Muốn hạnh phúc đừng giữ cái 'tôi' cứng nhắc để giành phần thắng

Khi yêu nhau, người ta sẵn sàng nhượng bộ nhau để làm đối phương vui vẻ. Thế nhưng, bước vào hôn nhân là cuộc hành trình dài mà hai người cần có sự cam kết và hiểu biết lẫn nhau. Có như vậy mới có thể cùng nhau đi đến cuối cuộc đời.

Chị H. là một người phụ nữ khá đảm đang, nhanh nhẹn, hay làm nhưng lại mắc bệnh hay kêu ca. Chị cứ tay làm miệng kêu khiến cho chồng chị cảm thấy ngột ngạt.

Anh chồng cảm thấy bực bội vì vợ làm gì cũng phải kẻ cả, cho nên lẽ ra anh định cùng vợ làm việc này việc nọ nhưng nghe chị nói là anh lại làm ngược lại.

Chị thì cho rằng, nếu chồng cùng chia sẻ thì mình sẽ không lắm lời. Anh thì nghĩ, nếu chị ít lời đi thì anh sẽ cùng làm. Cuối cùng, chẳng ai chịu thay đổi trước mà luôn muốn người kia phải thay đổi trước.

Cuộc sống hôn nhân vẫn luôn muôn màu muôn vẻ. Có người thấy tốt dần lên theo theo thời gian, nhưng có người thì mỗi ngày lại rơi vào ngõ cụt. Mỗi người sẽ luôn có những lý lẽ riêng để bảo vệ quan điểm cá nhân. Vậy cái "Tôi" trong hôn nhân có phải là một thứ rất nguy hiểm cần điều chỉnh và phải điều chỉnh thế nào cho hợp lý?

 Th.S công tác xã hội Nguyễn Hiền Minh cho rằng, đừng tạo ra cái "Tôi" hẹp hòi, ích kỷ, vô tâm hay bướng bỉnh. Hãy tạo ra cái "Tôi" đặc biệt trong mắt vợ/chồng mình bằng hình ảnh của một người tình cảm, chu đáo, quan tâm và rộng lượng.

Th.S công tác xã hội Nguyễn Hiền Minh cho rằng, đừng tạo ra cái "Tôi" hẹp hòi, ích kỷ, vô tâm hay bướng bỉnh. Hãy tạo ra cái "Tôi" đặc biệt trong mắt vợ/chồng mình bằng hình ảnh của một người tình cảm, chu đáo, quan tâm và rộng lượng.

Theo Th.S công tác xã hội Nguyễn Hiền Minh - giảng viên Trường Cán bộ Hội Nông dân Việt Nam - TW Hội Nông dân Việt Nam, chia sẻ: "Rất nhiều cặp vợ chồng thường bắt đầu từ việc yêu nhau rồi cưới nhau. Sau đó, về một nhà thì cãi nhau và cuối cùng là bỏ nhau. Câu chuyện vợ chồng ở trên cũng chỉ là một tình huống ví dụ của việc vợ chồng chẳng ai chịu ai vì cái Tôi của mỗi người quá lớn. Khi yêu nhau thì người ta sẵn sàng nhượng bộ nhau để làm đối phương vui vẻ và mong sớm được bên nhau, cái "Tôi" lúc này của họ sẽ bị xếp ra sau bởi họ hy vọng khi về chung sống sẽ thay đổi được người kia.

Tuy nhiên, hôn nhân là cuộc hành trình dài mà hai người cần có sự cam kết và hiểu biết lẫn nhau mới có thể cùng nhau đi đến cuối cuộc đời. Nếu mỗi người luôn có suy nghĩ phải thay đổi người kia mà không chấp nhận, nhượng bộ người kia thì sớm muộn gì hôn nhân cũng rơi vào ngõ cụt.

Ths Nguyễn Hiền Minh cho rằng, trước khi về chung một nhà, hai người vốn là hai cá thể hoàn toàn độc lập và khác biệt về tính cách; quan điểm sống; kinh nghiệm xã hội; giáo dục và cả những trải nghiệm trong truyền thống của gia đình hai bên… hình thành nên hệ giá trị và tư tưởng của họ có sự khác biệt và độc lập. Nếu không có sự hiểu biết và chấp nhận sự khác biệt đó thì hai người không thể tìm được tiếng nói chung trong cuộc sống.

 Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Sự hiểu biết về người bạn đời ở đây hiểu đơn giản là hiểu tính cách, quan điểm sống, nhu cầu, nguyện vọng và cả những hạn chế, khó khăn của nhau… Trên cơ sở sự hiểu biết đó, đòi hỏi mỗi bên phải biết chấp nhận và bao dung cho nhau. Chỉ cần hai người luôn ý thức rằng: Mình có thể hơn thua với ai ngoài xã hội cũng được và lấy đó làm động lực mà phấn đấu nhưng tuyệt đối "không cần" phải hơn thua với vợ/chồng của mình. Bởi lẽ chẳng có thứ hạng nào trong gia đình tạo ra mối quan hệ bình đẳng, tôn trọng, yêu thương giữa vợ và chồng. Nó sẽ chỉ tạo ra khoảng cách ngày càng xa khi một bên cố gồng mình lên để khẳng định vị trí, sự ảnh hưởng của mình và một bên là sự đè nén, ấm ức và bất mãn thôi.

Cái "Tôi" chính là bản ngã của mỗi người, nó khiến cho chúng ta trở thành đặc biệt và duy nhất trong mắt người khác. Đừng tạo ra cái "Tôi" hẹp hòi, ích kỷ, vô tâm hay bướng bỉnh, hãy tạo ra cái "Tôi" đặc biệt trong mắt vợ/chồng mình bằng hình ảnh của một người ấm áp, tình cảm, chu đáo, quan tâm và rộng lượng. Không cần cố giữ cái "Tôi" cứng nhắc để giành phần thắng bởi ta không cần ganh đua với vợ/chồng mình. Hãy nhượng bộ bằng tình yêu thương vì tình cảm gia đình mới là quan trọng. Khi đó, chúng ta lùi một bước nhưng để chờ đợi và để song hành cùng người kia đi hết hành trình hôn nhân hạnh phúc.

Theo Th.S Công tác xã hội Nguyễn Hiền Minh/Phunuvietnam.vn

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/cong-dong-tre/muon-hanh-phuc-dung-giu-cai-toi-cung-nhac-de-gianh-phan-thang-1390814.html