc anh hùng cách mạng, thế mà vẫn tan rã. Tan rã trước hết là do tư tưởng bị phân rã, phân hóa, phân liệt nặng nề. Vì thế, phải nhìn thẳng vào bi kịch này để dứt khoát xây dựng lực lượng Công an nhân dân của chúng ta không những chỉ “thực sự trong sạch” mà còn phải “vững mạnh”, vững vàng về tư tưởng, không mơ hồ, không dao động, không ảo tưởng về chủ nghĩa tư bản.

Tiếp đó là phải “vững mạnh”, vững vàng về mặt chính trị, phải thấm nhuần đường lối cách mạng, trong đường lối đổi mới phải kịp thời đưa ra những chủ trương, chính sách xây dựng lực lượng, đáp ứng yêu cầu của từng giai đoạn, thời kỳ. Đường lối chung của cách mạng Việt Nam thì có Đại hội Đảng toàn quốc lo, Trung ương lo, nhưng chủ trương, chính sách xây dựng lực lượng trong từng thời kỳ thì Công an nhân dân phải đi đầu, phải tham mưu với Trung ương Đảng. Rồi những chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia trong một thế giới đầy biến động, bảo vệ an ninh quốc gia trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội với vô vàn những vấn đề mới mà các giai đoạn trước ta không phải đối mặt thì nay Công an nhân dân phải tiên phong.

Sau nữa là phải xây dựng tổ chức bộ máy tinh gọn, tinh nhuệ, hiệu lực, hiệu quả theo các Nghị quyết của Trung ương để chống bằng được suy thoái. Chúng ta “thực sự trong sạch” nhưng cũng cần “vững mạnh”, vững vàng thì mới chống được suy thoái. Mà thực trạng suy thoái trong Đảng, trong xã hội nghiêm trọng đến mức ở các nhiệm kỳ đại hội Đảng vừa qua chúng ta đều đã nhắc đi nhắc lại. Đây là một nguy cơ, thách thức không thể xem thường bởi nó không tồn tại ở một bộ phận nhỏ, ở số ít, mà là ở một bộ phận không nhỏ cán bộ. Suy thoái không phải chỉ trên những lĩnh vực thứ yếu mà suy thoái về chính trị, về tư tưởng, về đạo đức, về lối sống, về tác phong… - toàn những vấn đề trọng yếu, cốt tử cả. Do đó, “vững mạnh”, vững vàng là phải chống bằng được những suy thoái này.

Những nhiệm kỳ vừa qua chúng ta nói rất nhiều đến “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Các thế lực thù địch, phản động luôn luôn tác động tiêu cực đến chúng ta bằng đủ mọi cách, mọi thủ đoạn. Nhưng nếu chúng ta có bị chuyển biến theo, chuyển hóa thành những thực thể đối lập đó thì do chính chúng ta trước tiên. Vì thế, Đảng ta đã xác định một cách đầy dũng khí là phải chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, tức là ta phải chống từ bên trong, còn tác động của các thế lực thù địch vốn đã luôn luôn như vậy.

Chúng ta đứng vững hay sa ngã là chủ yếu do chính chúng ta quyết định, tác động bên ngoài vốn luôn thường trực rồi, nhưng tại sao vẫn có những người đứng vững và vẫn có người sa ngã? Đấy là do nội lực, nội tại của mỗi người quyết định là chính. Công an nhân dân đương nhiên phải là lực lượng chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” một cách nghiêm khắc, nghiêm túc, thường xuyên, thường trực nhất. Không thể cho phép có một biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” nào trong lực lượng Công an nhân dân, đặc biệt là trong đội ngũ lãnh đạo, đội ngũ lãnh đạo cấp cao, đội ngũ lãnh đạo cấp chiến lược.

Nếu phát hiện có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” thì nhất thiết phải xử lý nghiêm, kịp thời, kiên quyết, không nhân nhượng. Có thế mới cứu được cả lực lượng như đồng chí Tổng Bí thư đã nói: “Chúng ta có đau xót, nhưng phải chấp nhận hy sinh vài người, hy sinh một số người để cứu lấy cả sự nghiệp cách mạng, để đảm bảo cơ đồ của quốc gia, dân tộc”. Đây không phải báo động giả, đây là những nguy cơ, thách thức không thể xem thường đối với sự tồn vong của Đảng, của sự nghiệp cách mạng, của công cuộc đổi mới đất nước. Đây cũng là những lý do, cơ sở thực tiễn trong quan điểm, chủ trương “xây dựng lực lượng Công an nhân dân thực sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới”. Và đương nhiên, khi đề ra chủ trương này, Trung ương Đảng cũng như toàn dân rất tin tưởng ở lực lượng Công an nhân dân.

Dù biết rằng cách mạng là thường trực, thường xuyên, nhưng với nội dung yêu cầu “xây dựng lực lượng Công an nhân dân thực sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới” thì tôi cho rằng, đây là một Nghị quyết nêu ra những định hướng rất chính xác, thiết thực, cụ thể. Chúng ta hoàn toàn tin rằng, lực lượng Công an nhân dân sẽ đáp ứng được mong mỏi của toàn Đảng, toàn dân. Và chỉ có như vậy thì Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 16-3-2022 của Bộ Chính trị mới thực sự thành công.

- Trân trọng cảm ơn Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Viết Thảo về những ý kiến trao đổi này!

(Còn nữa)

P.V

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/muon-dan-tin-yeu-thi-cong-an-nhan-dan-phai-thuc-su-trong-sach-vung-manh-post519535.antd