Muốn được việc phải khắc phục bệnh giấy tờ

Bệnh giấy tờ là một thuật ngữ được Chủ tịch Hồ Chí Minh dùng để phê phán cách làm việc quan liêu, chủ quan, không gần gũi nhân dân, không bám sát cơ sở, không bám sát thực tế chỉ 'thích làm việc bằng giấy tờ thật nhiều'.

Theo Hồ Chí Minh, biểu hiện cụ thể của bệnh giấy tờ là “Ngồi một nơi chỉ tay năm ngón không, chịu xuống địa phương kiểm tra công tác và để chỉ vạch những kế hoạch thi hành chỉ thị, nghị quyết của đoàn thể cho chu đáo. Những chỉ thị, nghị quyết cấp trên gửi xuống các địa phương có thực hiện được hay không, các đồng chí cũng không biết đến” (Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, t5, tr 89).

Về tác hại của bệnh giấy tờ, Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Cái lối làm việc như vậy rất có hại. Nó làm cho chúng ta không đi sát phong trào, không hiểu rõ được tình hình bên dưới, cho nên phần nhiều chủ trương của chúng ta không thi hành được đến nơi đến chốn”.

Bệnh giấy tờ, bệnh chủ quan, bệnh hình thức, bệnh quan liêu có những điểm chung, thực chất là xa dân, xa thực tế. Hồ Chí Minh cho rằng muốn được việc thì cán bộ phải tránh cho được các bệnh nói trên. Theo Người:

“Cán bộ tỉnh phải đến tận các huyện, các xã.

Cán bộ huyện phải đến tận các xã, các thôn.

Cán bộ phải chân đi, mắt thấy, tai nghe, miệng nói, tay làm, óc nghĩ.

Để thiết thực điều tra, giúp đỡ, kiểm soát, rút kinh nghiệm, trao đổi kinh nghiệm giúp đỡ nông dân và học hỏi dân” (Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, t6, tr 249).

Tóm lại, để khắc phục bệnh giấy tờ mỗi cán bộ, đảng viên không phải chỉ nói suông, ngồi ra mệnh lệnh mà phải “thật thà nhúng tay vào việc”.

Hoàng Bách

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/chinh-tri/dao-duc-ho-chi-minh/muon-duoc-viec-phai-khac-phuc-benh-giay-to-131123.html