Muốn giảm lãi suất, chính sách hỗ trợ cần thiết thực hơn
Xu hướng giảm lãi suất huy động hiện nay đang gợi mở làn sóng giảm lãi suất cho vay trong tương lai, giúp thị trường 'dễ thở' hơn trong thời gian tới. Tuy nhiên, ngoài việc lãi suất tăng giảm theo điều kiện vĩ mô, giới doanh nghiệp vẫn kỳ vọng dòng tiền từ các gói hỗ trợ nói chung sẽ 'chảy' thực tế hơn.
Doanh nghiệp tiếp tục than khó vay
Nhiều doanh nghiệp cho biết, hoạt động sản xuất kinh doanh đang khó khăn vì lãi suất đang ở mức cao và việc tiếp cận tín dụng hạn chế. Chẳng hạn, mới đây, tại Hội nghị Đối thoại ngân hàng – doanh nghiệp tại TPHCM, đại diện Công ty Nệm Vạn Thành, cho biết với mức lãi suất cho vay trên 10%/năm như hiện tại thì khó có thể làm ăn. Trong khi đó, lãnh đạo Hội Cơ khí – điện TPHCM cho biết, nhiều doanh nghiệp trong hội đang phải vay vốn với lãi suất mười mấy phần trăm.
Không chỉ lãi suất cao mà nhiều doanh nghiệp còn đau đầu việc khó tiếp cận vốn vay. Thậm chí, dù đã có ngân hàng cam kết nhưng doanh nghiệp vẫn khó có tiền trong khi hàng nhập đã về đến cảng. Một số doanh nghiệp vẫn tiếp tục phản ánh câu chuyện tài sản thế chấp, ngân hàng khó cho vay.
Theo khảo sát được Hiệp hội doanh nghiệp TPHCM (HUBA) thực hiện với hơn 100 doanh nghiệp, có 43% cho rằng yếu tố khó khăn hiện nay là lãi suất vay cao, 40% đánh giá khó tiếp cận nguồn vốn và 38% đánh giá thủ tục vay vốn phức tạp, tốn nhiều thời gian.
Những câu chuyện trên cho thấy, vấn đề lãi suất vay cao và khó tiếp cận vốn không phải là mới nhưng đang nóng dần lên sau khi giai đoạn “tiền rẻ” đã đi qua, mức lãi suất cao thẩm thấu dần vào nền kinh tế.
Thị trường có dấu hiệu điều chỉnh
Từ đầu tháng 2 này, mặt bằng lãi suất đang hạ nhiệt, đặc biệt là ở nhóm lãi suất huy động, nhen nhóm hy vọng về việc lãi suất cho vay có thể giảm. Theo thống kê của Công ty chứng khoán SSI vào đầu tuần trước, mức lãi suất niêm yết cao nhất dành cho khách hàng cá nhân tại các ngân hàng thương mại cổ phần là 9,5%/năm, giảm 0,5-1% so với cuối năm ngoái và 7,4%/năm tại khối ngân hàng quốc doanh.
Mặt bằng này vẫn đang tiếp tục giảm trong tuần cuối của tháng 2. Nhiều ngân hàng giảm mạnh lãi suất, chủ yếu ở kỳ hạn 6 tháng trở lên. Mức giảm phổ biến xoay quanh mốc 0,5%/năm, có ngân hàng giảm đến 1%/năm.
Trong khi đó, mặt bằng lãi suất cho vay trên thị trường cho doanh nghiệp sản xuất thông thường đang dao động ở mức 10-10,5%/năm cho kỳ hạn 6 tháng và 11-12%/năm cho kỳ hạn 12 tháng.
“Mặt bằng lãi suất huy động và lãi suất cho vay niêm yết tại nhiều ngân hàng đã có điều chỉnh nhẹ nhưng nhìn chung vẫn ở mức cao so với nhu cầu thực tế của nền kinh tế”, báo cáo của SSI nhận định.
Ngân hàng nói lãi suất cho vay sẽ tiếp tục”hạ nhiệt”
Sau nhiều buổi hội nghị và đối thoại với doanh nghiệp gần đây, đại diện nhiều ngân hàng thương mại cho biết, lãi suất huy động sẽ sớm điều chỉnh, từ đó sẽ là cơ sở để giảm lãi suất cho vay.
Chia sẻ tại hội nghị tại TPHCM, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Ngân hàng OCB, cho biết lãi suất đang có dấu hiệu hạ nhiệt. Ngân hàng OCB đã điều chỉnh giảm lãi suất cho vay ở một số lĩnh vực và dự kiến sẽ còn giảm thêm trong thời gian tới.
Ông Tùng cho rằng, mức tăng lãi suất trong thời gian qua đã phản ánh khả năng tăng lãi suất của đồng đô la Mỹ cho nên lãi suất sẽ giảm trong trường hợp không có diễn biến khác khiến tình hình kinh tế vĩ mô xấu hơn. Lý do là nếu không giảm lãi suất cho vay thì khi nhu cầu thị trường suy yếu, bản thân các ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng trước nguy cơ phát sinh nợ xấu.
Trrong khi đó, lãnh đạo Ngân hàng BIDV lý giải, vì chi phí đầu vào cao nên lãi suất đầu ra phải tương ứng. Nhà băng phải tính toán nhiều chi phí khác nhau, bao gồm chi phí dịch vụ để xác định lãi suất cho vay và chỉ cần hai bên cùng có lợi thì ngân hàng sẵn sàng cho vay lãi suất dưới 10%.
Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2 mới đây, lãi suất trên thị trường đã có xu hướng giảm. Lãi suất cho vay bình quân phát sinh mới đã giảm 0,43%/năm. Trong đó, có 22 ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay bình quân.
Vào cuối tuần qua, nhiều ngân hàng đã bắt đầu điều chỉnh biểu lãi suất huy động với mức giảm xoay quanh 0,5% chủ yếu ở kỳ hạn dài, có ngân hàng thậm chí còn giảm 1 điểm phần trăm. Đây là cơ sở cụ thể để lãi suất cho vay có thể hạ nhiệt trong thời gian tới.
Cần cơ chế hỗ trợ tiếp cận tín dụng hiệu quả hơn
Bên cạnh câu chuyện lãi suất giảm theo tín hiệu thị trường, việc tăng cường khả năng tiếp cận vốn của các doanh nghiệp cũng là bài toán cần được chú ý, đặc biệt là từ phía ngân hàng thương mại và cơ quan quản lý.
Từ phía ngân hàng thương mại, mặc dù từ đầu tháng 2 đến nay, nhiều ngân hàng đưa ra chương trình cho vay lãi suất thấp hơn biểu lãi suất tối đa nhưng chỉ khu biệt vào một số phân khúc hoặc nhóm đối tượng đặc thù, khiến nhiều doanh nghiệp vẫn lo ngại về câu chuyện tiếp cận vốn.
Từ phía cơ quan quản lý, thiết kế chính sách hỗ trợ là một câu chuyện cần phải được đánh giá và điều chỉnh tương ứng. Một trong những ví dụ thất bại về mặt chính sách trong năm qua là gói hỗ trợ 40.000 tỉ đồng với lãi suất 2% lấy từ nguồn ngân sách theo Nghị định 31.
Gói hỗ trợ này được thị trường mong đợi nhưng kết quả giải ngân thấp. Lý do là vì cả ngân hàng và doanh nghiệp đều gặp nhiều vấn đề khi triển khai, đặc biệt là liên quan đến các tiêu chí xét duyệt như đánh giá về phương án khả năng phục hồi.
Chia sẻ bên lề tại hội nghị mới đây, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM, cho biết thêm tốc độ giải ngân gói này đang tăng trưởng nhưng vẫn chậm. Đặc thù của chính sách hỗ trợ này là tiêu chí xét duyệt tương tự như khoản vay thương mại bình thường nhưng đòi hỏi sự công khai minh bạch vì thực hiện cấp bù lãi suất. Điều này khiến cho các bên e dè, đặc biệt là doanh nghiệp với tâm lý lo ngại thanh tra, kiểm toán sau khi nhận vốn vay.
Một chính sách không đạt hiệu quả khác có thể kể đến như hỗ trợ ngư dân vay vốn theo Nghị định 67. Theo báo cáo cuối năm ngoái của NHNN, có trên 80% trong tổng dư nợ là nợ xấu. Bản thân ngư dân và chính các ngân hàng thương mại cũng gặp nhiều khó khăn.
Từ quí 3 năm ngoái, khi góp ý về các chính sách hỗ trợ nền kinh tế, nhiều doanh nghiệp còn đề xuất hỗ trợ giảm thuế trực tiếp còn mang tính thực tế hơn là đưa ra những gói quy mô vài chục nghìn tỉ để rồi chờ các ngân hàng thương mại xét duyệt. Khi ngân hàng còn xét duyệt cho vay thì còn có thể xảy ra nhiều vấn đề, bắt nguồn từ “khẩu vị” của ngân hàng và quan hệ giữa ngân hàng với doanh nghiệp.
Hiện nay, một trong những phương án được giới quản lý đẩy mạnh là chương trình kết nối doanh nghiệp với ngân hàng. Những chương trình này đã được nhiều tỉnh, thành đã tổ chức trong tháng 2 vừa qua và dự kiến sẽ đẩy mạnh hơn trong thời gian tới.
Riêng tại TPHCM, tại hội nghị vừa qua, 16 ngân hàng thương mại tại TPHCM đã ký cam kết cho 64 doanh nghiệp vay 11.000 tỉ đồng với lãi suất cho vay ngắn hạn 7%/năm và trung dài hạn 10%/năm. Trước đó, năm 2022, chương trình này giải ngân 568.340 tỉ đồng cho 32.500 khách hàng, tăng 16,65% so với năm 2021.
Thêm vào đó, một gói hỗ trợ đang được nhắc đến nhiều nhất là gói tín dụng 120.000 tỉ đồng từ 4 ngân hàng thương mại có vốn nhà nước, lãi suất thấp hơn 1,5-2%/năm so với mức vay thông thường. Gói này hướng đến hai nhóm là nhà ở xã hội và nhà ở cho công nhân. Trong trường hợp có thêm các ngân hàng thương mại tham gia, quy mô gói này có thể tăng lên.
Đây có thể xem là gói hỗ trợ lớn và quan trọng của ngành ngân hàng nhằm tháo gỡ khó khăn của thị trường bất động sản. Tuy nhiên, trên bình diện chung, không chỉ có lĩnh vực bất động sản mà nhiều ngành sản xuất khác cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn. Có lẽ, cơ quan quản lý cần tính đến việc thiết kế chính sách hỗ trợ cụ thể và thiết thực hơn cho từng nhóm doanh nghiệp để không chỉ bất động sản mà nhiều ngành khác có cơ hội vượt khó.