Muốn đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, phải có đội ngũ cán bộ xứng tầm

Xây dựng đội ngũ cán bộ phải luôn được xem là xương sống trong đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng. Muốn đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, phải có đội ngũ cán bộ xứng tầm, được bố trí đúng năng lực, sở trường, chuyên môn.

Chiều ngày 15/7 tại TP. Đà Nẵng, Ban Tổ chức Trung ương, Hội đồng Lý luận Trung ương phối hợp với Thành ủy Đà Nẵng tổ chức hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề "Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị - những vấn đề lý luận và thực tiễn" tại khu vực miền Trung-Tây Nguyên.

Quang cảnh hội thảo - Ảnh: VGP/Lưu Hương

Quang cảnh hội thảo - Ảnh: VGP/Lưu Hương

Hội thảo nhằm nhận diện vấn đề, phân tích, đánh giá những thành tựu, hạn chế, nguyên nhân và tổng kết bài học kinh nghiệm qua 15 năm thực hiện Nghị quyết số 15 năm 2007 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị.

Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng, khẳng định, qua hai cuộc hội thảo đã tổ chức ở khu vực miền Bắc và miền Nam, để hội thảo lần này có nhiều ý nghĩa thiết thực, tiếp tục có thêm những đóng góp mới, hội thảo cần thảo luận rõ, làm sâu sắc hơn một số vấn đề mới, một số vấn đề còn đang có ý kiến khác nhau, có tính thời sự nổi bật ở nội dung trọng tâm.

Thứ nhất là đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả của việc xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện các nghị quyết của Đảng.

Thứ hai là đổi mới công tác tuyên truyền, thuyết phục, vận động của Đảng đổi với tổ chức, cá nhân trong hệ thống chính trị và xã hội.

Thứ ba là đổi mới mạnh mẽ công tác dân vận của Đảng, nhân rộng các mô hình dân vận thành công.

Thứ tư là tiếp tục đổi mới phát huy vai trò của Đảng, đảng viên hoạt động trong hệ thống chính trị, nhất là các cơ quan nhà nước.

Thứ năm là đổi mới, tăng cường, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giảm sát đối với tổ chức đảng, đảng viên.

Thứ sáu là tăng cường xây dựng Đảng về đạo đức, phát huy trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên.

Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng phát biểu tại hội thảo - Ảnh: VGP/Lưu Hương

Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng phát biểu tại hội thảo - Ảnh: VGP/Lưu Hương

Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định, đây là vấn đề mới, căn cốt, được Đảng ta quan tâm chú trọng trong thời gian qua. Vì vậy, hội thảo cần thảo luận, cho ý kiến về phương hướng tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định về nêu gương, người có chức vụ càng cao, càng phải gương mẫu, về lấy phiếu tín nhiệm dựa trên tiêu chí đánh giá cán bộ và kết quả công việc.

Ban Tổ chức hội thảo đã nhận được 35 tham luận của đại diện các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương; 11 ý kiến tham luận trình bày tại hội thảo đã tập trung làm rõ, sâu sắc hơn những vấn đề lý luận và thực tiễn về đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị trong tình hình mới. Những vấn đề có ý nghĩa nhiều mặt đối với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị nói riêng, sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc nói chung.

Đội ngũ cán bộ tốt thì mới đổi mới được phương thức lãnh đạo tốt

Phát biểu tại hội thảo, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai nhấn mạnh: Các ý kiến phát biểu tại Hội thảo đều thừa nhận những thành quả của những năm đổi mới; phương thức lãnh đạo của Đảng liên tục được đổi mới, có kết quả trên nhiều lĩnh vực.

Trưởng Ban Tổ chức Trung ương cho rằng, đội ngũ cán bộ tốt thì mới đổi mới được phương thức lãnh đạo tốt - Ảnh:VGP/Lưu Hương

Trưởng Ban Tổ chức Trung ương cho rằng, đội ngũ cán bộ tốt thì mới đổi mới được phương thức lãnh đạo tốt - Ảnh:VGP/Lưu Hương

Trong quá trình lãnh đạo, Đảng kịp thời ban hành chủ trương, đường lối, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện, phát huy dân chủ, đổi mới phương thức, lề lối làm việc, tăng cường công tác duy trì vận động, không chỉ cán bộ đảng viên mà còn trong nhân dân; đưa đường lối chủ trương của Đảng vào cuộc sống, đặc biệt coi trong công tác cán bộ, tổ chức bộ máy hệ thống chính trị, công tác kiểm tra giám sát; phải tiếp tục làm sao cho cho phương thức lãnh đạo của Đảng mang lại những kết quả như mong muốn.

Phương thức lãnh đạo của Đảng là một vấn đề đặc biệt quan trọng, là một yêu cầu đối với vai trò lãnh đạo của Đảng, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực làm việc đối với đảng viên, đối với những người lãnh đạo của Đảng. Yêu cầu phương thức này phải toàn diện, xuyên suốt, đồng bộ, vận dụng cao nhất để đạt được hiệu quả để đưa đường lối, chủ trương, quan điểm của Đảng vào cuộc sống. Đây là yêu cầu rất là cao trong đổi mới để tăng hiệu quả của phương thức lãnh đạo Đảng.

Vấn đề được đề cập nhiều nhất là quan điểm đường lối được thể hiện qua hệ thống văn bản của Đảng, cả về nội dung và hình thức. Cần đổi mới cách thức ban hành văn bản của Đảng, tạo thuận lợi nhất cho quá trình triển khai đưa chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng vào cuộc sống nhanh, kịp thời và hiệu quả hơn.

Từ đường lối quan điểm đến vấn đề thể chế, các quy định, quy chế, quy trình phải cụ thể, rõ ràng, đi vào cuộc sống nhanh hơn, kiểm tra đánh giá thuận lợi hơn. Đồng thời cần nâng cao năng lực dự báo, đánh giá tình hình, cụ thể hóa để bảo đảm việc tổ chức thực hiện phải phù hợp với đặc điểm, địa bàn, đơn vị cơ quan, tổ chức khác nhau.

Nhiều đại biểu đề cập đến cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ và hoạt động của các tổ chức hệ thống chính trị. Làm sao cho phương thức Đảng lãnh đạo thông qua tổ chức Đảng và đảng viên hoạt động trong các tổ chức hệ thống chính trị đạt được hiệu quả cao. Phương thức là chung, nhưng việc vận hành sẽ khác vì chức năng nhiệm vụ của các tổ chức khác nhau. Ví dụ như các cơ quan, tổ chức Nhà nước như Quốc hội, HĐND, Mặt trận Tổ quốc… sẽ vận hành khác nhau trên cơ sở nguyên tắc chung.

Về trách nhiệm, quyền hạn, mối quan hệ công tác giữa tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, mối quan hệ tập thể với người đứng đầu, chúng ta đã có quy chế làm việc, nhưng vẫn còn một số điểm chưa phân định rõ, cần được tiếp tục làm sáng tỏ, cần rõ ràng hơn, tạo thuận lợi hơn trong các mối quan hệ công tác. Phải làm sao để Đảng không bao biện làm thay, không buông lỏng lãnh đạo. Muốn vậy phải dựng hệ thống quy chế, quy định làm việc rõ ràng, minh bạch.

Về công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, yêu cầu là đội ngũ cán bộ phải có đủ phẩm chất, uy tín ngang tầm nhiệm vụ được giao. Đội ngũ cán bộ tốt thì mới đổi mới được phương thức lãnh đạo, kịp thời, hiệu quả. Vì vậy, xây dựng đội ngũ cán bộ phải luôn được xem là xương sống trong đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng. Muốn đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, phải có đội ngũ cán bộ xứng tầm, được bố trí đúng năng lực, sở trường, chuyên môn.

Về đổi mới phong cách, lề lối làm việc, đường lối quan điểm của Đảng phải được chuyển tải thông qua phương thức hoạt động có hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng, đối ngoại, nâng cao cuộc sống nhân dân, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sách vững mạnh, nâng cao mối quan hệ mất thiết giữa Đảng với nhân dân trong suốt quá trình phát triển. Làm sao để tối ưu hóa quá trình vận hành phương thức lãnh đạo của Đảng để có được hiệu quả tốt nhất. Phát huy tối đa chức năng nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị qua phương thức lãnh đạo của Đảng.

"Những ý kiến tâm huyết, trí tuệ, trách nhiệm của các đại biểu tại hội thảo sẽ giúp Ban Chỉ đạo có cơ sở lý luận và thực tiễn vững chắc hơn khi xác định các nội dung đưa vào Đề án trình Ban Chấp hành Trung ương vào thời gian tới, để Trung ương xem xét, ban hành Nghị quyết về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong điều kiện mới", Trưởng ban Tổ chức Trung ương thông tin.

Lưu Hương

Nguồn Chính Phủ: https://baochinhphu.vn/muon-doi-moi-phuong-thuc-lanh-dao-cua-dang-phai-co-doi-ngu-can-bo-xung-tam-102220715205100299.htm